Nhiều trạm y tế ở TPHCM không có bóng dáng bệnh nhân

Bệnh nhân tiếp tục dồn về các bệnh viện tuyến trên, trong khi nhiều trạm y tế không có bóng dáng bệnh nhân, không phát sinh chi phí khám chữa bệnh. 
Khám chữa bệnh tại Trạm y tế phường 11, quận 3, TPHCM
Khám chữa bệnh tại Trạm y tế phường 11, quận 3, TPHCM

Ngày 9-10, Đoàn Đại biểu quốc hội TPHCM khảo sát tình hình thực hiện Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) việc quản lý và sử dụng Quỹ BHYT trên địa bàn TPHCM.

Về tình hình tham gia BHYT, Giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) TPHCM Phan Văn Mến cho biết, tính đến ngày 30-6, TPHCM có gần 6,9 triệu người tham gia BHYT, đạt 82,6% độ bao phủ. Trung bình, mỗi người có thẻ BHYT đi khám bệnh 1,43 lần/năm và chi phí bình quân cho một lần khám chữa bệnh là hơn 1 triệu đồng/lần/người. Đặc biệt, TP có hơn 1,74 triệu người tham gia BHYT hộ gia đình với tiền mua thẻ BHYT bình quân chỉ khoảng 500.000 đồng/người/năm nhưng khám chữa bệnh lên đến 2,1 triệu đồng/người/năm. Mức đóng không tương xứng với mức hưởng nên diễn ra tình trạng bội chi ở nhiều cơ sở khám chữa bệnh và đe dọa sự cân đối của Quỹ BHYT.

Đại diện Sở Y tế cho biết, năm qua có 42 triệu lượt người khám chữa bệnh tại TPHCM (chiếm ¼ lượng khám chữa bệnh trong toàn quốc), trong đó có 45% là người từ các tỉnh, thành khác. Về việc khám chữa bệnh BHYT, Giám đốc BHXH TPHCM cho hay, từ năm 2016, thực hiện thông tuyến huyện khám chữa bệnh BHYT (người có thẻ BHYT có thể đến khám, chữa bệnh ở bất kỳ bệnh viện huyện trong cả nước - PV), nên năm qua, tăng mạnh (30%) số người từ các tỉnh, thành khác đến các bệnh viện ở TPHCM khám chữa bệnh. Đặc biệt, bệnh nhân tiếp tục dồn về các bệnh viện tuyến trên, trong khi số bệnh nhân đến khám chữa bệnh tại các trạm y tế phường, xã giảm nhiều. Thậm chí nhiều trạm y tế không có bóng dáng bệnh nhân, không phát sinh chi phí khám chữa bệnh.

Bà Lưu Thị Thanh Huyền, Phó Giám đốc BHXH TPHCM bổ sung, khám chữa bệnh BHYT ở các trạm y tế chủ yếu tập trung ở 5 huyện ngoại thành; còn gần 300 trạm y tế phường, ở quận nội thành, vùng ven rất hiếm người đến khám mà vẫn phải duy trì bác sĩ, duy trì nhân viên y tế, gây tình trạng lãng phí. Bà Lưu Thanh Huyền lo ngại, chỉ còn 2 năm nữa sẽ thông tuyến khám chữa bệnh tuyến tỉnh, liệu lúc đó, ngay cả bệnh viện tuyến huyện có còn giữ được bệnh nhân không?

Trả lời câu hỏi của các đại biểu Quốc hội về biện pháp giảm tải, bà Đinh Thị Liễu, Trưởng Phòng Kế hoạch Tài chính, Sở Y tế TPHCM cho biết, Sở Y tế xử lý tình trạng quá tải bằng cách cử bác sĩ từ bệnh viện TP về bệnh viện, quận, huyện; cử bác sĩ từ quận, huyện xuống trạm y tế. Riêng năm nay, gần 500 bác sĩ được đưa về quận, huyện và tăng cường đầu tư cho trạm y tế, nhất là các trạm y tế gần khu chế xuất, khu công nghiệp. Tuy nhiên, theo bà Đinh Thị Liễu, đây là giải pháp cần nhiều thời gian, không phải một sớm một chiều có tác dụng ngay.

Tin cùng chuyên mục