Nhờ có vaccine, nhiều bệnh nặng thành nhẹ hoặc biến mất

Vaccine là thành tựu quan trọng bậc nhất của ngành y khoa. Rất nhiều bệnh mà nhờ vaccine và Chương trình tiêm chủng mở rộng nên đã giảm đi từ hàng trăm đến hàng ngàn lần so với trước đây.
Ban tổ chức tặng hoa cho các khách mời tham dự. Ảnh: BTC
Ban tổ chức tặng hoa cho các khách mời tham dự. Ảnh: BTC

Ngày 15-6, Báo Tuổi Trẻ tổ chức tọa đàm “Tiêm vaccine phòng bệnh truyền nhiễm đầy đủ cho trẻ em và người lớn” trước bối cảnh vaccine hàng loạt vaccine trong Chương trình tiêm chủng mở rộng (TCMR) đang thiếu tại nhiều địa phương.

Theo PGS-TS Trần Đắc Phu, nguyên cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), vaccine là thành tựu quan trọng bậc nhất của ngành y khoa. Nhờ có vaccine, chúng ta đã thanh toán được đậu mùa từ năm 1980, giờ đây không còn bất kỳ một trường hợp đậu mùa nào trên thế giới.

Việt Nam cũng loại trừ được bệnh bại liệt vào năm 2000 trên phạm vi cả nước. Và rất nhiều bệnh mà nhờ vaccine và Chương trình TCMR đã giảm đi từ hàng trăm đến hàng ngàn lần so với trước đây.

“Tôi đã chứng kiến rất nhiều bệnh mà cứ mỗi sáng đến khoa truyền nhiễm của bệnh viện là gặp bệnh nhân, nhưng nay chỉ có một vài ca mỗi năm. Sởi là bệnh mà hầu hết ai trong thế hệ chúng ta cũng đều mắc. Chỉ có thế hệ sau này tiêm vaccine thì mới không mắc sởi. Với sởi, đã tiêm là miễn dịch rất bền vững…”, PGS-TS Trần Đắc Phu thông tin và cho biết, nhờ có vaccine, nhiều bệnh nặng thành nhẹ hoặc triệt tiêu luôn.

PGS-TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục y tế dự phòng (Bộ Y tế) chia sẻ tại tọa đàm. Ảnh: BTC

PGS-TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục y tế dự phòng (Bộ Y tế) chia sẻ tại tọa đàm. Ảnh: BTC

Chia sẻ tại buổi tọa đàm, anh Lê Văn Công - vận động viên Việt Nam đầu tiên đoạt huy chương vàng Paralympic, đồng thời lập kỷ lục thế giới môn cử tạ dành cho người khuyết tật cho biết, trong quá trình mang thai anh, mẹ đã không may mắc phải bệnh sốt xuất huyết và đã để lại di chứng khiến hai chân của anh teo dần, di chứng này mang theo suốt cuộc đời. Ý thức vai trò quan trọng trong việc tiêm vaccine phòng bệnh, đến nay anh đã cố gắng đưa hai con của mình đi tiêm chủng đầy đủ.

Còn chị Nguyễn Thị Sari - nữ vận động viên bơi lội khuyết tật cho biết cô sinh ra tại Long An. Khi còn nhỏ, gia đình thấy những người hàng xóm có con sau khi tiêm vaccine bị sốt và gia đình chưa tiêm vaccine cho cô. Không may khi biến cố ập đến, cô bị sốt bại liệt và để lại di chứng suốt cuộc đời. Từ hoàn cảnh của mình, mong con cái không thiệt thòi như mẹ nên kình ngư Nguyễn Thị Sari đã ý thức được việc tiêm vaccine đầy đủ cho con như vaccine bại liệt, uốn ván, ho gà, viêm gan B…

* Cùng ngày, Báo Tuổi trẻ đã tổ chức phát động Cuộc thi viết "Tiêm ngừa - Chuyện chưa kể", với sự đồng hành của Hệ thống tiêm chủng VNVC với tổng trị giá giải thưởng lên đến 500 triệu đồng.

Theo nhà báo Lê Xuân Trung, Phó Tổng Biên tập Báo Tuổi Trẻ, cuộc thi hướng đến việc tuyên truyền, định hướng xã hội trong việc nâng cao ý thức giữ gìn sức khỏe, đặc biệt là công tác tăng cường phòng chống bệnh tật, bảo vệ sức khỏe bản thân, gia đình và cộng đồng... Đồng thời là cơ hội để bạn đọc gửi gắm, chia sẻ câu chuyện của mình, gia đình mình với cộng đồng.

Nội dung bài viết chia sẻ những kỷ niệm và trải nghiệm cá nhân liên quan đến tiêm chủng một cách chân thực và ý nghĩa; có tầm ảnh hưởng, lan tỏa thông điệp tích cực về tầm quan trọng của tiêm chủng đối với sức khỏe cộng đồng; cách viết bài sáng tạo, hấp dẫn và truyền cảm hứng.

Bạn đọc có hai cách để nộp bài viết dự thi: Gửi email đến địa chỉ tiemngua@tuoitre.com.vn hoặc vào chuyên trang của cuộc thi trên trang web Báo Tuổi trẻ, điền thông tin và tải file chứa bài dự thi theo yêu cầu. Thời gian nhận bài viết từ ngày 10-6 đến 30-7-2023.

Tin cùng chuyên mục