Không tự ý sử dụng các thuốc nhỏ mắt có chứa corticoid, kháng sinh

Ngày 13-9, trước việc một số báo đăng thông tin “Bệnh đau mắt đỏ do enterovirus có khả năng lây lan qua đường nước nên nếu chất lượng nước uống không tốt có thể cả gia đình đều bị bệnh…”, PGS-TS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TPHCM, khẳng định đó là thông tin sai sự thật.

Bệnh đau mắt đỏ thường do các tác nhân virus (adenovirus, enterovirus, coxsackie…) gây ra, bệnh lây truyền do tiếp xúc trực tiếp với nước mắt và các chất tiết của mắt có mang virus gây bệnh từ người bệnh. Khi mắc đau mắt đỏ, người mắc bệnh có thể dùng nước muối sinh lý (natri clorua 0,9%) hoặc nước cất để rửa mắt. Các loại thuốc nhỏ mắt có chứa kháng sinh chỉ được chỉ định trong các trường hợp có dấu hiệu nghi bội nhiễm vi khuẩn (đau nhức, giảm thị lực, sợ ánh sáng...), phòng ngừa nhiễm trùng sau bóc giả mạc. Người mắc bệnh đau mắt đỏ tuyệt đối không tự ý sử dụng các thuốc nhỏ mắt có chứa corticoid vì không những không có tác dụng mà còn làm tổn thương nặng hơn, kéo dài thời gian bệnh và lây lan của bệnh, tăng nguy cơ nhiễm trùng.

Cùng ngày, Sở Y tế TPHCM cho biết vừa có văn bản gửi Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp thành phố; Ban Quản lý Khu công nghệ cao TPHCM; Công ty TNHH Phát triển phần mềm Quang Trung về việc tăng cường hoạt động phòng chống đau mắt đỏ (viêm kết mạc cấp) tại nơi làm việc. Người bệnh, người nghi bị bệnh đau mắt đỏ cần hạn chế tiếp xúc với người khác. Khi phát hiện có các triệu chứng như: sốt nhẹ kèm mệt mỏi, đau họng, có ghèn dính mi khó mở mắt, nổi hạch trước tại hoặc dưới hàm... cần đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn, điều trị kịp thời. Lưu ý, không tự ý điều trị khi chưa có hướng dẫn của nhân viên y tế để tránh biến chứng nặng, tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ.

Tin cùng chuyên mục