
(SGGPO).- Ngày 8-9, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TPHCM đã đưa ra xét xử phúc thẩm vụ án “điện kế điện tử” (viết tắt ĐKĐT).
Theo nội dung vụ án, bị cáo Lê Minh Hoàng (nguyên Giám đốc Công ty Điện lực TPHCM), bị cáo Lê Văn Hoành (nguyên Phó Giám đốc Công ty Điện lực TPHCM) và các đồng phạm đã thực hiện nhiều hành vi sai phạm như: làm trái với những đề xuất đấu thầu mua ĐKĐT của mình đã được Tổng Công ty Điện lực Việt Nam (nay là Tập đoàn Điện lực Việt Nam) phê duyệt, tự ý hạ gói thầu từ 40.000 chiếc ĐKĐT xuống còn 10.000 chiếc ĐKĐT, nâng đơn giá mua ĐKĐT từ 340.000 đồng/chiếc lên 580.000 đồng/chiếc; mặc dù hồ sơ dự thầu của Công ty Linkton – Singapore thiếu các điều kiện bắt buộc (giấy phép kinh doanh không có ngành nghề sản xuất ĐKĐT, không đủ tài liệu chứng minh năng lực tài chính, nhà thầu có quốc tịch nước ngoài nhưng lại chào giá đến kho…) nhưng các bị cáo không loại nhà thầu này ngay từ bước đánh giá sơ bộ mà lại xét cho trúng thầu; ký 13 hợp đồng mua trực tiếp 302.000 chiếc ĐKĐT của Công ty Linkton – Singapore không qua đấu thầu, không đánh giá năng lực của nhà thầu, nhiều hợp đồng thiếu giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa nhưng vẫn cho qua, ĐKĐT xuất xứ từ Singapore nhưng lại chấp nhận thanh toán bằng hóa đơn GTGT do Công ty Linkton – Vina phát hành… Hành vi của các bị cáo đã tạo điều kiện cho nhà thầu Linkton – Singapore bán ĐKĐT giả cho Công ty Điện lực TPHCM.
Theo kết luận của Hội đồng giám định, số tiền chi phí khắc phục lỗi để đưa số ĐKĐT không đủ tiêu chuẩn trên vào sử dụng lại là 8,1 tỷ đồng.

Nguyên Phó Giám đốc Công ty Điện lực TPHCM Lê Văn Hoành trả lời thẩm vấn.
Từ ngày 18-5-2009 đến ngày 5-6-2009, TAND TPHCM đã đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm. Hội đồng xét xử tuyên phạt mức án cụ thể đối với 12 bị cáo nguyên là lãnh đạo, cán bộ Công ty Điện lực TPHCM như sau: Lê Minh Hoàng 4 năm tù giam, Lê Văn Hoành 4 năm 6 tháng tù giam, Phạm Kim Hưng (nguyên Trưởng Phòng Tài chính Kế toán) 3 năm 6 tháng tù giam, Nguyễn Ngọc Hồ (nguyên Trưởng Phòng Kinh doanh) 3 năm 6 tháng tù giam, Lê Ngô Hữu Thiện Tâm (nguyên Trưởng Phòng Hợp tác Quốc tế - Xuất nhập khẩu) 3 năm 6 tháng tù giam, Lê Văn Tinh (nguyên Trưởng Phòng Vật tư) 3 năm 6 tháng tù giam, Thái Minh Dương (nguyên Trưởng Phòng Hợp tác Quốc tế - Xuất nhập khẩu) 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo, Huỳnh Ngọc Thành (nguyên Phó phòng kinh doanh) 1 năm 5 tháng 21 ngày tù, Thiều Túc (nguyên Phó giám đốc Trung tâm thí nghiệm điện) 1 năm 4 tháng 17 ngày tù, Nguyễn Văn Hiệp (nguyên Trưởng phòng kỹ thuật) 1 năm 1 tháng 8 ngày tù, Võ Thành Long (nguyên Quản đốc phân xưởng điện kế - Trung tâm thí nghiệm điện) 1 năm 22 ngày tù, Nguyễn Trung Thảo (nguyên Phó phòng tài chính kế toán) 1 năm tù nhưng cho hưởng án treo cùng về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.
5 bị cáo là lãnh đạo, nhân viên Công ty Linkton – Vina phạm tội “Sản xuất, buôn bán hàng giả” bị tuyên: Trần Thị Liên (Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị) 3 năm 6 tháng tù và nộp phạt 50 triệu đồng, Trần Công Điền (Phó Tổng giám đốc) 3 năm 6 tháng tù và nộp phạt 50 triệu đồng; Nguyễn Trọng Hiếu (Trưởng Phòng Kinh doanh), Đặng Thị Kim Liên (Kế toán trưởng), Phan Hữu Quang (Quản đốc phân xưởng sản xuất, lắp ráp ĐKĐT) mỗi bị cáo 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo.
Sau phiên xử sơ thẩm, 7/12 bị cáo thuộc nhóm tội “Cố ý làm trái…” và 5 bị cáo trong nhóm tội “Sản xuất, buôn bán hàng giả” làm đơn kháng cáo xin được giảm hình phạt hoặc xin được chuyển sang tội danh khác nhẹ hơn. Ngoài ra, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Công ty Điện lực TPHCM cũng có công văn gửi tòa án cấp phúc thẩm đề nghị xem xét giảm trách nhiệm hình sự cho các bị cáo nguyên là lãnh đạo, nhân viên Công ty Điện lực TPHCM, tạo điều kiện cho các bị cáo có cơ hội sửa chữa những thiếu sót, tiếp tục đóng góp công sức cho sự nghiệp phát triển ngành điện, cho xã hội.
Trong ngày xét xử phúc thẩm đầu tiên, hội đồng xét xử thẩm vấn các bị cáo phạm tội “Cố ý làm trái…”. Các bị cáo đều thừa nhận hành vi phạm tội của mình, nhưng cho rằng chỉ là lỗi vô ý chứ không phải cố ý. Về phần thiệt hại trong vụ án, theo các bị cáo chỉ là hơn 300 triệu đồng (số tiền sử dụng để thay đổi nhãn mác của ĐKĐT bị giả xuất xứ hàng hóa) chứ không đến con số hơn 8,1 tỷ đồng.
Ngày mai, phiên tòa tiếp tục với phần thẩm vấn các bị cáo nguyên là lãnh đạo, nhân viên Công ty Linkton – Vina.
ÁI CHÂN