Học cách dự phòng rủi ro

Nhận túi quà hỗ trợ từ chủ phòng trọ, Văn Tiến D. (29 tuổi, kỹ sư công nghệ thông tin, ngụ quận Tân Bình, TPHCM) tâm sự: “Nhận phần quà này cũng ngại lắm vì trong dãy trọ có nhiều hoàn cảnh khó khăn hơn tôi, nhưng thiệt tình là tôi cũng hết cách xoay”.

Tự tin vào CV (hồ sơ ứng tuyển) với thành tích học tập giỏi, đã có kinh nghiệm tham gia vào nhiều dự án lập trình với những công ty đa quốc gia nên chuyện nhảy việc với D. không có gì quá lo lắng. Lương thấp, chế độ đãi ngộ không hấp dẫn, thậm chí là mâu thuẫn nhỏ với đồng nghiệp cũng là lý do để D. rời công ty.

D. nghỉ việc từ sau tết, dồn hết thời gian để học thêm ngoại ngữ và chỉ làm thêm vài dự án nhỏ vào buổi tối. Khi dịch Covid-19 bùng phát, giãn cách kéo dài, những dự án lập trình nhỏ ngày càng khó kiếm, số tiền tiết kiệm phần lớn đã dồn vào học phí trọn gói một năm của lớp ngoại ngữ, D. loay hoay xin việc và nhận hỗ trợ thực phẩm từ chủ nhà trọ để đỡ một phần chi tiêu. “Tôi cứ ỷ y là mình sẽ tìm được việc nhanh thôi, nên nhảy việc như cơm bữa, tiền tiết kiệm dồn hết vào lớp học tiếng Anh vì nghĩ có vài dự án là sẽ kiếm lại đủ tiền học phí. Tôi không tính cho mình những khoản rủi ro, đợt dịch này kéo dài quá, nên thành ra bây giờ thiếu hụt, cũng may là tôi xin được việc và làm hơn một tuần nay rồi”, D. kể.

Khác với D., Nguyễn Thanh T. (27 tuổi, ngụ quận 7) học cách tiết kiệm từ khi vào đại học và luôn có những khoản đầu tư phụ ngoài thu nhập chính. Nhưng hiện tại, T. cũng rơi vào cảnh thiếu hụt vì dồn hết tiền tiết kiệm để đầu tư, và dự án thì phải “chôn chân” do ảnh hưởng bởi dịch. T. kể: “Tôi và nhóm bạn đầu tư một cửa hàng chuyên quần áo thiết kế. Hiện tại, mọi kế hoạch phải tạm dừng vì dịch kéo dài và cửa hàng chỉ mới thi công được hơn một nửa phần việc. Công việc ở công ty của tôi cũng bị ảnh hưởng vì dịch và lương bị giảm nhiều. Hai tháng trước, tôi phải mượn tiền của một người bạn để trang trải sinh hoạt và phụ ba mẹ. Bây giờ, tôi “cày” thêm các hợp đồng quảng cáo nhỏ vào buổi tối thì mới đủ trang trải sinh hoạt cá nhân và lo cho một đứa em đang học cấp 3”.

Tiết kiệm và đầu tư là cần thiết đối với người trẻ, nhưng cần tính cho mình một khoản dự phòng rủi ro, nhất là trong bối cảnh tương lai phải sống chung với Covid-19. Giới trẻ bây giờ, nhiều bạn đầu tư giỏi, nhưng giỏi đến đâu cũng phải bình tĩnh, hãy đầu tư bằng với số tiền mà mình có thể mất, chứ đừng dồn hết tài khoản tiết kiệm để đầu tư. Ví như tình hình dịch bệnh kéo dài như hiện tại, không có khoản dự phòng rủi ro, không có sự hỗ trợ từ gia đình, nhiều bạn trẻ dễ rơi vào cảnh thiếu hụt và tâm lý bất ổn, tiêu cực cũng từ đó dễ phát sinh.

Tin cùng chuyên mục