Người dân đang sinh sống ở TPHCM đều là đối tượng được tiêm vaccine

Chiều 30-7, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TPHCM tổ chức họp báo cung cấp thông tin về tình hình công tác phòng chống dịch trên địa bàn TP. Chủ trì buổi họp báo có các đồng chí: Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TPHCM; Lê Văn Minh, Phó Trưởng ban Thường trực, Ban Tuyên giáo Thành ủy.

Số ca F0 đang đi ngang đúng như dự báo

Mở đầu họp báo, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức cho biết so với hai ngày trước, tình hình không có thay đổi nhiều. TPHCM được đánh giá là đã có các biện pháp mạnh, vấn đề quan trọng nhất là thực hiện nghiêm những giải pháp đã đề ra. Trên biểu đồ dịch bệnh, có thể thấy số ca F0 đang đi ngang đúng như dự báo. Nếu thực sự thực hiện nghiêm các quy định đã ban hành, có sự hợp tác đầy đủ của người dân, các lực lượng thì tình hình sẽ sớm ổn định và có biểu hiện tích cực.

Theo đồng chí Dương Anh Đức, trong thời gian qua, sau khi ban hành Công văn 2468, TPHCM đã ban hành nhiều văn bản để làm rõ, dễ thực hiện hơn. Một trong những nội dung đó là văn bản của Công an TPHCM số 2986 ngày 29-7 quy định về triển khai một số biện pháp thực hiện nghiêm Chỉ thị 16.

Trong đó quy định các đặc điểm nhận biết người, phương tiện được phép lưu thông theo Chỉ thị 16 và Chỉ thị 12 của TPHCM. Như cán bộ công chức, lực lượng phòng chống dịch cần dấu hiệu nhận diện ra sao, người đi tiêm vaccine cần dấu hiệu gì… Các quy định này giúp giảm đi các phiền toái, đảm bảo thực hiện nghiêm quy định. Bên cạnh đó, TPHCM, đã có nhiều sáng kiến để hỗ trợ người dân, đặc biệt là những người có hoàn cảnh khó khăn mắc Covid-19.

Toàn cảnh buổi họp báo

Đồng chí Dương Anh Đức cho biết, hiện có đến 80% người dương tính không có triệu chứng, nếu biết cách tự chăm sóc thì có thể tự vượt qua được cơn bệnh. TPHCM đã triển khai mạng lưới tư vấn gồm các chuyên gia y khoa, các y bác sĩ, những người có kiến thức chuyên môn y tế để tư vấn từ xa thông qua hệ thống tổng đài của Trung ương cũng như địa phương, cùng một loạt tình nguyện viên đang sinh sống trên địa bàn TP để có thể thăm khám, hướng dẫn cho người dân đang thực hiện cách ly tại nhà.

“Việc này rất có ích cho người F1, F0 không có triệu chứng. Mạng lưới này cũng sẽ có cơ chế để khi đang ở nhà mà trở nặng thì cũng có thể được trợ giúp kịp thời. Tối 28-7, tôi trao đổi với mạng lưới hơn 1.000 chuyên gia để chính thức triển khai”, đồng chí Dương Anh Đức nói.

Cân nhắc, đề xuất thực hiện Chỉ thị 16 sau 1-8

Theo đồng chí Dương Anh Đức, tối 29-7, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã ký công văn về việc tiêm vaccine trong thời gian giãn cách xã hội tại TPHCM, trong đó cho phép TP được tháo gỡ một số vướng mắc để tăng tốc tiêm vaccine. TP đã cụ thể hóa văn bản này, ban hành trong chiều nay (30-7) văn bản hướng dẫn để lực lượng tổ chức tiêm vaccine sẽ triển khai.

Trong đó có những nội dung cụ thể như TPHCM sẽ tổ chức tiêm chủng cho tất cả đối tượng từ 18 tuổi trở lên, trong đó vẫn ưu tiên cho lực lượng y tế tuyến đầu, người có bệnh lý nền, cao tuổi và đẩy nhanh tốc độ bao phủ tiêm chủng. “Như vậy ngoài các đối tượng ưu tiên trong đợt 5, giờ đây tất cả người dân đều được tiêm”, đồng chí Dương Anh Đức thông tin.

Theo đồng chí Dương Anh Đức, nguồn vaccine là Bộ Y tế cung cấp cho TP với cam kết, TPHCM tiêm tới đâu Bộ sẽ cung cấp tới đó. Như vậy việc tiêm không phụ thuộc vào đối tượng mà quan trọng là tạo độ bao phủ nhanh, mục tiêu là trong tháng 8 cơ bản phủ được 2/3 dân số trên 18 tuổi tại TPHCM.

Để làm được như vậy, TPHCM cần khoảng 5 triệu liều vaccine trong tháng 8. TPHCM có nguồn vaccine thứ hai, đó là nguồn được tài trợ, ngày mai 31-7 sẽ có gần 1 triệu liều đầu tiên về đến TPHCM. “Người dân TP được định nghĩa rất rộng, là người nào đang sinh sống ở địa bàn TPHCM đều là đối tượng được tiêm, không còn giới hạn nào nữa. Còn trình tự tiêm thì các quận huyện tổ chức sao cho phù hợp, quy củ để việc tiêm có thể kết thúc nhanh nhất”, đồng chí Dương Anh Đức cho hay.

Đồng chí Dương Anh Đức cho biết, các doanh nghiệp "3 tại chỗ" sẽ được tổ chức tiêm tại nơi đang sản xuất. Tùy theo khả năng, TPHCM được tiêm không giới hạn số lượng. Trước đây, kế hoạch ban đầu của TPHCM là 120 liều/ngày/đội tiêm, sau đó tăng lên 200 liều, trong điều kiện cần thiết có thể tiêm luôn cả buổi tối. TPHCM đã chuẩn bị việc này, cho phép người đi tiêm vaccine có thể ra đường sau 18 giờ.

Một nội dung khác là Bộ Y tế cũng lưu ý tiêm cho các khu phong tỏa sao cho đảm bảo an toàn. Ứng dụng hồ sơ sức khỏe điện tử để triển khai việc tiêm vaccine được thuận lợi, như chứng thực tiêm chủng. “Hiện TPHCM đang cân nhắc, đề xuất, sau ngày 1-8 sẽ cùng các tỉnh thực hiện 1-2 tuần nữa Chỉ thị 16, TPHCM sẽ có thông báo sớm cho người dân được rõ”, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức nói.

Đơn giản hóa quy trình tiêm chủng

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức nhấn mạnh, từ đợt tiêm thứ 5, TPHCM tiếp tục duy trì quan điểm, vai trò chủ chốt là các quận huyện và TP Thủ Đức, còn Sở Y tế đưa ra hướng dẫn và hỗ trợ, quản lý việc tiêm tại một số bệnh viện tuyến trên. Tới đây, người trên 65 tuổi có thể tiêm ở bệnh viện hay các điểm tiêm ở địa phương có đủ điều kiện an toàn. Quy trình tiêm cũng được đơn giản hóa, không còn ràng buộc đợi tối thiểu 30 phút sau tiêm, hay việc khai báo tầm soát sức khỏe cũng được khuyến cáo thực hiện tại nhà trước khi đi tiêm. Với những giải pháp này, tốc độ tiêm sẽ tăng lên đáng kể mà vẫn đảm bảo an toàn sức khỏe cho người dân.  

Từ 14 giờ 22-7 đến 18 giờ ngày 29-7, TPHCM đã tiêm được 452.339 người. Như vậy, kế hoạch đợt 5 là tiêm 930.000 liều thì đến nay đã trên 50%. Theo ông Dương Anh Đức, TPHCM phấn đấu đến hết tuần này sẽ cố gắng hoàn thành để thực hiện các đợt tiêm tiếp theo. Sau khi kết thúc đợt tiêm thứ 5 sẽ tổ chức ngay đợt tiêm thứ 6, vaccine về tới đâu tiêm tới đó cho đến khi nào đạt mục tiêu phủ ít nhất 2/3 dân số trên 18 tuổi.

Tin cùng chuyên mục