Nghĩa tình ngày xuân: Xuân về trên nụ cười cụ già, trẻ nhỏ

Còn khoảng 3 tuần nữa là đến Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Những năm trước, thời điểm cận tết, các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể chia thành nhiều đoàn đi thăm hỏi, chúc tết, tặng quà các đối tượng chính sách, người có công, người hưởng trợ cấp xã hội, người nghèo…

Năm nay, sự chăm lo tập trung vào trẻ mồ côi do dịch Covid-19, người già neo đơn với nhiều cách làm sáng tạo, để không một ai bị bỏ lại phía sau.

Nụ cười xuân ấm áp

Mặc vào chiếc đầm màu vàng vừa được tặng, em Nguyễn Thị Tuyết Nhi (6 tuổi, ngụ quận Phú Nhuận, TPHCM) xoay một vòng làm dáng. Căn nhà ngày thường chỉ có 2 ông cháu, nay rộn rã tiếng cười vui khi các nhà hảo tâm, cán bộ địa phương đến thăm hỏi, chuyện trò. Nhận thùng sữa dâu, đồ chơi và quần áo mới, bé Nhi tỏ ra rất vui thích. “Nếu con được đi chơi nhà banh thì tuyệt quá”, Nhi trả lời khi được hỏi tết này muốn đi chơi ở đâu. Bé Nhi mồ côi mẹ khi mới 20 ngày tuổi. Ba Nhi cũng mất hơn 1 năm qua, bỏ lại em sống nhờ vào tình thương của ông nội nay đã ngoài 75 tuổi và hàng xóm cùng chính quyền địa phương.

p3a-2944.jpg
Niềm vui của bà Nguyễn Thị Chỗ (90 tuổi) khi nhận chiếc áo dài mới do cán bộ phường 4 (quận Phú Nhuận, TPHCM) trao tặng

Những ngày qua, Nhi được một chi bộ Đảng nhận đỡ đầu đóng học phí, các đảng viên cũng thường xuyên đến thăm hỏi, gửi tặng khi thì vài hộp sữa, món đồ chơi, khi thì bộ quần áo mới để Nhi có thêm niềm vui trong cuộc sống. Dù bộn bề với công việc trong những ngày giáp tết, nhưng bà Phạm Thị Kim Duyên, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ phường 14, quận 4, TPHCM không quên dành thời gian ghé gian hàng quần áo trẻ em để sắm vài bộ quần áo mới, đôi giày xinh xinh màu trắng, nơ hồng dành cho bé gái. Mua sắm xong, bà Duyên đến nhà bé Trần Hoàng Ngọc Liên, 2 tuổi, ngụ đường Đoàn Văn Bơ, phường 14, quận 4. Thấy bà Duyên, bé Liên vội chạy đến ôm cổ bà. Hơn 2 năm nay, bà Duyên như người mẹ thứ 2 của bé Liên. Chọn bộ quần áo đẹp nhất vừa mang đến mặc vào cho bé, bà Duyên lấy điện thoại gọi Zalo video đến bà Nguyễn Thị Đức Hạnh (ngụ TP Thủ Đức, TPHCM).

Nhìn bé Liên xinh xắn trong bộ quần áo mới, bà Hạnh thấy rất vui. Bà Hạnh là mẹ đỡ đầu, chăm lo, trợ sức cho bé Liên từ khi bé chào đời đến nay, nhưng vì nhà ở xa nên thỉnh thoảng bà mới ghé thăm bé được. Hàng tháng, bà Hạnh gửi tiền để bà Duyên đến nhà thăm nom bé. Bé Liên là một trong rất nhiều trẻ vừa chào đời đã mồ côi mẹ do dịch Covid-19. Hiện bé sống cùng chị hai, ba và ông bà ngoại. Do gia đình bé có hoàn cảnh khó khăn nên thời gian qua, bà Hạnh nhận đỡ đầu, chăm lo cho bé.

Tại TPHCM, những ngày giáp tết, nhiều trẻ mồ côi do dịch Covid-19 cũng hạnh phúc khi được các mẹ đỡ đầu dẫn đi mua sắm tết. Sự quan tâm, chung tay của các tổ chức chính trị - xã hội đối với trẻ mồ côi đã giúp các em vơi đi sự mất mát to lớn. Trong hơn 2.000 trẻ mồ côi do dịch Covid-19 tại TPHCM, có rất nhiều trẻ vừa chào đời đã mất mẹ. Có bé khi sinh ra bé xíu, nặng chỉ khoảng 1kg. Hơn 2 năm qua, các con được lớn lên trong vòng tay, tình yêu thương ấm áp của những người xung quanh và sự chung tay của các chi bộ, tổ chức chính trị tại địa phương.

Bà Trần Thị Thu Trang, Bí thư Đảng ủy phường 5 (quận 8, TPHCM), cho biết, phường có 33 trẻ mồ côi do dịch Covid-19. Hàng tháng, các đảng viên tại các chi bộ, tổ chức đoàn thể được giao nhiệm vụ chăm lo trẻ sẽ đến thăm nom, tìm hiểu trẻ đang cần gì để kịp thời trợ giúp. Đặc biệt, dịp Tết Nguyên đán 2024, nhiều chương trình đã được thực hiện để tất cả trẻ mồ côi đều có quần áo mới, quà bánh, để các em không thiếu vắng tình yêu thương.

Món quà quý đến kịp lúc

Trung tuần tháng 1-2024, căn nhà nhỏ đơn sơ của ông Trần Công Phú, ngụ phường 4 (quận Phú Nhuận, TPHCM) tràn đầy tiếng nói cười. Sau khi được bác sĩ thăm khám sức khỏe, ông Phú được những tay thợ trẻ giúp cắt gọn gàng mái tóc. Trong những ngày giáp tết, lãnh đạo phường 4 cùng tổ chức đoàn thể đến nhà thăm hỏi cuộc sống, sức khỏe ông Phú. Đoàn còn mang đến giỏ quà tết nghĩa tình với các vật dụng thiết yếu trong gia đình và chiếc áo dài mới tặng cháu gái của ông Phú. Dù cơ thể ốm yếu sau khi mắc ung thư amidan và phải xạ trị, nhưng những lúc khỏe, ông Phú lại đẩy chiếc xe máy ra đầu hẻm để kiếm những cuốc xe của người quen.

Ở tuổi 73, ông Phú còn nặng gánh gia đình với 3 người con bị bệnh tâm thần, đứa cháu nội bị động kinh. Nở nụ cười nhưng đôi mắt đỏ hoe, ông Phú tâm sự: “Không ai muốn làm gánh nặng cho người xung quanh, nhưng gia cảnh thế này tôi đành trông chờ vào sự chăm lo của chính quyền và bà con. Phần quà đến với gia đình tôi thời điểm này thì vô cùng quý”. Nhìn vào gương, thấy tóc tai gọn gàng, ông Phú cười: “Tay nghề các em khéo quá, tôi đỡ tốn 30.000 đồng cắt tóc mới đón tết”. Còn trong căn nhà nhỏ, bà Nguyễn Thị Chỗ, năm nay 90 tuổi, cười hạnh phúc khi được Hội Liên hiệp Phụ nữ phường 4, quận Phú Nhuận, TPHCM mang đến tặng chiếc áo dài mới và túi quà tết.

Mân mê chiếc áo dài trên tay, bà Chỗ nói, trước giờ bà chỉ được mặc áo bà ba, chưa từng mặc áo dài. “Nó hơi dài so với tôi nên tôi sẽ nhờ cô hàng xóm sửa lại để tết này mặc áo dài đón tết”, bà Chỗ cười vui vẻ. Hơn 20 cụ già neo đơn, khó khăn tại phường 4, quận Phú Nhuận, TPHCM cười rạng rỡ khi đại diện các đoàn thể, chính quyền đến nhà thăm hỏi, tặng bộ áo dài mới tinh; các đoàn viên thanh niên giúp dọn dẹp nhà cửa, các chị phụ nữ kho nồi thịt thơm lừng. Các cụ cũng được khám bệnh, cắt tóc đẹp để đón tết. Tại các khu phố, nhiều chương trình chăm lo người già neo đơn dịp tết cũng được triển khai rộn ràng. Góp phần chăm lo người khuyết tật cũng như trẻ mồ côi mỗi độ tết đến xuân về, hàng năm, Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi TPHCM tổ chức chương trình Cây mùa xuân “Thắp sáng lòng nhân ái”, nhằm đem đến những món quà tình nghĩa cùng với hương vị ngày tết cho những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Giám đốc Sở LĐTB-XH TPHCM Lê Văn Thinh thông tin, dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, TPHCM dự kiến dành 915 tỷ đồng từ nguồn ngân sách thành phố để chăm lo người có công, các hộ nghèo, bảo trợ xã hội. Số kinh phí này tăng hơn 34 tỷ đồng so với dịp Tết Nguyên đán năm 2023 sẽ dùng để chăm lo trẻ mồ côi, người già neo đơn khó khăn và các đối tượng xã hội khác

Năm nay là lần thứ 23 chương trình được tổ chức. Dự kiến, 1.600 người khuyết tật và trẻ mồ côi có hoàn cảnh đặc biệt ở cộng đồng, các cơ sở bảo trợ xã hội, mái ấm, nhà mở, các trung tâm thuộc hội sẽ tham dự chương trình lễ hội và nhận quà (mỗi phần trị giá 1 triệu đồng). Theo bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Chủ tịch Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi TPHCM, chương trình Cây mùa xuân giúp người khuyết tật và trẻ mồ côi có thêm niềm tin rằng mình luôn được cộng đồng chăm lo, từ đó cố gắng vươn lên trong cuộc sống. Bên cạnh đó, chiến dịch “Xuân tình nguyện” do Thành đoàn TPHCM thực hiện với nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa diễn ra tại các bệnh viện, viện dưỡng lão, mái ấm, nhà mở, các trường chuyên biệt, các cơ sở xã hội trên địa bàn thành phố cùng các ký túc xá sinh viên, khu lưu trú, khu nhà trọ dành cho công nhân, sinh viên; các cơ sở cai nghiện ma túy... Các tình nguyện viên sẽ thực hiện ít nhất 50 “Góc xuân tuổi trẻ”; hỗ trợ khám, tư vấn sức khỏe, phát thuốc miễn phí cho 3.000 người dân, thanh thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn.

Chương trình cũng tặng quà tết đến 2.000 bệnh nhi, bệnh nhân nghèo; trao 10.000 chiếc bánh chưng; trồng mới 2.000 cây xanh; vận động hiến ít nhất 1.500 đơn vị máu. Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM phối hợp Sở LĐTB-XH, Thành đoàn TPHCM cũng tổ chức chương trình “Xuân yêu thương” cho các em thiếu nhi có hoàn cảnh đặc biệt tại các trung tâm bảo trợ xã hội và con em thanh niên công nhân có hoàn cảnh khó khăn tại các khu lưu trú.

- Toàn TPHCM có 6.836 trẻ mồ côi, trong đó trẻ em mồ côi do dịch Covid-19 là 1.952 trẻ (tính đến tháng 3-2023).

- Năm 2024, TPHCM dự kiến dành 75 tỷ đồng kinh phí chăm lo trẻ mồ côi, người già neo đơn. Trong đó, kinh phí chăm lo, hỗ trợ là hơn 58 tỷ đồng; cấp bảo hiểm y tế miễn phí hơn 8,7 tỷ đồng; hỗ trợ học phí năm học gần 8,7 tỷ đồng.

- Dịp Tết Giáp Thìn 2024, TPHCM dự kiến dành hơn 24 tỷ đồng từ nguồn ngân sách và vận động để chăm lo trẻ mồ côi.

Năm 2024, TPHCM dự kiến dành 75 tỷ đồng kinh phí chăm lo trẻ mồ côi, người già neo đơn. Trong đó, kinh phí chăm lo, hỗ trợ là hơn 58 tỷ đồng; cấp bảo hiểm y tế miễn phí hơn 8,7 tỷ đồng; hỗ trợ học phí năm học gần 8,7 tỷ đồng.

Dịp Tết Giáp Thìn 2024, TPHCM dự kiến dành hơn 24 tỷ đồng từ nguồn ngân sách và vận động để chăm lo trẻ mồ côi.

Tin cùng chuyên mục