Nhớ về ba tôi - Trần Trọng Tân

Gần một năm qua ba tôi bị bệnh phải nằm viện, suốt thời gian đó các anh em tôi trực tiếp chăm sóc, các bác sĩ bệnh viện Thống Nhất tận tình cứu chữa, nhưng rồi  ba cũng phải ra đi. Lễ an táng được cử hành trọng thể, tràn ngập tình cảm yêu thương. Kỷ niệm về ba cứ ùa về.

Gần một năm qua ba tôi bị bệnh phải nằm viện, suốt thời gian đó các anh em tôi trực tiếp chăm sóc, các bác sĩ bệnh viện Thống Nhất tận tình cứu chữa, nhưng rồi  ba cũng phải ra đi. Lễ an táng được cử hành trọng thể, tràn ngập tình cảm yêu thương. Kỷ niệm về ba cứ ùa về.

Năm 1959, ba tôi nhận quyết định đi chiến đấu ở chiến trường Miền Nam (đi B). Trước khi đi, ba tập vác nặng chạy bộ, leo núi, tập võ thuật, lái ô tô… Rồi ba lái xe hơi chở cả gia đình đi từ Hà Nội đến Hải Phòng -  chuyến đi đầy kỷ niệm. Tháng 1-1961, ở tuổi 35, ba khoác ba lô, đi bộ, băng rừng, lội suối, vừa đánh địch mở đường mà đi. Cả đoàn cán bộ, chiến sĩ  đi B phải đi vòng qua Lào, xẻ dọc Trường Sơn suốt hơn 6 tháng mới đến căn cứ Mã Đà, Nam bộ. 

Trong điếu văn của Ban lễ tang có viết ba tôi là nhà lý luận của Đảng, luôn bám sát thực tiễn.Ông rất nhanh nhạy phát hiện những vấn đề mới và cách giải quyết luôn có lý có tình. Có thể là do cuộc đời hoạt động cách mạng của ông rất phong phú, được trải qua rất nhiều địa bàn họat động khác nhau:  căn cứ Trung ương cục ở Tây Ninh, đất thép Củ Chi, rừng đước Cà Mau, nội thành Sài Gòn, nhà tù Côn Đảo… Sau ngày đất nước thống nhất, ông có nhiều năm công tác ở Hà Nội, TPHCM, Campuchia …  Và cũng còn do tinh thần tự học mạnh mẽ của ông.  Ba tôi tự học  mọi lúc, mọi nơi, luôn đọc sách, báo, nghe rađio, xem tivi… Ba tự học tiếng Nhật và đã sử dụng tiếng Nhật để kêu gọi lính Nhật đầu hàng trong Cách mạng tháng 8 năm 1945 ở quê nhà Quảng Trị khi mới 19 tuổi. Lúc bị địch giam ở Côn Đảo, ông đã tự học đến cuốn 4 của bộ sách học tiếng Anh English for today.

Khi rảnh rỗi là ba tôi thích lao động chân tay, đặc biệt là làm vườn. Nhà ở thành phố nên ba tìm những chỗ trống thích hợp trong sân hoặc lấy đất đưa lên sân thượng để trồng cây. Ông hay trồng những cây có thể ăn được như rau muống, chanh, ớt, mướp, bạc hà…Ba còn thích sửa chữa nhỏ như sửa lại cái ghế hay đôi dép bị hư…mà ông gọi đùa là theo trường phái “lăng xăng” giữa lao động chân tay và lao động trí óc.

Ông thích tranh luận, lật đi lật lại vấn đề cho thật sâu nhưng không áp đặt ý của ông mà rất tôn trọng ý kiến khác nhau nên làm người tranh luận với ông thấy thoải mái.    Tất cả các con cháu trong nhà đều rất thích trò chuyện với ông. Mỗi lần ba tôi viết một bài báo nào đó, trước khi gửi đi ông thường cho con cái đọc trước, góp ý.

Đọc được tin các nhà khoa học nước ngòai nghiên cứu thấy rằng: gần 100 tỷ tế bào thần kinh ở não người không những không bị giảm theo tuổi tác mà lại có thể tái tạo thêm nếu  lao động trí óc tích cực, ba tôi vui lắm. Có lẽ do  họat động trí óc thường xuyên  nên khi tuổi đã cao, ông vẫn rất minh mẫn.

Kỷ niệm các ngày lễ lớn, ba tôi thường có bài viết ở các báo. Cũng cùng một chủ đề nhưng năm nay ông viết có những ý mới khác năm ngoái. Ông nói, viết cần suy nghĩ sâu, thu thập tư liệu, có ý mới, cô đọng, tránh sáo mòn. Khi ông viết thì rất tập trung, có khi đến 1, 2 giờ sáng ông mới đi ngủ. Nhưng khi ông ngủ thì giấc ngủ rất sâu. Trời cho ông  giấc ngủ tốt nên bù trừ những bệnh tật khác. Huyết áp ba tôi ở tuổi 80 mà vẫn tốt (12/8), ngay cả các bác sĩ cũng ngạc nhiên.
  
Còn biết bao kỷ niệm nữa về ba tôi – Trần Trọng Tân. Kỷ niệm còn đó, mà nay ba đã về cõi vĩnh hằng, về thế giới của những người hiền, của những anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh vì dân, vì nước. Ba ơi! nhớ thương ba mãi mãi!.

Trần Trọng Châu

>>Thương tiếc anh Hai Tân
>> Nhớ chú Hai Tân

Tin cùng chuyên mục