Kiểm soát ca mới, hạn chế tử vong để TPHCM thích ứng và phục hồi kinh tế

TPHCM đang xây dựng Chỉ thị về điều chỉnh các biện pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế - xã hội. Phóng viên Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với TS Trương Minh Huy Vũ, Giám đốc Khu Công nghệ Phần mềm Đại học Quốc gia TPHCM, Thành viên Tổ tư vấn về chính sách phòng chống dịch và phục hồi kinh tế tại TPHCM, về vấn đề này.
 TS Trương Minh Huy Vũ

Mở cửa các hoạt động, kiểm soát được rủi ro

* Phóng viên: Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 đang hoàn chỉnh Hướng dẫn “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” (Hướng dẫn), ông nhận xét ra sao?

* TS TRƯƠNG MINH HUY VŨ: Đây là sự cụ thể hóa chuyển động tư duy từ “zero Covid” sang “thích ứng an toàn với dịch Covid-19”. Về tổng thể, việc có bộ chỉ số cụ thể để định lượng về mức độ an toàn, nguy cơ với Covid-19, từ đó thực hiện nới lỏng hay thắt chặt giãn cách xã hội ở tùy theo tình hình dịch bệnh của mỗi thành phố, mỗi địa phương.

Những chỉ số chính của Hướng dẫn mang những ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh chúng ta đang theo đuổi nhiều mục tiêu song hành cùng lúc và luôn phải có sự dung hòa. Chẳng hạn như các tiêu chí về tiêm chủng. Khi đặt mục tiêu là giảm tử vong trên phạm vi toàn quốc, chúng ta phải tính toán về đối tượng có nguy cơ cao nhất khi mở cửa trở lại. Số liệu tại Việt Nam và tại TPHCM cho thấy đối tượng này là người cao tuổi, bệnh nền. Vì thế phải tập trung phủ đủ vaccine cho đối tượng này là điều kiện then chốt.

* Với việc TP Thủ Đức và nhiều quận huyện cơ bản kiểm soát được dịch, liệu từ ngày 1-10, TPHCM có đủ điều kiện bước vào giai đoạn bình thường mới?

* Trong 5 chỉ số của dự thảo Hướng dẫn, có 2 chỉ số liên quan vaccine. Đến nay, TPHCM đã đạt và vượt 1 chỉ số, là “tỷ lệ 70% người trên 18 tuổi được tiêm mũi 1”. Riêng chỉ số 80% người trên 50 tuổi được tiêm đủ liều vaccine có khả năng chưa đạt toàn thành phố, do thiếu hụt vaccine mũi 2.

Đối với chỉ số về y tế cơ sở, y tế cộng đồng; chỉ số cơ sở thu dung, điều trị, hiện nay TPHCM phải rà soát lại. Tuy vậy với sự chuẩn bị trong thời gian qua theo hướng xây dựng hệ thống điều trị dựa trên 2 trụ cột là y tế cơ sở và bệnh viện điều trị chuyên sâu, chỉ số này không phải là một thách thức lớn. Việc hoàn thiện 2 trụ cột này cũng sẽ góp phần quan trọng trong hạn chế tử vong khi TPHCM mở cửa trở lại.

* Một nguyên tắc quan trọng được lãnh đạo TPHCM nhắc nhiều lần là an toàn tới đâu thì mở tới đó, mở cửa phải giữ vững an toàn. Theo ông, nguyên tắc này nên được thể hiện trong các kế hoạch sắp tới ra sao?

* Chọn phương thức từ bỏ “zero Covid”, đồng nghĩa với việc chúng ta sẽ không còn trạng thái “an toàn” theo nghĩa cũ - là hoàn toàn không có một ca mắc nào trong cộng đồng. “Thích ứng an toàn” đòi hỏi cuộc sống phải tiếp tục diễn ra, hàng hóa lưu thông, dây chuyền sản xuất không bị đứt gãy.

Quan trọng nhất là khả năng quản lý rủi ro để tránh ca lây nhiễm, hay nếu có ca lây nhiễm thì xử lý như thế nào ở tầm phân xưởng, chung cư, chợ - siêu thị và quản lý như thế nào ở cấp quận, cấp thành phố. Hướng dẫn của Trung ương đưa ra một khung bao gồm các chỉ số cụ thể để cho các tỉnh thành phấn đấu. TPHCM cần bám vào thực tiễn tình hình trong từng giai đoạn để đẩy mạnh hay gia giảm các biện pháp của mình. Bộ chỉ số là “tĩnh”, còn chuyển động của cuộc sống là “gia vị thực” cho hoạch định chính sách.

Kiểm soát điểm đến an toàn 

* Khi “thích ứng an toàn với dịch Covid-19”, vấn đề nào cần đặc biệt quan tâm?

* Khi mở cửa trở lại, chắc chắn ca mắc mới sẽ tăng. Singapore là dẫn chứng gần nhất. Vấn đề cần quan tâm là số ca tăng đến mức độ nào mà hệ thống y tế không quá tải. Singapore căn cứ vào số ca bệnh nặng phải thở máy thì gia giảm biện pháp nới lỏng.

Cái đáng sợ nhất là khi mở cửa trở lại mà không tính được tốc độ lây nhiễm và đến khi siết chặt cũng không kịp. Bởi vì số ca trở nặng và tử vong tăng xuất hiện sau khoảng 2-3 tuần sau khi số ca bệnh tăng.

Do đó, khi số ca mắc mới gia tăng thì chưa thể thấy ngay số ca trở nặng, tử vong tăng. Nhưng khi số ca nặng và tử vong tăng thì sẽ gây nên tâm lý xã hội và khiến cho các chính sách có “chuyển bộ” thì cũng không kịp. Đây là vấn đề quan trọng phải lưu ý.

Kiểm soát ca mới, hạn chế tử vong để TPHCM thích ứng và phục hồi kinh tế ảnh 2 Công viên Nam Viên Khu S -  khu phố 6, phường Tân Phú, quận 7 đã mở cửa trở lại. Ảnh: HOÀNG HÙNG

* Nhiều quận huyện của TPHCM có sự tương đồng với nhau về nhiều mặt và đã cơ bản kiểm soát được dịch bệnh thì giải pháp kiểm soát rủi ro khi mới lỏng giãn cách ra sao?

* Việc kiểm soát rủi ro cần được thực hiện theo cụm phát triển đô thị. Trong đó, khu Nam có quận 7 đã thí điểm nới lỏng giãn cách trong các tuần qua, huyện Nhà Bè cũng có những kết quả tích cực thì trong kiểm soát rủi ro khi mở cửa, quận 7 có thể hỗ trợ Nhà Bè ở một số điểm, như về y tế cơ sở, y tế cộng đồng.

Ở phía Tây Bắc, huyện Củ Chi đã ổn thì xem xét nới lỏng thêm ở huyện Hóc Môn - nơi đã phủ vaccine khá tốt. Ở khu Đông, TP Thủ Đức có những khu vực kiểm soát dịch ổn và nhất là các hoạt động ở Khu Công nghệ cao, các khu công nghiệp, khu chế xuất trên địa bàn TP Thủ Đức theo công thức sản xuất xanh, an toàn.

Ở khu vực trung tâm, một số nơi đã kiểm soát dịch tốt như quận 5, 11 và Phú Nhuận, với số ca mắc mới thấp, tỷ lệ tiêm ngừa vaccine cao, có thể khuyến khích nới lỏng. Điểm lưu ý là các quận này có mật độ đô thị cao, lại dễ dàng liên thông với các quận lân cận đang ở tình trạng nguy cơ cao, nên khu vực này phải có quản lý rủi ro ở cấp thành phố. Trong đó có sự phối hợp trong quản lý rủi ro và có phương án quản lý rủi ro ở các điểm đến.

* Cụ thể, kiểm soát an toàn điểm đến cần thực hiện dựa trên nguyên tắc nào?

* Những nơi nào có nhiều người đến thì càng phải an toàn với dịch, theo bộ tiêu chí an toàn, để những người tham gia vào một điểm đến đó được an toàn với Covid-19. Đơn cử ở các công sở, cán bộ, công chức nơi đó phải an toàn; người đến yêu cầu giải quyết hồ sơ phải an toàn…

Các doanh nghiệp cũng cần được tạo điều kiện để thực hiện theo bộ tiêu chí an toàn, không làm phát sinh thủ tục hành chính. Ở những nơi có tập trung đông dân cư như chợ, siêu thị… là rủi ro rất cao cũng cần được quản lý rủi ro để đảm bảo an toàn trong hoạt động. Khi bước vào giai đoạn thái bình thường mới, Nhà nước cùng chia sẻ trách nhiệm quản trị rủi ro cùng với doanh nghiệp để cùng thích ứng an toàn với tình hình mới.

Trong 5 chỉ số theo dự thảo Hướng dẫn, hiện nhiều tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam chưa đạt được tỷ lệ tiêm ngừa. Điều này đòi hỏi chính sách phối hợp giữa TPHCM với các địa phương trong vùng. Ngoài ra, công tác phòng chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế của TPHCM phải gắn với các vùng. Trong đó, ở giai đoạn đầu, cần thực hiện trước với 3 tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An - những nơi độ phủ vaccine khá cao và thực hiện theo nguyên tắc di chuyển không cần điều kiện.

Tin cùng chuyên mục