Khánh thành Khối phòng khám Bệnh viện Ung bướu TPHCM cơ sở 2

Hiện nhiều bệnh viện tuyến cuối trên địa bàn TP đang rơi vào tình trạng quá tải bệnh nhân, điển hình như tại Bệnh viện Ung bướu TPHCM, mỗi năm tiếp nhận khoảng 1 triệu lượt khám bệnh và 10.000 lượt bệnh nhân điều trị nội trú. Dự kiến, sau khi hoàn tất, BV Ung bướu TPHCM cơ sở 2 với quy mô 1.000 giường bệnh được kỳ vọng sẽ giúp giảm tải cho BV Ung bướu cơ sở 1.
Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cùng các đại biểu tham quan hệ thống máy xạ trị mới nhất tại Bệnh viện Ung bướu TPHCM cơ sở 2. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cùng các đại biểu tham quan hệ thống máy xạ trị mới nhất tại Bệnh viện Ung bướu TPHCM cơ sở 2. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Ngày 12-10, Khối phòng khám của Bệnh viện Ung bướu TPHCM cơ sở 2 chính thức được khánh thành. Đây là công trình chào mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ TPHCM lần thứ XI.  

Bệnh viện Ung bướu TPHCM cơ sở 2 chính thức được khánh thành. Ảnh: HOÀNG HÙNG 

Đến dự lễ khánh thành, về phía Bộ Y tế có Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn; về phía TPHCM có các đồng chí: Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP; Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP; Lê Thanh Liêm, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP...

Bệnh viện Ung bướu TPHCM cơ sở 2 được đầu tư với rất nhiều trang thiết bị hiện đại. Ảnh: HOÀNG HÙNG 

GS-TS Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TPHCM cho biết, TP có mạng lưới y tế khám chữa bệnh gồm 123 bệnh viện nhưng với lượng người bệnh trung bình mỗi năm lên đến khoảng 40 triệu lượt (chiếm hơn ¼ số lượng khám chữa bệnh so với cả nước), điều trị nội trú cho hơn 2 triệu lượt bệnh nhân, trong đó khoảng 40-45% bệnh nhân đến từ các tỉnh phía Nam).

Hiện nhiều bệnh viện tuyến cuối trên địa bàn TP đang rơi vào tình trạng quá tải bệnh nhân, điển hình như tại Bệnh viện Ung bướu TPHCM, mỗi năm tiếp nhận khoảng 1 triệu lượt khám bệnh và 10.000 lượt bệnh nhân điều trị nội trú.

Quầy tiếp nhận bệnh nhân đến khám được bố trí rộng rãi, thoáng mát. Ảnh: HOÀNG HÙNG 

Mặc dù bệnh viện liên tục được nâng cấp nhưng tình trạng quá tải vẫn luôn xảy ra do người bệnh mỗi năm lại tăng thêm.  

Do đó, cùng với Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, Bệnh viện Ung bướu TPHCM cơ sở 2 được Thủ tướng Chính phủ quyết định phê duyệt xây dựng vào năm 2014 và được đầu tư hiện đại, kỹ thuật cao, ngang tầm các nước tiên tiến trong khu vực. Có cơ chế quản lý và điều hành tiên tiến để cung ứng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, chuyển giao công nghệ và đào tạo nhân lực chất lượng cao.

Bệnh nhân đến khám tại BV Ung bướu TPHCM cơ sở 2. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Dự kiến, sau khi hoàn tất, BV Ung bướu TPHCM cơ sở 2 với quy mô 1.000 giường bệnh được kỳ vọng sẽ giúp giảm tải cho BV Ung bướu cơ sở 1 và phục vụ nhu cầu ngày càng cao của người dân TPHCM cũng như các tỉnh, thành lân cận.

Phát biểu tại Lễ Khánh thành, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cho rằng, từ năm 1966 đến nay toàn TP chỉ có một bệnh viện chuyên khoa về ung bướu và đã trở nên quá tải trong nhiều năm qua. Do đó, việc xây dựng Bệnh viện Ung bướu TPHCM cơ sở 2 là giải pháp quan trọng nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho người dân.

Với việc đưa vào hoạt động khối phòng khám, bước đầu kỳ vọng sẽ giúp giảm tải cho Bệnh viện Ung bướu cơ sở 1 và các bệnh viện khác có chuyên khoa ung bướu trên địa bàn.

Theo Chủ tịch UBND TPHCM, để sớm đưa vào hoạt động toàn bộ bệnh viện, Sở Y tế cần chỉ đạo lãnh đạo Bệnh viện Ung bướu TPHCM cơ sở 2 khẩn trương hoàn thiện bộ máy, đưa vào hoạt động, vận hành bệnh viện trong thời gian sớm nhất.

Đồng thời, liên tục nâng cao chất lượng đào tạo đội ngũ nhân lực, sử dụng hiệu quả các trang thiết bị vừa được đầu tư nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ; đổi mới mô hình quản lý bệnh viện theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại. Bên cạnh đó, chủ đầu tư, đơn vị thi công kiểm soát chất lượng, hoàn tất thi công các hạng mục còn lại, kết thúc dự án và bàn giao toàn bộ công trình vào cuối năm 2020.

Theo Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong, giai đoạn 2020-2025 TP sẽ phát triển các bệnh viện thành các trung tâm y tế chuyên sâu của khu vực phía Nam; hình thành các trung tâm khám sức khỏe và tầm soát bệnh bằng công nghệ cao, phát triển du lịch y tế, giảm tình trạng người dân ra nước ngoài chữa bệnh...

"Bệnh viện Ung bướu TPHCM cơ sở 2 cần tập trung xây dựng uy tín, thương hiệu, đẩy mạnh triển khai kỹ thuật mới, ứng dụng mạnh mẽ y tế thông minh, đổi mới hoạt động khám chữa bệnh, phục vụ nhu cầu ngày càng cao của người dân", đồng chí Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh.

Bệnh viện Ung bướu TPHCM cơ sở 2 do Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp TPHCM làm chủ đầu tư với quy mô 1.000 giường bệnh được thiết kế đầy đủ các khu: Khu khám chữa bệnh ngoại trú, Khu cận lâm sàng và chẩn đoán y khoa, Khu hành chính, Hệ thống hạ tầng kỹ thuật và các công trình phụ trợ, Hệ thống trang thiết bị hiện đại phục vụ hoàn chỉnh đảm bảo quy mô bệnh viện...

Tổng diện tích sàn xây dựng của công trình là 112.500 m2 với tổng mức đầu tư hơn 5.800 tỷ đồng. Được khởi công từ ngày 26-6-2016 và dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2017, tuy nhiên đến nay Bệnh viện Ung bướu TTPHCM cơ sở 2 chỉ được đưa vào hoạt động một phần. Dự kiến đến cuối năm 2020, bệnh viện mới có thể đưa vào hoạt động toàn bộ.

Tin cùng chuyên mục