Không để dịch lây nhiễm tại cảng biển và nhà máy

Các phương án tổ chức phòng chống dịch Covid-19 đều được Tổng Công ty Tân cảng Sài Gòn và Tổng Công ty Cổ phần Phong Phú chủ động xây dựng, bố trí lực lượng duy trì và thực hiện chặt chẽ từng khâu, từng bước theo quy định của Bộ Y tế và ngành y tế địa phương.
Chiều 14-5, Đoàn công tác do Phó Chủ tịch UBND TPHCM Ngô Minh Châu làm trưởng đoàn đã đi kiểm tra công tác phòng chống dịch Covid-19 tại cảng Cát Lái và Tổng Công ty Cổ phần Phong Phú, cả hai điểm đến đều nằm trên địa bàn TP Thủ Đức, TPHCM.
Tham dự cùng đoàn có bác sĩ Nguyễn Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM, cùng đại diện các sở, ngành.
Không để dịch lây nhiễm tại cảng biển và nhà máy ảnh 1 Phó Chủ tịch UBND TPHCM Ngô Minh Châu phát biểu chỉ đạo tại buổi kiểm tra công tác phòng chống dịch Covid-19 tại cảng Cát Lái, chiều 14-5-2021. Ảnh: CAO THĂNG
Tại cảng Cát Lái, Đại tá - Bác sĩ Đậu Quốc Trấn, Giám đốc Trung tâm Y tế Tân Cảng, thành viên Ban Chỉ đạo phòng chống Covid-19 cảng Cát Lái cho biết, là đơn vị kinh doanh dịch vụ vận tải biển chiếm 90% sản lượng container khu vực phía Nam và trên 50% của cả nước. Mỗi ngày có hàng chục ngàn lượt người và phương tiện ra vào cảng, do đó, công tác phòng chống dịch Covid-19 ở Tổng Công ty Tân cảng Sài Gòn luôn phải thực hiện nghiêm ngặt.
Mọi phương án tổ chức phòng chống dịch Covid-19 đều được Tổng Công ty Tân cảng Sài Gòn chủ động xây dựng, bố trí lực lượng duy trì và thực hiện chặt chẽ từng khâu, từng bước theo quy định của Bộ Y tế và ngành y tế địa phương.
Cùng với đó, Trung tâm Y tế Tân cảng tham mưu thực hiện các biện pháp cấp bách để tuyên truyền, ngăn ngừa dịch bệnh; cấp phát hơn 20.000 khẩu trang cho cán bộ, nhân viên, khách hàng, thủy thủ, người lao động; trang bị 500 chai nước rửa tay, 200 chai dung dịch sát khuẩn ở những nơi cần thiết; tẩy rửa sát trùng tại những khu vực đông người bằng Cloramin B…
Bên cạnh đó, Trung tâm An ninh tại cảng thực hiện việc giám sát bằng một hệ thống camera để đảm bảo không có thuyền viên lên bờ. Dữ liệu camera có thể lưu trữ được 45 ngày và truy xuất được mọi khung giờ khi cần thiết.
Khi giải quyết thủ tục hành chính, cảng đã đẩy mạnh việc tiếp nhận, giải quyết thủ tục cho tàu biển vào, rời cảng và các thủ tục liên quan bằng phương thức điện tử. Thuyền viên trên tàu từ nước ngoài nhập cảng không được lên bờ. Không cho phép người trên bờ tiếp xúc với thuyền viên trên tàu.
Việc xếp dỡ hàng hóa chủ yếu thực hiện cơ giới hóa. Nếu công nhân ở bờ có lên tàu làm việc thì phải được cấp phép của Bộ đội Biên phòng, phải mặc đồ bảo hộ phòng dịch và không được phép tiếp xúc với thuyền viên…
Không để dịch lây nhiễm tại cảng biển và nhà máy ảnh 2 Người dân ngồi chờ làm thủ tục tại cảng Cát Lái, tuân thủ đeo khẩu trang, ngồi có khoảng cách an toàn. Ảnh: CAO THĂNG
Ghi nhận, biểu dương sự vào cuộc quyết liệt của công ty trong công tác phòng chống dịch, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Ngô Minh Châu cũng chia sẻ băn khoăn về “kẽ hở” tại mặt sông đến ngoài cửa cảng nếu không bịt được, nguy cơ lây nhiễm Covid-19 có thể xảy đến bất cứ lúc nào.
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Ngô Minh Châu phân tích, báo cáo của cảng cho thấy bình quân mỗi ngày có 22.000 lượt phương tiện cơ giới, hơn 35.000 lượt người ra vào cảng; 14-15 lượt tàu container từ các nước cập cảng Cát Lái cho thấy lưu lượng hàng và người vào ra cảng lớn nhất nhì cả nước.
“Việc này đòi hỏi công tác kiểm tra giám sát người và phương tiện ra vào cảng phải đặc biệt được siết chặt” – Phó Chủ tịch UBND TPHCM Ngô Minh Châu nhấn mạnh rồi chỉ rõ: “Khu vực cảng Cát Lái rộng 160ha, có độ bao phủ giám sát của 184 mắt camera, độ phủ nét tới 3km, nhưng khu vực mặt sông Sài Gòn và mạn bờ phía Đồng Nai vẫn còn hiện tượng ghe xuồng của người dân tấp vô mạn. Có thể cung cấp cho tàu nhu yếu phẩm, cũng có thể đưa thủy thủ, thuyền viên trốn lên bờ hoặc đưa người nhà thủy thủ lên tàu. Đây chính là kẻ hở để dịch lây lan vào đất liền và khu vực cảng”.
Từ những phân tích trên, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Ngô Minh Châu yêu cầu cảng Cát Lái phải có sự phối hợp chặt chẽ với Bộ đội Biên phòng TPHCM triển khai nhiều biện pháp quyết liệt, đồng bộ trong việc siết chặt khu vực mặt sông Sài Gòn đến làm thủ tục xuất nhập cảnh cho tàu, thuyền viên. Cùng Công an TP Thủ Đức giám sát chặt khu vực phía ngoài cảng, khi phát hiện trường hợp thuyền viên trốn lên bờ, ngoài thực hiện các biện pháp “5K” theo khuyến cáo của Bộ Y tế thì phải bắt buộc đối tượng đó đi cách ly tập trung. Đồng thời, ủng hộ đề xuất của cảng Cát Lái trong công tác tiêm vaccine Covid-19 cho cán bộ, công nhân viên của cảng; tạo chốt chặn bằng miễn dịch cộng đồng phòng chống virus SARS-CoV-2 xâm nhập vào thành phố bằng đường thủy.
Trước đó, tại Tổng Công ty Cổ phần Phong Phú, ông Lý Anh Tài – Giám đốc Điều hành của công ty đã báo cáo về kế hoạch, biện pháp phòng chống dịch Covid-19 từ 2020 đến nay.
Ngoài yêu cầu hơn 2.000 công nhân và 9 chuyên gia thực hiện nghiêm “5K”, công ty còn yêu cầu các chuyên gia sau thời gian cách ly tập trung đủ 21 ngày, phải tự cách ly theo dõi tại nhà thêm 1 tuần. Nhờ những biện pháp quyết liệt này, công ty không có trường hợp nào nằm trong diện F1, F2.
Không để dịch lây nhiễm tại cảng biển và nhà máy ảnh 3 Phó Chủ tịch UBND TPHCM Ngô Minh Châu kiểm tra công tác phòng chống dịch Covid-19 tại Tổng Công ty CP Phong Phú, chiều 14-5-2021. Ảnh: CAO THĂNG
Theo ông Lý Anh Tài, giải pháp của công ty là thời gian làm việc của công nhân được chia thành 3 ca/ngày; kiểm tra giám sát chặt khai báo y tế đối với công nhân đến từ các tỉnh thành có dịch, bắt buộc phải sát khuẩn, đeo khẩu trang, đo thân nhiệt an toàn mới được vào cổng công ty; Giờ ăn trưa được phân bổ lệch thời gian giữa các xưởng, mỗi ca ăn trưa có 180 người/ca ăn tại khu vực nhà ăn (rộng 1.800m2) và 100 người/ca ăn tại căn tin (rộng 820m2), bàn ăn được ngăn vách để khi công nhân ăn không tiếp xúc trực tiếp với nhau, khoảng cách giữa các bàn ăn cũng được kê theo khuyến cáo của ngành y tế.
Không để dịch lây nhiễm tại cảng biển và nhà máy ảnh 4 Bàn ăn tại Tổng Công ty CP Phong Phú được ngăn vách để khi công nhân ăn không tiếp xúc trực tiếp với nhau, khoảng cách giữa các bàn ăn cũng được kê theo khuyến cáo của ngành y tế. Ảnh: CAO THĂNG
Không để dịch lây nhiễm tại cảng biển và nhà máy ảnh 5 Công nhân may tại Tổng Công ty CP Phong Phú tuân thủ đeo khẩu trang, ngồi có khoảng cách an toàn. Ảnh: CAO THĂNG
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Ngô Minh Châu cho rằng, do đặc thù công việc cần nhiều lao động, đa số từ các tỉnh thành về TPHCM làm việc, vì vậy công ty cần làm tốt hơn công tác kiểm tra khai báo y tế của công nhân; giữ khoảng cách không để tập trung đông công nhân lúc đầu ca và sau khi tan ca; có kế hoạch cụ thể ngăn dịch kịp thời, không để bị động khi có trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2.  

Tin cùng chuyên mục