Những cái Tết không trọn vẹn

Khoảnh khắc ngồi trước màn hình gõ những dòng này mới chỉ là ngày mồng 5, nhưng cái Tết của tôi đã kết thúc từ lâu rồi. Đã 6 năm liên tiếp kể từ khi rời ghế nhà trường, cứ đều đặn sáng mồng 2 Tết tôi tạm biệt gia đình lên cơ quan làm nhiệm vụ trực. Đó là một trách nhiệm thường niên của một người chiến sĩ trong lực lượng Công an Nhân dân Việt Nam.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Nam
  • Nữ miền Nam
  • Nữ miền Bắc
  • Nam miền Bắc

Năm nào cũng thế, cơ quan tôi chia lịch trực Tết làm hai đợt: một nửa trực từ đầu đến hết mồng 1, nửa còn lại trực từ sáng ngày mồng 2 cho tới hết Tết. Tôi là cán bộ trẻ chưa lập gia đình nên thường trực đợt sau để những anh em khác có thời gian về lễ Tết gia đình nội ngoại. Ngoài ra, đêm 30 Tết, tất cả cán bộ chiến sĩ dù trực hay không cũng sẽ lên đơn vị làm nhiệm vụ bảo vệ an ninh trật tự. Thành ra kì nghỉ Tết của tôi nhanh lắm, cũng chỉ bằng hai ngày nghỉ cuối tuần bình thường.

Sáng ngày 29 bắt đầu nghỉ Tết. Không như nhiều người mang cả hành trang “di cư” về quê, tôi chỉ lên chiếc xe máy phóng thẳng về như một ngày bình thường vì chiều 30 Tết lại lên ngay. Vội vàng là thế nhưng cũng cố gắng cùng gia đình dọn dẹp, trang hoàng nhà cửa, trang trí cây đào cho có không khí. Chiều 30 Tết cùng họ hàng đi tảo mộ, thắp nén nhang thơm mời các cụ về đón Tết cùng gia đình con cháu. Đi dạo quanh ngôi làng nhỏ thân yêu, cố tận hưởng lấy chút không khí của buổi chiều đẹp nhất trong năm rồi vội vã lên đường hơn 20 km tới cơ quan.

Đêm giao thừa giữa lòng Thủ đô Hà Nội lạnh buốt. Đứng giữa ngã tư đường, nhìn người người nhà nhà nô nức có nhau, trong lòng trào lên những vui buồn lẫn lộn. Khoảnh khắc giao thừa chỉ có mình ta tự chúc ta, lúc ấy thực sự mong mình đang ở trong ngôi nhà ấm cúng, được cạnh bên gia đình. Những ngày trực tại cơ quan, trụ sở lặng yên đến lạ. Bật màn hình điện thoại lên, vào camera an ninh xem ở nhà đang có gì. Vẫn sân gạch hồng đầy cánh đào rụng, vẫn những bóng người thân, thấy ùa về nỗi nhớ và cả nỗi buồn mênh mang.

anh-so-1-1-5312.jpeg
Khoảnh khắc sum vầy bên gia đình là hạnh phúc ngắn ngủi mỗi dịp Tết của mỗi người chiến sĩ

Nhớ lại những cái Tết khi còn bé, lúc ông bà còn đầy đủ, bố mẹ vẫn còn trẻ, bản thân chỉ là một đứa nhóc vô lo vô nghĩ. Tết lúc nào cũng đông đủ đại gia đình, anh chị em cùng nhau sum vầy bên nồi bánh chưng đỏ lửa. Đêm 30 Tết, khi thời khắc giao thừa vừa điểm, sau màn bắn pháo hoa và lời chúc của Chủ tịch nước, gia đình ngồi lại bên mâm cơm đơn sơ nho nhỏ, trao cho nhau những lời chúc trong nụ cười rạng rỡ. Trên sóng truyền hình vang lên bài hát “Khúc giao mùa” với sự thể hiện của Mỹ Linh- Minh Quân:

“Bên em bên em anh say trong hạnh phúc

Đôi môi em anh ngỡ cánh đào

Bên anh bên anh em nghe trong lòng hát

Những giai điệu tình yêu.”

Khoảnh khắc ấy, tất cả cũng như say trong hạnh phúc của những ly rượu nồng, của tình cảm gia đình sum họp, của truyền thống tươi đẹp muôn đời của người Việt Nam.

Có đôi lúc tôi nghĩ, mình cố gắng cả năm chẳng mấy khi được về nhà cũng chỉ mong có vài ngày nghỉ Tết trọn vẹn bên gia đình, vậy mà đến điều đơn giản ấy cũng chẳng thể nào có được. Và cũng đã nhiều lần trong những suy nghĩ vu vơ, tôi mong mình bé lại, được trở về thời ấu thơ, không phải lo toan cuộc sống, cũng chẳng phải gánh vác trách nhiệm trên vai. Tất cả chỉ có niềm vui và sự thơ ngây, đón Tết với nỗi mong chờ gói bánh và tấm áo mới mẹ mua.

Nhưng thời gian chẳng bao giờ quay ngược. Tất cả chúng ta đều phải lớn lên, mang trong mình trách nhiệm với gia đình, đất nước. Tôi biết cái Tết của tôi vẫn còn đủ đầy hơn rất nhiều người. Những người lính biên cương vẫn phải đón Tết nơi biên giới hoa mơ nở trắng rừng. Những cô lao công vẫn làm bạn với chiếc chổi tre và xe rác giữa đêm giao thừa nhà nhà xúng xính áo quần. Những người con xa xứ vẫn chỉ có thể sum họp với gia đình qua màn hình điện thoại để cố gắng viết tiếp mong ước về một cuộc sống ấm no. Tôi hiểu rằng phải có những con người hi sinh cái Tết nhỏ của bản thân để dựng xây những cái Tết lớn hạnh phúc cho mọi nhà. Như một câu hát nổi tiếng trong bài hát “Một đời người, một rừng cây” của nhạc sĩ Trần Long Ẩn:

“Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng

Gian khổ sẽ dành phần ai”.

Có lẽ phải hơn 30 năm nữa khi đã nghỉ hưu, tôi mới có được một cái Tết trọn vẹn bên gia đình. Nhưng tin rằng trong 30 năm ấy, tôi không uổng phí bất kì một cái Tết nào. Được hoàn thành trách nhiệm với đất nước, được chia sẻ niềm vui chung với mọi người, Tết vẫn luôn ý nghĩa. Và trên tất cả, sau những ngày lễ Tết khi được trở về nhà, thấy gia đình hòa thuận ấm êm, không khí tràn ngập tiếng cười, dẫu xuân có thể đã qua nhưng ngày nào với tôi cũng vui như Tết.

NGUYỄN ĐỨC KIÊN

Thanh Oai, Hà Nội

Tin cùng chuyên mục