Điều này gây ra nhiều ý kiến tranh luận trái chiều, trong đó đa số ý kiến phản đối, cho rằng quy định như vậy là không cần thiết, thêm thủ tục, rườm rà, phức tạp.
Theo dự kiến thì những người đạt chuẩn nghề nghiệp nhà giáo, đáp ứng yêu cầu để hoạt động nghề nghiệp nhà giáo sẽ được cấp giấy chứng nhận nghề nghiệp. Giấy chứng nhận bị thu hồi khi nhà giáo bị đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ 2 năm liên tục, vi phạm kỷ luật ở mức buộc thôi việc, sa thải. Dư luận cho rằng việc Bộ GD-ĐT dự kiến đưa vào dự thảo Luật Nhà giáo quy định nhà giáo phải có “chứng nhận nghề nghiệp” tương tự các ngành nghề đặc thù khác như luật sư, bác sĩ... là không cần thiết. Bởi việc cấp chứng nhận nghề nghiệp cho nhà giáo sẽ làm tăng chi phí, nguồn lực xã hội (như thêm thủ tục, hồ sơ, giấy tờ liên quan, đi lại...), gây lãng phí lớn thời gian, công sức của giáo viên, cơ quan quản lý giáo dục.
Ngoài ra, người làm các ngành nghề mang tính đặc thù như bác sĩ, luật sư, kỹ sư thiết kế, xây dựng... có thể hành nghề độc lập nên cần phải chứng chỉ hành nghề để chứng minh điều kiện khi tác nghiệp, làm việc. Trong khi đó, giáo viên dạy học trong các cơ sở giáo dục, có tổ chức nên giáo viên chỉ cần đáp ứng điều kiện về giảng dạy do cơ sở giáo dục quy định. Mặt khác, các giáo viên nếu làm trong các cơ sở công lập thì đã có quy định công nhận về xét tuyển, công nhận tập sự; nếu làm ở các cơ sở tư thục, dân lập thì phải đáp ứng điều kiện, có bằng cấp sư phạm và qua sát hạch, thử việc, khi đủ điều kiện mới được ký hợp đồng giảng dạy nên càng không nhất thiết phải có chứng nhận nghề nghiệp.
Bên cạnh đó, việc quy định chứng nhận nghề nghiệp tức là yêu cầu giáo viên phải qua thời gian giảng dạy nhất định ở cơ sở giáo dục nào đó. Như vậy vô tình lại gây thêm khó khăn cho những người mới ra trường khi đi xin việc làm; hoặc các giáo viên chuyển từ trường này sang trường khác, tỉnh này sang tỉnh khác có thể phải đi xin chứng nhận nghề nghiệp từ đầu...