Không để trục lợi chính sách trong hỗ trợ người lao động gặp khó khăn do dịch Covid-19

Ngày 29-7, UBND TPHCM có văn bản gửi các sở, ngành liên quan và UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện về việc triển khai một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 theo Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Cán bộ phường ở quận 11, TPHCM đến tận nhà chi tiền hỗ trợ người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng dịch Covid-19
Cán bộ phường ở quận 11, TPHCM đến tận nhà chi tiền hỗ trợ người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng dịch Covid-19

UBND TPHCM cho biết, nguyên tắc hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng, công khai, minh bạch, không để lợi dụng, trục lợi chính sách. Mỗi đối tượng chỉ được hưởng một lần trong một chính sách hỗ trợ. Người lao động được hỗ trợ một lần bằng tiền và chỉ được hưởng 1 chế độ hỗ trợ.

Riêng đối tượng đủ điều kiện hưởng chính sách hỗ trợ quy định tại Nghị quyết số 68/NQ-CP và chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết số 09/2021/NQ-HĐND của HĐND TPHCM chỉ được hưởng một chính sách hỗ trợ cao nhất. Đối tượng đã hưởng chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết số 09/2021/NQ-HĐND, nếu đủ điều kiện hỗ trợ theo Nghị quyết số 68/NQ-CP thì được hỗ trợ bổ sung cho bằng mức quy định tại Nghị quyết số 68/NQ-CP.

Theo Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, có chính sách giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Cụ thể, người sử dụng lao động được áp dụng mức đóng bằng 0% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng BHXH vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trong 12 tháng (áp dụng từ ngày 1-7-2021 đến hết ngày 30-6-2022) cho người lao động thuộc đối tượng áp dụng chế độ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (trừ cán bộ, công chức, viên chức…). Người sử dụng lao động hỗ trợ toàn bộ số tiền có được từ việc giảm đóng Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho người lao động phòng chống đại dịch Covid-19.

Đồng thời, hỗ trợ người sử dụng lao động đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng để duy trì việc làm cho người lao động. Mức hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề tối đa 1,5 triệu đồng/người lao động/tháng. Thời gian hỗ trợ tối đa 6 tháng.

Mặt khác, hỗ trợ người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương. Mức hỗ trợ 1,855 triệu đồng/người đối với người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng, nghỉ việc không hưởng lương từ 15 ngày liên tục trở lên đến dưới 1 tháng. Hỗ trợ 3,71 triệu đồng/người đối với người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương từ 1 tháng trở lên. Người lao động đang mang thai được hỗ trợ thêm 1 triệu đồng/người. Người lao động đang nuôi con đẻ hoặc con nuôi hoặc chăm sóc thay thế trẻ em chưa đủ 6 tuổi thì được hỗ trợ thêm 1 triệu đồng/trẻ em chưa đủ 6 tuổi và chỉ hỗ trợ cho 1 người là mẹ hoặc cha hoặc người chăm sóc thay thế trẻ em.

Cùng với đó, hỗ trợ người lao động ngừng việc với mức hỗ trợ 1 triệu đồng/người. Người lao động đang nuôi con đẻ hoặc con nuôi hoặc chăm sóc thay thế trẻ em chưa đủ 6 tuổi thì được hỗ trợ thêm 1 triệu đồng/trẻ em chưa đủ 6 tuổi và chỉ hỗ trợ cho 1 người là mẹ hoặc cha hoặc người chăm sóc thay thế trẻ em.

Bên cạnh đó, hỗ trợ người lao động chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp với mức hỗ trợ 3,71 triệu đồng/người. Người lao động đang mang thai được hỗ trợ thêm 1 triệu đồng/người. Người lao động đang nuôi con đẻ hoặc con nuôi hoặc chăm sóc thay thế trẻ em chưa đủ 6 tuổi thì được hỗ trợ thêm 1 triệu đồng/trẻ em chưa đủ 6 tuổi và chỉ hỗ trợ cho 1 người là mẹ hoặc cha hoặc người chăm sóc thay thế trẻ em.

Đối với viên chức hoạt động nghệ thuật; người lao động là hướng dẫn viên du lịch được hỗ trợ 3,71 triệu đồng/người. Đối với hộ kinh doanh phải dừng hoạt động từ 15 ngày liên tục trở lên trong thời gian từ ngày 1-5-2021 đến ngày 31-12-2021 theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch Covid-19 được hỗ trợ 3 triệu đồng/hộ kinh doanh.

Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất. Cụ thể, về vay vốn trả lương ngừng việc, mức cho vay tối đa bằng mức lương tối thiểu vùng đối với số người lao động theo thời gian trả lương ngừng việc thực tế tối đa 3 tháng; thời gian vay vốn dưới 12 tháng. Về vay vốn trả lương cho người lao động phục hồi sản xuất, mức cho vay tối đa bằng mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động đang làm việc theo hợp đồng lao động. Thời gian hưởng chính sách hỗ trợ tối đa 3 tháng; thời hạn vay vốn dưới 12 tháng.

Ngoài ra, đối với trẻ em và người đang điều trị Covid-19, cách ly y tế được hỗ trợ tiền ăn mức 80.000 đồng/người/ngày đối với các trường hợp người điều trị mắc Covid-19 (F0) từ ngày 27-4 đến 31-12-2021, thời gian hỗ trợ theo thời gian điều trị thực tế nhưng tối đa 45 ngày. Hỗ trợ tiền ăn mức 80.000 đồng/người/ngày đối với các trường hợp người thực hiện cách ly y tế (F1) theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền, từ ngày 27-4 đến 31-12-2021, thời gian hỗ trợ tối đa 21 ngày. Đối với trẻ em trong thời gian điều trị do mắc Covid-19 hoặc cách ly y tế được hỗ trợ thêm 1 lần mức 1 triệu đồng/trẻ em.

Tin cùng chuyên mục