Dự phiên chất vấn, trả lời chất vấn có các đồng chí: Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn ĐBQH, Chủ tịch UBND TPHCM; Nguyễn Hồ Hải, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM.
Chủ tọa kỳ họp có các đồng chí: Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM; Phạm Thành Kiên, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TPHCM; Huỳnh Thanh Nhân, Phó Chủ tịch HĐND TPHCM.
Đặt câu hỏi chất vấn Chủ tịch UBND TPHCM, ĐB Trần Quang Thắng cho rằng, thành phố cần thúc đẩy các dự án đầu tư theo phương thức đối tác công – tư (PPP). ĐB đặt câu hỏi Chủ tịch UBND TPHCM đã có chỉ đạo như thế nào để hài hòa lợi ích giữa chính quyền, doanh nghiệp và người dân nhằm phát triển các dự án này trong năm tới?
Trả lời ĐB, Chủ tịch UBND TPHCM cho biết, vừa qua UBND TPHCM đã trình HĐND danh mục 41 dự án theo phương thức đối tác công - tư (PPP) trong lĩnh vực y tế, giáo dục - đào tạo, thể thao và văn hóa. Đến nay mới hoàn thành các thủ tục về giấy tờ. Vừa rồi, ngành văn hóa thành phố tổ chức hội nghị gặp gỡ, giới thiệu nhà đầu tư nhưng hiện chưa có dự án nào đi sâu để triển khai trong năm 2025. Thành phố cũng đã đề nghị thành lập tổ công tác về triển khai dự án PPP để rà soát quy trình, hướng dẫn nhà đầu tư PPP liên hệ một đầu mối. Ngoài ra, sắp tới thành phố cũng sẽ có cuộc họp với các UBND quận huyện để giao đầu mối cho quận huyện tiếp xúc với nhà đầu tư triển khai các dự án trường học, y tế có quy mô nhỏ.
Trả lời câu hỏi liên quan thị trường bất động sản của ĐB Lê Xuân Viên, Chủ tịch UBND TPHCM cho biết năm 2024, thị trường bất động sản tại TPHCM có khởi sắc nhưng vẫn còn chậm. Trong 11 tháng của năm, có 12 dự án nhà ở thương mại được cấp phép; trong đó có những dự án mới khởi công, dự án cũ tái khởi động. Đây là tín hiệu đáng mừng bởi các dự án có nhiều vướng mắc từ quy hoạch, tài chính, đến quan hệ hợp đồng... Để tháo gỡ, Chính phủ đã thành lập Tổ công tác làm việc trực tiếp với TPHCM; thành phố cũng có tổ công tác do Phó Chủ tịch UBND TPHCM Bùi Xuân Cường làm tổ trưởng trực tiếp theo dõi, giải quyết.
Qua theo dõi, đến nay TPHCM đã giải quyết cho 30/64 dự án, trong đó 8 dự án dứt điểm, các dự án khác đã giải quyết một phần. Chủ tịch UBND TPHCM nhấn mạnh, đây là một trong những giải pháp thúc đẩy thị trường bất động sản trong thời gian tới. Bên cạnh đó, thành phố còn giải quyết các vướng mắc về quy hoạch; thi hành Luật Đất đai 2024 để giải quyết vấn đề đất đai. Ngoài ra, Sở Xây dựng TPHCM cũng nghiên cứu quy trình rút ngắn thủ tục đầu tư các dự án… Chủ tịch UBND TPHCM đánh giá năm 2025 thị trường bất động sản sẽ ấm hơn, dấu hiệu tích cực hơn.
Về thu hút đầu tư nước ngoài, Chủ tịch UBND TPHCM cho biết, thành phố vẫn là địa bàn thu hút lớn nhất, dẫn đầu của cả nước. Trong diễn biến địa kinh tế trong khu vực thì TPHCM vẫn là điểm đến được nhà đầu tư lựa chọn. Tuy nhiên, hiện nay, quỹ đất sạch ở các khu công nghiệp để bàn giao ngay cho nhà đầu tư còn khá ít. Thành phố đang rà soát, tháo gỡ khó khăn về quỹ đất, đồng thời chuẩn bị đưa vào khai thác các khu công nghiệp mới; chuyển đổi các khu công nghiệp theo hướng công nghiệp công nghệ cao, logistic…
"Bên cạnh việc chuẩn bị hạ tầng đất đai, thành phố tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, thủ tục đầu nhanh gọn, giải quyết các phát sinh cho tốt để thu hút các ngành công nghiệp công nghệ cao, có vốn lớn cũng như hàm lượng khoa học công nghệ cao", Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi.
ĐB Châu Trương Hoàng Thảo chất vấn về đề án phân cấp được UBND TPHCM trình HĐND TPHCM thông qua với 18 nội dung. Theo đó, UBND TPHCM có giải pháp gì để đảm bảo các nguồn lực và điều kiện cần thiết để cơ quan được phân cấp thực hiện tốt nội dung được phân cấp.
Trả lời, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi khẳng định việc phân cấp phải theo quy trình, đúng với luật định. Khi phân cấp phải rà soát các điều kiện, nguồn lực để thực hiện. Tiếp thu ý kiến của ĐB, TPHCM sẽ rà soát lại để đảm bảo việc phân cấp thuận lợi, không tạo khoảng trống, cũng không gây khó khăn cho cơ sở khi triển khai thực hiện. TPHCM cũng sẽ tập huấn và đầu tư trang thiết bị, đồng thời tiến hành phân cấp đồng bộ.