Nhiều chủ tịch UBND chưa nghiêm túc thi hành án hành chính

Qua thẩm tra sơ bộ các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án; các báo cáo công tác của Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao năm 2020, trình bày sáng 14-9, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, kết quả xét xử, thi hành án hành chính vẫn là mảng yếu nhất, trong khi lẽ ra đối tượng thi hành loại án này lẽ ra phải là những người có trách nhiệm nêu gương.  
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga. Ảnh: QUOCHOI
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga. Ảnh: QUOCHOI

Ghi nhận và đánh giá cao kết quả mà các ngành đã đạt được, nhất là trong điều kiện dịch bệnh dẫn đến một số chỉ tiêu công tác giảm so với cùng kỳ năm 2019 lưu ý, kết quả phát hiện vi phạm pháp luật và tội phạm trên một số lĩnh vực vẫn chưa tương xứng với tình hình thực tế, nhất là tội phạm đánh bạc, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, sử dụng mạng viễn thông, mạng internet; vi phạm pháp luật và tội phạm về lĩnh vực tài nguyên môi trường, hàng giả, buôn lậu, gian lận thương mại…

Công tác điều tra, xử lý tội phạm có nhiều chuyển biến tích cực, tỷ lệ khám phá tội phạm xâm phạm trật tự xã hội vượt hơn 11%, án đặc biệt nghiêm trọng vượt gần 6% so với yêu cầu của Quốc hội; mặc dù tỷ lệ giải quyết tin báo, tố giác tội phạm, kiến nghị khởi tố chưa đạt yêu cầu của Quốc hội.

Việc áp dụng biện pháp ngăn chặn bắt, tạm giữ, tạm giam còn nhiều vi phạm, dẫn đến số trường hợp Viện Kiểm sát Nhân dân các cấp không phê chuẩn tăng mạnh so với năm 2019. Còn 17 trường hợp Cơ quan điều tra phải đình chỉ bị can do không có sự việc phạm tội và hành vi không cấu thành tội phạm hoặc hết thời hạn điều tra không chứng minh được bị can đã thực hiện tội phạm...

Đối với Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, người đứng đầu Ủy ban Tư pháp cũng chỉ rõ, bên cạnh mặt được, vẫn còn 57 trường hợp bị oan liên quan đến trách nhiệm của Viện Kiểm sát; còn 60 trường hợp truy tố thiếu căn cứ, sai tội danh, sai khung hình phạt. Tỷ lệ kháng nghị phúc thẩm các vụ án hình sự được tòa án chấp nhận mặc dù vượt chỉ tiêu của Quốc hội, nhưng giảm 5% so với năm 2019.

Về công tác điều tra của Cơ quan điều tra Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, tỷ lệ thu hồi tài sản do phạm tội tham nhũng mà có đạt 64,7%, tăng 15,1%. Tuy nhiên, tỷ lệ giải quyết tin báo, tố giác về tội phạm chưa đạt chỉ tiêu theo yêu cầu của Quốc hội và giảm 13,9% so với năm 2019. Đáng lưu ý, tỷ lệ giải quyết án rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng chỉ đạt 69,6%, thấp hơn chỉ tiêu Quốc hội giao hơn 20%.

Về công tác giải quyết, xét xử các loại án, một kết quả quan trọng là trong công tác giải quyết các vụ án hình sự, chưa phát hiện trường hợp nào kết án oan người vô tội. Hình phạt mà tòa án áp dụng cơ bản bảo đảm nghiêm minh, đúng pháp luật. Tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan đạt chỉ tiêu theo yêu cầu Nghị quyết Quốc hội.

Tuy nhiên, các Tòa án Nhân dân vẫn còn nhiều vi phạm dẫn tới Viện Kiểm sát Nhân dân phải ban hành 610 kiến nghị yêu cầu khắc phục trong quá trình giải quyết các vụ án hình sự; 1.399 kiến nghị yêu cầu khắc phục trong quá trình giải quyết các vụ việc dân sự, hành chính. Mặc dù số lượng các vụ án hành chính phải giải quyết không nhiều so với các loại án khác (bằng 2,2% tổng số các loại án) nhưng tỷ lệ xét xử còn thấp (chỉ đạt 51%); tỷ lệ bản án, quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan chưa đạt chỉ tiêu theo yêu cầu của Quốc hội. Tỷ lệ thi hành án hành chính cũng đạt thấp (34%), số vụ án hành chính tồn đọng chưa thi hành xong tăng hơn so với cùng kỳ năm 2019; phần lớn các bản án hành chính chậm được thi hành do người phải thi hành án là UBND, Chủ tịch UBND (trong tổng số 472 bản án hành chính chưa thi hành xong thì có tới 451 bản án người phải thi hành là Chủ tịch UBND).

Ủy ban Tư pháp ghi nhận và đánh giá cao những kết quả đã đạt được trong công tác thi hành án hình sự, nhất là trong điều kiện dịch bệnh và số người bị kết án phạt tù, số người chấp hành án tại các cơ sở giam giữ cũng như số người bị kết án tử hình tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2019. Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nhấn mạnh, tại một số trại giam vẫn còn để xảy ra 18 phạm nhân bỏ trốn, trong đó có trường hợp phạm tội mới, gây hoang mang trong dư luận; còn một số trường hợp phạm nhân chết do tai nạn lao động, chết do đánh nhau, chết do tự sát, đặc biệt là còn để xảy 3 trường hợp người bị kết án tử hình và bị can bị bắt về hành vi phạm tội về ma túy tự sát tại trại tạm giam.

Bổ nhiệm “thần tốc” gây phản cảm, hoài nghi trong dư luận 

Các báo cáo của các cơ quan có liên quan vẫn không khắc phục được tình trạng không khớp về số liệu phát hiện, xử lý tham nhũng, do đó rất khó để đánh giá đúng tình hình và có biện pháp phòng ngừa trong thời gian tới - Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga thẳng thắn nhận định tại phiên họp của UBTVQH sáng 14-9, sau khi Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái trình bày Báo cáo về tình hình phòng, chống tham nhũng (PCTN).

Theo Chủ nhiệm Lê Thị Nga, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, công tác đấu tranh PCTN thời gian qua đã không “chững lại” hay “chùng xuống” mà tiếp tục được duy trì, đẩy mạnh và đạt được nhiều kết quả tích cực cả về phòng ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng.

Nhiều chủ tịch UBND chưa nghiêm túc thi hành án hành chính ảnh 1 Trường hợp ông Nguyễn Nhân Chinh được bổ nhiệm Bí thư Thành ủy Bắc Ninh không được dư luận đồng tình. Ông Chinh sau đó đã được chuyển công tác. Ảnh: Tinhdoanbacninh.gov.vn

Tuy nhiên, công tác phòng ngừa tham nhũng trong một số ngành, lĩnh vực, địa phương vẫn còn những hạn chế nhất định. Bên cạnh những hạn chế đã được nêu trong Báo cáo của Chính phủ, cơ quan thẩm tra nhấn mạnh, việc công khai, minh bạch trong tổ chức và hoạt động ở một số bộ, ngành, địa phương vẫn còn hạn chế.

Đặc biệt, việc thực hiện quy tắc ứng xử và kiểm soát xung đột lợi ích chưa thực sự chuyển biến,có nhiều trường hợp thực hiện chưa nghiêm ; có biểu hiện “nhóm lợi ích”, móc ngoặc giữa người có chức vụ, quyền hạn trong khu vực nhà nước và doanh nghiệp; tình trạng người có chức vụ, quyền hạn “bảo kê”, bao che cho các hành vi vi phạm pháp luật vẫn diễn ra...

Bên cạnh đó, việc bổ nhiệm cán bộ, công chức, giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý, kể cả đối với vị trí chủ chốt ở bộ, ngành, địa phương trong một số trường hợp còn chưa thật sự phù hợp, dẫn đến còn có trường hợp người đứng đầu bị xử lý kỷ luật, thậm chí phải xử lý hình sự.

“Qua giám sát, phản ánh của dư luận cử tri và báo chí cho thấy việc quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm cán bộ thời gian qua còn có một số trường hợp bổ nhiệm “thần tốc”, thiếu minh bạch; bổ nhiệm cán bộ thiếu điều kiện, tiêu chuẩn… đã gây phản cảm, hoài nghi trong dư luận”, bà Lê Thị Nga bình luận.

Về số vụ án tham nhũng được phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử, cơ quan thẩm tra nêu rõ, việc thống kê, báo cáo số liệu chính xác về kết quả phát hiện, xử lý tội phạm tham nhũng có ý nghĩa rất quan trọng trong việc đánh giá tình hình, diễn biến của tội phạm tham nhũng và đề ra các giải pháp giải quyết; tuy nhiên, trong các Báo cáo của Chính phủ và các cơ quan hữu quan vẫn chưa khắc phục được sự không thống nhất, thiếu chính xác về số liệu thống kê. Ủy ban Tư pháp đề nghị Chính phủ cần có đánh giá cụ thể về tình hình tham nhũng năm 2020 để báo cáo trước Quốc hội theo đúng quy định của Luật PCTN.

Tin cùng chuyên mục