Học sinh cả nước tựu trường sớm nhất vào ngày 1-9

 Chiều ngày 30-6, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tổ chức họp báo thường kỳ quý II năm 2020. Tại đây, Bộ GD-ĐT cho biết, Bộ đang xây dựng dự thảo Quyết định ban hành Khung kế hoạch thời gian năm học 2020-2021 đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên thay thế cho Quyết định 2071 đã áp dụng từ năm học 2017-2018. 
Theo lãnh đạo Bộ GD-ĐT, thời gian tập trung học sinh để chuẩn bị cho khai giảng năm học sớm nhất là ngày 1-9-2020
Theo lãnh đạo Bộ GD-ĐT, thời gian tập trung học sinh để chuẩn bị cho khai giảng năm học sớm nhất là ngày 1-9-2020

Không dạy chương trình trước ngày khai giảng

Theo đó, sẽ tiếp tục quy định thống nhất trong cả nước thời gian khai giảng năm học 2020-2021 là ngày 5-9-2020; quy định không tổ chức dạy học trước ngày khai giảng, thời gian tập trung học sinh để chuẩn bị cho khai giảng năm học sớm nhất là ngày 1-9-2020. 

Học sinh cả nước tựu trường sớm nhất vào ngày 1-9 ảnh 1 Thứ trưởng Bộ GD-ĐT thông tin tại buổi họp báo

Bộ GD-ĐT cũng cho hay, đối với trường tư thục, Bộ sẽ xem xét, sửa đổi Thông tư số 13 cho phù hợp hơn. Riêng năm học 2020-2021 do ảnh hưởng của dịch Covid-19 kết thúc năm học muộn nên các trường tư thục có thể báo cáo với Sở GD-ĐT về thời gian tập trung học sinh đến trường, tuy nhiên cần lưu ý dành thời gian cho học sinh được nghỉ hè trong bối cảnh kết thúc năm học muộn. 

Năm học 2020-2021, Bộ sẽ tiếp tục rà soát để tinh giản nội dung dạy học, giảm tải chương trình, vì vậy thời gian thực học cho cấp trung học cơ sở, trung học phổ thông sẽ được điều chỉnh còn 35 tuần (so với 37 tuần hiện nay) như với cấp tiểu học. Qua đó, tăng thời gian tổ chức các hoạt động trải nghiệm và tăng thời gian nghỉ hè cho giáo viên và học sinh.

Có hơn 6.000 giảng viên làm công tác thanh tra kỳ thi THPT

Thông tin tại buổi họp báo, lãnh đạo Bộ GD-ĐT cũng cho biết, liên quan tới kỳ thi THPT sắp tới, Bộ GD-ĐT đã hoàn thiện phương án cụ thể để giám sát chặt chẽ các khâu của kỳ thi, trong đó đặc biệt là công tác coi thi, chấm thi tại các địa phương. Hoàn thiện hệ thống phần mềm quản lý thi, phần mềm chấm thi trắc nghiệm. Ban hành đề thi tham khảo cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 giúp định hướng dạy học, ôn tập, tạo tâm lý ổn định đối với giáo viên, học sinh và phụ huynh. 

Kỳ thi năm nay, giảng viên đại học sẽ không tham gia vào công tác coi thi, chấm thi như mọi năm nhưng sẽ được huy động để tham gia các đoàn thanh tra của Bộ, của Sở triển khai công tác kiểm tra, thanh tra tất cả các khâu của kỳ thi. Theo hướng dẫn công tác thanh tra kỳ thi đã được Bộ GD-ĐT ban hành, sẽ có hơn 6.000 giảng viên đại học được huy động thực hiện nhiệm vụ này. Đặc biệt, năm nay sẽ có thêm Thanh tra Chính phủ, Thanh tra tỉnh tham gia giám sát kỳ thi.

Ngay sau khi Quy chế thi được ban hành, Bộ GDĐT đã tổ chức Hội nghị trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố để quán triệt Quy chế thi và tập huấn nghiệp vụ tổ chức thi. Hội nghị thống nhất quan điểm, tinh thần và trách nhiệm để sẵn sàng triển khai các công việc chuẩn bị, tổ chức thi với quyết tâm cao nhất, đáp ứng yêu cầu tổ chức Kỳ thi an toàn, nghiêm túc, khách quan. 

Về công tác tuyển sinh, Bộ GD-ĐT đã ban hành Quy chế tuyển sinh trình độ đại học; tuyển sinh trình độ cao đẳng ngành giáo dục mầm non và các văn bản hướng dẫn các cơ sở đào tạo triển khai công tác tuyển sinh năm 2020; xây dựng và hoàn thiện các phần mềm báo cáo xác định chỉ tiêu tuyển sinh, cổng thông tin tuyển sinh để hỗ trợ các trường trong việc khai báo và công khai các điều kiện đảm bảo chất lượng xác định chỉ tiêu tuyển sinh; khai báo và công khai chính xác, đúng quy định thông tin tuyển sinh.  

Liên quan tới quá trình chuẩn bị sách giáo khoa giáo dục phổ thông, đại diện Bộ GD-ĐT cho hay, tính đến ngày 30-5, Bộ GD-ĐT đã nhận được công văn của 63 Sở GD-ĐT báo cáo kết quả lựa chọn sách giáo khoa của các trường tiểu học. Kết quả cho thấy, tất cả các đầu sách giáo khoa được phê duyệt cho phép sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông đều được lựa chọn; 61 địa phương chọn sách giáo khoa ít nhất từ 3 bộ trở lên, trong đó 36 tỉnh chọn sách giáo khoa của cả 5 bộ. 

Bộ GD-ĐT cho rằng, việc lựa chọn các đầu sách giáo khoa từ nhiều bộ khác nhau thể hiện tính dân chủ, khách quan trong quá trình lựa chọn. Đồng thời cho thấy các cơ sở giáo dục đã nghiên cứu kỹ lưỡng sách giáo khoa nên chọn được đầu sách theo từng môn học phù hợp với điều kiện và cơ sở vật chất dạy học của nhà trường. 

Tin cùng chuyên mục