Hỗ trợ F0 cách ly, điều trị tại nhà: Sẵn sàng khi người dân có nhu cầu

Với sự chỉ đạo của Bộ Y tế, từ ngày 15-7, TPHCM bắt đầu thí điểm cách ly, điều trị F0 không có triệu chứng tại nhà. Tuy nhiên, làm sao đảm bảo an toàn cho người bệnh và thân nhân, nhất là xử lý khi có dấu hiệu chuyển nặng là vấn đề nhiều người dân băn khoăn. 

Tuân thủ nghiêm các quy định phòng dịch

Theo hướng dẫn của Sở Y tế TPHCM, những người mắc Covid-19 không triệu chứng lâm sàng đang chăm sóc, điều trị tại các cơ sở y tế đủ điều kiện xuất viện vào ngày thứ 7 và những người mắc Covid-19 mới được phát hiện tại cộng đồng, không triệu chứng lâm sàng, không yếu tố nguy cơ (không có bệnh nền hoặc có bệnh nền đã điều trị ổn định, không béo phì) thì được cách ly tại nhà trong 14 ngày.

Sở Y tế  đã có văn bản hướng dẫn cụ thể đến các quận huyện từ việc đảm bảo về cơ sở vật chất, trang thiết bị đến cam kết đủ điều kiện và tuân thủ các hướng dẫn khi cách ly tại nhà. Sau 15 ngày triển khai, nhiều quận huyện gặp một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai. Ông Bùi Thế Hải, Phó Chủ tịch UBND quận 10, cho biết, việc thực hiện thí điểm cách ly F1, F0 tại nhà, quận 10 mới triển khai được trên địa bàn phường 6 và phường 13. Quận đang tiếp tục rà soát điều kiện cơ sở vật chất các hộ trên địa bàn để thí điểm thực hiện mở rộng ra các phường còn lại. 

Huyện Củ Chi đã lập 7 khu cách ly với 149 phòng, sức chứa trên 1.000 người, đang cách ly 596 người tại 5 khu cách ly tập trung. Bà Nguyễn Thị Hằng, Phó Chủ tịch UBND huyện Củ Chi, cho biết huyện mới thí điểm cách ly, điều trị F0 tại nhà được 2 trường hợp, đây đều là người già lớn tuổi có bệnh nền, gia đình đáp ứng được các tiêu chí trong việc tự cách ly tại nhà. Người bệnh vào tại các khu cách ly được theo dõi, hỗ trợ 24/7 sẽ tốt hơn khi để họ ở nhà tự theo dõi, bởi F1, F0 ở nhà thì nhân viên y tế cũng vất vả vì họ ở rải rác. Bên cạnh đó còn làm tăng nguy cơ lây nhiễm trong nhà và xung quanh.

Các chuyên gia y tế cho rằng, người mắc Covid-19 có nguyện vọng cần cam kết đủ điều kiện và tuân thủ các hướng dẫn khi cách ly tại nhà. Đối với trẻ em, người cao tuổi, người có bệnh lý nền không tự chăm sóc được thì cần có người hỗ trợ và chăm sóc khi cách ly tại nhà. Trường hợp tất cả người trong hộ gia đình đều mắc Covid-19 , có thể tự chăm sóc sức khỏe lẫn nhau thì không cần điều kiện phòng riêng cho từng cá nhân. Nhà có bệnh nhân cách ly tại nhà cần trang bị sẵn dung dịch khử khuẩn tay và bề mặt, nước súc họng hoặc nước muối sinh lý (0,9%), khẩu trang y tế, nhiệt kế cùng một số loại thuốc thiết yếu (hạ sốt, thuốc nâng cao thể trạng như các loại vitamin, chất dinh dưỡng vi lượng, các thuốc y học cổ truyền). Đặc biệt, F0 tại nhà cần gọi nhân viên y tế khi có một trong các dấu hiệu: sốt trên 380C, ho, đau họng, tiêu chảy, mất mùi/vị, đau ngực, nặng ngực, cảm giác khó thở (khi không thể hít sâu và nín thở đủ 10 giây), khi nhịp thở > 20 lần/phút để được hướng dẫn xử trí phù hợp.

Thành lập các đội phản ứng nhanh

Theo PGS-TS Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM, trong thời gian qua, một số mô hình quản lý F0 tại nhà phát huy hiệu quả đã được triển khai tại một số quận huyện như quận Bình Thạnh, quận 7... Tại quận Bình Thạnh, Trung tâm y tế quận đã trang bị xe cấp cứu tại các trạm y tế và bố trí đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng trực đường dây nóng. Mỗi khi có yêu cầu trợ giúp y tế từ người dân, lực lượng y tế lưu động sẽ lên đường đến tận nhà xử lý.

Trong trường hợp cần chuyển viện, sẽ chuyển bệnh nhân đến Bệnh viện Dã chiến quận Bình Thạnh. Đây là bệnh viện có 200-300 giường, trang bị bình oxy lỏng và do các bác sĩ Bệnh viện Quận Bình Thạnh đảm nhiệm. Nếu bệnh nhân ổn định sẽ đưa đến khu cách ly tập trung của quận, còn nặng sẽ chuyển lên các tuyến trên. “Đây là mô hình mang lại hiệu quả tốt trong việc đảm bảo an toàn sức khỏe người F0 cách ly tại nhà, Sở Y tế sẽ bàn giải pháp nhân rộng mô hình này”, PGS-TS Tăng Chí Thượng cho biết. 

Theo PGS-TS Tăng Chí Thượng, trước tình hình thực tế ngày càng có nhiều F0 cách ly tại nhà hoặc chưa kịp chuyển đến các cơ sở y tế, Sở Y tế TPHCM đã yêu cầu các quận huyện lập các đội phản ứng nhanh để kịp thời ứng cứu người dân khi có các sự cố về sức khỏe. Trong ngày 30-7, UBND TP Thủ Đức đã thành lập 40 đội phản ứng nhanh. Bên cạnh một số đội lưu động bằng ô tô sẽ có các đội đi xe máy, được trang bị cấp cứu gồm có bình oxy, đồ phòng chống dịch. Việc di chuyển bằng xe máy sẽ giúp nhanh gọn, tiếp cận gần như khắp các khu vực tại TP Thủ Đức. Các quận huyện cũng phải tổ chức đường dây tiếp nhận cuộc gọi của người mắc Covid-19, hoạt động 24/7 để hướng dẫn người bệnh.

Song song đó, Trung tâm Cấp cứu 115 TPHCM cũng chịu trách nhiệm tiếp nhận các cuộc gọi cấp cứu của F0 khi có triệu chứng nặng tại nhà. “Lực lượng y tế địa phương luôn sẵn sàng ứng cứu khi người dân có nhu cầu. Người dân khi có các triệu chứng Covid-19 chuyển nặng cần gọi ngay cho các trạm y tế địa phương, các đường dây nóng để được hỗ trợ kịp thời. Ngoài ra, Sở Y tế cũng lập các nhóm bác sĩ tư vấn sức khỏe qua điện thoại cho người dân khi có các vấn đề về sức khỏe. Tại mỗi quận huyện đều có  nhóm bác sĩ tư vấn sức khỏe qua điện thoại cho người mắc Covid-19”, PGS-TS Tăng Chí Thượng nhấn mạnh.

Tin cùng chuyên mục