Nông nghiệp đối mặt thế nào với ba chữ “biến”

“Ngành nông nghiệp đối mặt với 3 chữ “biến”: biến đổi khí hậu, biến động thị trường, biến chuyển với xu thế tiêu dùng của thế giới theo hướng xanh, bền vững”, Bộ trưởng NN-PTNT Lê Minh Hoan nói. 
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan trả lời chất vấn
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan trả lời chất vấn

Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 25 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), chiều 15-8-2023, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phần chất vấn và trả lời chất vấn đối với Bộ trưởng NN-PTNT Lê Minh Hoan.

Phiên chất vấn được kết nối trực tuyến với 62 điểm cầu tại các tỉnh/thành trong cả nước và phát thanh, truyền hình trực tiếp trên Đài Tiếng nói Việt Nam, Truyền hình Việt Nam, Truyền hình Quốc hội Việt Nam.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng trao đổi với Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà trước phiên chất vấn và trả lời chất vấn, chiều 15-8. Ảnh: QUANG PHÚC

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng trao đổi với Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà trước phiên chất vấn và trả lời chất vấn, chiều 15-8. Ảnh: QUANG PHÚC

Phát biểu trước khi trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan nhìn nhận, nông nghiệp luôn là trụ đỡ trong bối cảnh kinh tế khó khăn.

“Ngành nông nghiệp đã, đang và sẽ đối mặt với ba chữ “biến”: biến đổi khí hậu, biến động thị trường, biến chuyển với xu thế tiêu dùng của thế giới theo hướng xanh, bền vững. Từ các thực tiễn này, ngành NN-PTNT vẫn kiên trì thực hiện chiến lược tổng thể trong dài hạn, vừa linh hoạt xử lý tình huống, quản trị đồng bộ trong ngắn hạn”, ông nói.

Phản ánh hiện trạng người nông dân còn thu nhập thấp, cuộc sống bấp bênh, nguy cơ người dân bỏ đất, bỏ ruộng cao, ĐB Lý Tiết Hạnh (Bình Định) đề nghị Bộ trưởng cho biết quan điểm và các giải pháp của Bộ trưởng trong thời gian tới để khắc phục vấn đề này.

Quang cảnh hội trường Diên Hồng chiều 15-8

Quang cảnh hội trường Diên Hồng chiều 15-8

Trong khi đó, ĐB Phạm Hùng Thắng (Hà Nam) muốn Bộ trưởng nêu rõ giải pháp để tạo liên kết sản xuất với tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị để thúc đẩy cơ giới hóa, giảm chi phí logistics, khuyến khích đổi mới sáng tạo.

Trả lời câu hỏi về việc thực hiện liên kết theo chuỗi, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, đây là chiến lược của ngành nông nghiệp nhằm thay đổi thực trạng manh mún, nhỏ lẻ, tự phát của nền nông nghiệp nước ta. Do đó, hợp tác giữa những người sản xuất, liên kết giữa người sản xuất và doanh nghiệp theo một chuỗi ngành hàng là cần thiết.

“Chỉ có liên kết theo chuỗi mới nâng cao được chất lượng nông sản của nước ta và chuyển từ sản phẩm nông nghiệp thành một thương phẩm, đảm bảo yêu cầu chuẩn mực của thị trường”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.

ĐB Lê Thanh Hoàn (Hải Dương) nêu chất vấn

ĐB Lê Thanh Hoàn (Hải Dương) nêu chất vấn

Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng thống nhất với nhận định của đại biểu về thực trạng liên kết còn chậm. Theo báo cáo của các địa phương thì chỉ khoảng 20% diện tích nông nghiệp nằm trong chuỗi liên kết ngành hàng và không phải chuỗi nào cũng bền vững - Bộ trưởng cung cấp thông tin và nhận định, vấn đề quan trọng nhất là nâng cao tính bền vững của các chuỗi liên kết này trong thời gian tới. Chỉ khi đó mới khắc phục được tình trạng được mùa mất giá cũng như các câu chuyện buồn khác như nông dân bội tín với doanh nghiệp, hay doanh nghiệp, thương lái bỏ cọc khiến nông dân lao đao...

Bộ trưởng Lê Minh Hoan dẫn chứng câu chuyện “mới nóng” sáng nay, sầu riêng ở Tây Nguyên sốt giá khi có sự tham gia của doanh nghiệp ngoài chuỗi. Theo đó, thương lái chỉ cần nâng giá lên vì mục đích gì đó thì người nông dân cũng sẵn sàng bỏ chuỗi, bỏ cam kết với doanh nghiệp.

“Tôi mới nhận thông tin sáng nay của Hiệp hội sầu riêng Đắk Lắk. Mỗi doanh nghiệp đầu tư một chuỗi và kho bãi, chuẩn hóa các yêu cầu của Trung Quốc về truy xuất nguồn gốc, mã vùng trồng… Nhưng chỉ cần một doanh nghiệp vừa bước vào chuỗi này vì động cơ nào đó nâng giá lên thì một chuỗi và cả một thành quả hợp tác cũng sẽ bị phá vỡ”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói.

Đề cập đến quy hoạch đất lúa, ĐB Lê Thanh Hoàn (Hải Dương) hỏi: “Quốc hội đã có Nghị quyết về sử dụng đất quốc gia, trong đó quy định rõ diện tích đất lúa. Đề nghị Bộ trưởng cho biết nay đã chốt được 3,5 triệu ha đất lúa để người dân yên tâm canh tác chưa”?

Bộ trưởng NN-PTNT Lê Minh Hoan khẳng định sẽ cùng với địa phương phân tích tình huống khi nào cần chuyển đổi đất lúa

Bộ trưởng NN-PTNT Lê Minh Hoan khẳng định sẽ cùng với địa phương phân tích tình huống khi nào cần chuyển đổi đất lúa

Bộ trưởng NN-PTNT cho biết, cách đây 10 năm, cả nước có trên 4 triệu ha đất lúa, nay còn 3,9 triệu ha. Quy hoạch đất lúa nằm trong quy hoạch đất đai nên sẽ thuộc trách nhiệm của Bộ TN-MT.

“Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng các địa phương đều đã ổn định diện tích lúa, trong quy hoạch của tỉnh cũng đã phân khu vực dành cho đất nông nghiệp, đất lúa. Mọi quy hoạch không thể đứng yên, chuyển đổi đất đai là một sự đánh đổi. Tôi đề nghị các doanh nghiệp khi chuyển đổi đất lúa cần ý thức đằng sau đó là con người, ngành hàng, chuỗi dịch vụ liên quan… Chúng tôi sẽ cùng với địa phương phân tích tình huống khi nào cần chuyển đổi, cân nhắc giữa phát triển và giữ gìn”, người đứng đầu ngành NN-PTNT khẳng định.

Tin cùng chuyên mục