Ì ạch những công trình y tế trọng điểm: Gian nan sửa chữa, mở rộng bệnh viện

Không chỉ những bệnh viện (BV) tuyến trên lâm vào cảnh xuống cấp, nhếch nhác mà nhiều BV tuyến quận, huyện tại TPHCM cũng đang hàng ngày “oằn mình” phục vụ người bệnh khi cơ sở vật chất ngày càng xuống cấp nghiêm trọng. Tuy nhiên, việc sửa chữa, mở rộng gặp không ít gian nan.
Hành lang chật hẹp tại Bệnh viện quận Phú Nhuận, TPHCM. Ảnh: QUANG HUY
Hành lang chật hẹp tại Bệnh viện quận Phú Nhuận, TPHCM. Ảnh: QUANG HUY

Liên tục dời ngày khởi công

8 giờ sáng 18-10, từ cổng chính đi vào (số 250 đường Nguyễn Trọng Tuyển) bên trong sân BV quận Phú Nhuận ken dày xe của người dân đến thăm khám. Hành lang BV hẹp chưa đến 1m, các phòng khám, khu nội trú rộng chừng 13-15m2, nhưng do quá tải nên mỗi phòng phải xếp 3-4 giường. Nền sàn gạch ở một số khoa phòng bị nứt vỡ, tường bị bong tróc, nấm mốc... Nguy hiểm nhất là hệ thống dây điện chằng chịt, rất dễ mất an toàn nếu xảy ra cháy nổ.

Theo BS-CKII Lê Thị Kim Hạnh, Phó Giám đốc BV quận Phú Nhuận, BV được thành lập năm 2007 có diện tích 3.246m2, gồm 1 trệt 2 lầu, trên cơ sở chia tách Trung tâm y tế dự phòng. Hiện 16 phòng, khoa với 100 giường nội trú, 30 bàn khám ngoại trú của bệnh viện luôn trong tình trạng quá tải, cơ sở vật chất xuống cấp nghiêm trọng…

Trước thực trạng này, UBND quận Phú Nhuận đã có quyết định giao mặt bằng tại số 128 đường Nguyễn Trọng Tuyển (trước đây là Trường THCS Ngô Mây, phường 8, quận Phú Nhuận) diện tích 993,8m2 để xây cơ sở 2 của BV quận Phú Nhuận với tổng diện tích sàn xây dựng 4.978m2, mức đầu tư trên 92 tỷ đồng từ nguồn ngân sách thành phố và đã được HĐND TPHCM thông qua, thời gian thực hiện từ năm 2018-2020.

Tuy nhiên, do vướng quy định chỉ cho phép mật độ xây dựng tối đa 50%, các khoảng lùi xây dựng công trình từ 2-6m, do đó diện tích xây dựng tối đa tại mặt bằng này chỉ còn khoảng 439m2, không đủ bố trí dây chuyền một chiều theo tiêu chuẩn của ngành y tế (1 tầng cho 1 khoa khám bệnh) dẫn đến phương án thiết kế xây dựng cơ sở 2 BV quận Phú Nhuận tại mặt bằng này không khả thi.

Ngày 11-10-2019, UBND quận Phú Nhuận có công văn gửi UBND TPHCM đề xuất chấm dứt thực hiện xây mới cơ sở 2 BV quận Phú Nhuận tại số 128 đường Nguyễn Trọng Tuyển và kiến nghị xem xét triển khai dự án tại số 140B đường Nguyễn Văn Trỗi (khu đất kề bên BV) do Công ty TNHH MTV Quản lý Kinh doanh nhà thành phố quản lý (đang cho Công ty CP Phát hành sách khu vực II thuê sử dụng, diện tích 1.870m2, diện tích sàn sử dụng 3.443m2 nhưng không sử dụng hết công năng và chưa đúng mục đích).

Thế nhưng, trong quá trình làm việc với sở ngành, việc hoán chuyển mặt bằng số 140B đường Nguyễn Văn Trỗi phức tạp, nên tháng 4-2020, UBND quận Phú Nhuận kiến nghị thành phố tiếp tục triển khai thực hiện dự án xây mới cơ sở 2 BV quận Phú Nhuận tại số 128 đường Nguyễn Trọng Tuyển, xin ghi vốn chuẩn bị đầu tư, nhưng chưa được ghi vốn. Sau nhiều lần kiến nghị, thành phố tích cực tháo gỡ các khó khăn, dự án xây mới cơ sở 2 BV quận Phú Nhuận đã được chấp thuận và điều chỉnh thời gian thực hiện từ 2023-2025, tăng tổng mức đầu tư lên hơn 310 tỷ đồng (đã bao gồm chi phí thiết bị chuyên ngành y tế); tổng diện tích sàn xây dựng từ 4.978m2 lên 6.770m2.

“Dự án dự kiến được khởi công trong quý 3-2023, nhưng giờ có thông tin sẽ dời sang quý 1-2024. Chúng tôi và người bệnh mong dự án sẽ không bị lùi thời gian xây mới”, đại diện BV quận Phú Nhuận chia sẻ.

Sửa chữa chắp vá

Mặc dù nhiều lần được đầu tư kinh phí sửa chữa, xây dựng, nhưng lãnh đạo BV Đa khoa Sài Gòn thừa nhận, BV có tuổi đời 85 năm nên việc sửa chữa gặp không ít khó khăn và không biết sửa chỗ nào, bỏ chỗ nào. BV từng có phương án di dời từ năm 2006, nhưng đến nay, sau 17 năm vẫn chưa nhúc nhích. Sau nhiều lần họp bàn, năm 2017, BV được các sở ngành tham mưu UBND TPHCM thực hiện dự án theo hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao) tại khu Mả Lạng (quận 1) quy mô 300 giường. Tuy nhiên, đến nay công trình vẫn chưa được khởi công, cơ sở vật chất ngày càng xuống cấp nghiêm trọng. Năm 2017, BV được thành phố phê duyệt cải tạo, sửa chữa hệ thống xử lý nước thải, tổng mức đầu tư 32 tỷ đồng và giao Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp TPHCM triển khai; còn dự án xây mới tiếp tục “đắp chiếu”, chưa hẹn ngày khởi công.

Tương tự, BV Lê Văn Thịnh (TP Thủ Đức) cũng lâm vào tình trạng xuống cấp, quá tải trầm trọng khi mỗi ngày tiếp nhận 3.000-3.500 lượt người bệnh. Dù đã được chấp thuận chủ trương xây dựng mở rộng ở khu đất liền kề nhưng đến nay dự án vẫn chưa khởi động. BS-CKII Trần Văn Khanh, Giám đốc BV Lê Văn Thịnh, cho biết, một số hạng mục của đơn vị đã xuống cấp, không đảm bảo công tác khám chữa bệnh cho người dân trên địa bàn. Trong khi đó, nguồn kinh phí chi không thường xuyên để sửa chữa lại hạn hẹp. Vì thế, bệnh nhân nội trú lúc cao điểm phải nằm ghép thường xuyên xảy ra. BV đã có nhiều biện pháp tạm thời như ca bệnh không cần điều trị nội trú thì cho về nhà, ca phẫu thuật không nguy cơ cao, bệnh lý nền ít thì cho xuất viện kèm theo nhân viên y tế chăm sóc tại nhà...

TPHCM đầu tư lớn cho hệ thống y tế

Theo PGS-TS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TPHCM, nhiều dự án phát triển cơ sở hạ tầng và trang thiết bị của các đơn vị trực thuộc ngành y tế thành phố đã chính thức được bổ sung vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 với tổng mức đầu tư hơn 7.000 tỷ đồng từ nguồn ngân sách thành phố. Trong đó, 3 BV đa khoa khu vực (Củ Chi, Hóc Môn, Thủ Đức) đang xây dựng cơ sở hạ tầng được thành phố chấp thuận thông qua các dự án mua sắm trang thiết bị, tổng mức đầu tư hơn 1.400 tỷ đồng/BV. Ngoài ra, thành phố còn chấp thuận thông qua các dự án xây mới cơ sở hạ tầng và mua sắm trang thiết bị cho 17 cơ sở y tế, gồm: BV Nguyễn Trãi, BV Phục hồi chức năng và điều trị bệnh nghề nghiệp, Viện Y dược học dân tộc, BV Nhi đồng 2, BV Nguyễn Tri Phương, BV Trưng Vương, BV Nhân dân Gia Định, BV Phạm Ngọc Thạch, BV quận 8, BV quận Bình Tân, Trung tâm Y tế quận 3, 7... Tổng mức đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 sau khi điều chỉnh là hơn 3.035 tỷ đồng; giai đoạn 2026-2030 là hơn 4.054 tỷ đồng. Bên cạnh đó, HĐND TPHCM cũng đã chấp thuận thông qua tổng mức đầu tư tối thiểu của dự án đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP) trong lĩnh vực y tế là 30 tỷ đồng.


Nâng cao năng lực y tế huyện Cần Giờ

Sáng 18-10, Sở Y tế TPHCM phối hợp UBND huyện Cần Giờ tổ chức hội nghị thảo luận đề án “Củng cố và nâng cao năng lực y tế huyện Cần Giờ từ nay đến năm 2025 và giai đoạn 2025-2030”. Theo PGS-TS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TPHCM, số nhân lực y tế của huyện Cần Giờ hiện có 239 người (21 bác sĩ; 125 điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật y; 93 nhân viên khác). 5 năm gần đây, Trung tâm y tế huyện không tuyển dụng được bác sĩ, dẫn đến nhiều danh mục kỹ thuật trong tuyến, đặc biệt là nhi khoa, sản khoa, ngoại khoa không được triển khai. Trước thực trạng đó, Sở Y tế đã xây dựng Đề án “Củng cố và nâng cao năng lực y tế huyện Cần Giờ từ nay đến năm 2025 và giai đoạn 2025-2030” nhằm nâng cao năng lực trạm y tế xã và phát triển mạng lưới cộng tác viên sức khỏe cộng đồng trên địa bàn huyện; nâng cao hiệu quả phòng chống dịch bệnh; tái thành lập BV Đa khoa huyện Cần Giờ thuộc Trung tâm Y tế huyện Cần Giờ; hình thành Trung tâm Cấp cứu 115 vệ tinh tại huyện; huy động nguồn lực xã hội đáp ứng nhu cầu của người dân về chăm sóc sức khỏe, phát triển du lịch y tế và triển khai thí điểm cơ chế, chính sách nhằm thu hút nguồn nhân lực y tế công tác lâu dài tại huyện…

Cùng ngày, Sở Y tế TPHCM và UBND huyện Cần Giờ phối hợp tổ chức lễ ra mắt đơn vị chạy thận nhân tạo tại BV huyện Cần Giờ. Việc đơn vị chạy thận chính thức đi vào hoạt động sẽ giúp người bệnh suy thận mãn cần lọc thận trên địa bàn huyện thuận lợi hơn. Thời gian đầu, các bác sĩ và điều dưỡng của BV Lê Văn Thịnh (mỗi tour có 2 bác sĩ, 4 điều dưỡng) sẽ túc trực làm việc tại BV huyện Cần Giờ trong 3 tháng. Dự kiến năm 2025, BV Lê Văn Thịnh sẽ đào tạo, chuyển giao dần kỹ thuật chạy thận nhân tạo cho BV huyện Cần Giờ.

THÀNH AN

Tin cùng chuyên mục