Saigon Co.op - “bà đỡ” nông sản của hợp tác xã Việt

Nhiều năm nay, Liên hiệp Hợp tác xã thương mại TPHCM (Saigon Co.op) đã trở thành “bà đỡ” hàng ngàn hợp tác xã Việt có cơ hội đưa sản phẩm tới người tiêu dùng trong nước cũng như mở rộng xuất khẩu ra nước ngoài.
Hàng nông sản của các HTX tiêu thụ rộng rãi tại hệ thống Co.opmart
Hàng nông sản của các HTX tiêu thụ rộng rãi tại hệ thống Co.opmart

Ngay từ những ngày đầu phát triển hệ thống bán lẻ, ban lãnh đạo của Saigon Co.op đã xác định phải gắn kết với cộng đồng bằng nhiều hình thức, trong đó, hướng chủ đạo là ưu tiên kinh doanh hàng hóa Việt Nam. Từ định hướng này, liên tục nhiều năm nay, Saigon Co.op đã bền bỉ những hoạt động kết nối với các hợp tác xã (HTX), nhất là những HTX nông nghiệp ở khắp các địa phương từ Đông Nam bộ, Tây Nam bộ cho tới các vùng Tây Nguyên... để đưa hàng sản xuất trong nước, bảo đảm chất lượng, giá cả phải chăng tới người tiêu dùng. Đây cũng được đánh giá là nền tảng để hàng Việt ngày càng tìm được chỗ đứng vững chắc trên các quầy, kệ của các mạng lưới bán lẻ thuộc Saigon Co.op.

Theo định hướng và chủ trương này, ngày 6-10 vừa qua, Saigon Co.op và Liên minh HTX Việt Nam đã có buổi làm việc về hỗ trợ, hợp tác, liên kết chuỗi giá trị tiêu thụ sản phẩm giữa Saigon Co.op với các HTX trong cả nước. Hai bên đã trao đổi, làm việc về hợp tác, liên kết chuỗi giá trị tiêu thụ sản phẩm giữa Saigon Co.op với các HTX trên địa bàn cả nước; chủ yếu là nông sản, sản phẩm OCOP và kế hoạch hợp tác dài hạn giữa Liên minh HTX Việt Nam và Saigon Co.op. Việc hợp tác dự kiến sẽ ký kết vào tháng 11 tới trong phiên trù bị của Đại hội đại biểu toàn quốc Liên minh HTX Việt Nam lần thứ VI, nhiệm kỳ 2020-2025. Ông Nguyễn Ngọc Bảo, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam cho biết, trên địa bàn cả nước hiện nay có khoảng 18.000 HTX nông nghiệp và Liên minh HTX Việt Nam sẽ đưa ra những giải pháp kết nối để các HTX đưa được hàng vào hệ thống bán lẻ rộng khắp của Saigon Co.op; đồng thời phát triển sản phẩm lĩnh vực riêng giữa Liên minh HTX Việt Nam và Saigon Co.op.

Lãnh đạo của Saigon Co.op cho biết, không phải tới bây giờ Saigon Co.op mới có những hoạt động kết nối với các HTX mà từ những ngày đầu thành lập nhà bán lẻ này đã đi theo chủ trương này. Chỉ tính từ năm 2015 đến nay, Saigon Co.op cùng các sở ban ngành đã tổ chức nhiều chương trình liên kết tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp đạt tiêu chuẩn VietGAP cho các HTX nông nghiệp của TPHCM và các tỉnh, thành nhằm bao tiêu sản phẩm. Thông qua đó, đã hợp tác với rất nhiều nhà cung cấp ở 24 tỉnh, thành với những sản phẩm như rau quả, thủy hải sản, thực phẩm chế biến các loại… từ đó đưa đặc sản vùng miền của địa phương đến tay người tiêu dùng.

Trong đó, tại khu vực TPHCM, năm 2019, Saigon Co.op ký được gần 20 hợp đồng thương mại cung ứng hàng hóa nông sản với các HTX, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố để tạo nguồn cung ổn định cho các hệ thống siêu thị. Quá trình thu mua được Saigon Co.op tổ chức tập trung tại vùng nguyên liệu của các địa phương, tập kết tại kho trung tâm nhằm kiểm soát chất lượng hàng hóa đầu vào và bảo đảm phân phối đến tất cả các điểm bán hàng trong hệ thống Saigon Co.op.

Đặc biệt hơn, thông qua Liên hiệp, liên doanh Saigon Co.op - Fairprice đã tích cực khai thác xuất khẩu mặt hàng nhãn riêng Co.opmart và các loại nông sản thực phẩm chế biến của Việt Nam sang hệ thống bán lẻ của NTUC Fairprice cũng như các thị trường Nga, Mỹ, Campuchia. Ước tính, bình quân hàng năm có hơn 200 container hàng Việt đến các nước Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc, Canada, châu Âu.

Theo đại diện của Saigon Co.op, điều kiện để đưa hàng vào siêu thị Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food không khó. Quan trọng là HTX cần có sản phẩm chất lượng, giá cả cạnh tranh, mẫu mã phù hợp với thị hiếu người dân và đặc biệt tuân thủ nghiêm ngặt về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. Cụ thể, đối với công tác kiểm soát chất lượng, Saigon Co.op đòi hỏi nhà cung cấp phải bảo đảm quy trình sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP. Nhà bán lẻ này cũng yêu cầu các nhà cung cấp phải cải tiến chất lượng, bao bì mẫu mã, kết hợp việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất và công nghệ xử lý sau thu hoạch để có các sản phẩm đạt chất lượng tốt, có giá trị dinh dưỡng cao, tốt cho sức khỏe. “Tất cả sản phẩm kinh doanh tại các điểm bán thuộc Saigon Co.op được kiểm tra an toàn thực phẩm định kỳ hoặc đột xuất từ nguồn nguyên liệu sản xuất trước khi giao hàng đến siêu thị, người tiêu dùng. Nhưng không chỉ đưa ra những yêu cầu về chất lượng, chúng tôi còn triển khai nhiều chương trình để hỗ trợ các nhà cung cấp đạt được các tiêu chí đặt ra”, vị đại diện này cho biết.

Sự phục vụ tận tâm của Saigon Co.op đã được đông đảo người tiêu dùng đánh giá cao và chọn các điểm bán lẻ của hệ thống này trở thành nơi mua sắm tin cậy. Chị Nguyễn Mai Hoa (ngụ quận Bình Thạnh, TPHCM) - một khách hàng lâu năm của hệ thống siêu thị Co.opmart chia sẻ, tuần nào chị cũng ghé siêu thị Co.opmart ít nhất một lần để mua các sản phẩm thiết yếu từ đồ dùng cho tới thực phẩm, rau củ. “Ở hệ thống siêu thị này rau củ không chỉ tươi ngon mà chất lượng rất đảm bảo, chưa kể cung cách phục vụ của nhân viên cũng rất thân thiện”, chị Hoa cho hay.

Với chị Nguyễn Thùy Linh (ngụ quận Thủ Đức, TPHCM) thì lại khác. Theo chị Linh, ngày nào hết giờ làm việc chị cũng ghé Co.op Food gần nhà chỉ để mua ít thực phẩm tươi sống vì cả nhà chị đều quen với những sản phẩm ở cửa hàng này. Với chị Linh thì cửa hàng Co.op Food giống như một “chợ hiện đại” mà chị có thể yên tâm mua sắm các sản phẩm thiết yếu cho gia đình, không lo sản phẩm tăng giá thất thường hay giập nát như ngoài thị trường.

Có thể thấy, nhờ thế mạnh là nhà bán lẻ có mạng lưới rộng khắp cả nước của Saigon Co.op mà hàng ngàn HTX nông nghiệp trên cả nước đã được kết nối tới người tiêu dùng Việt. Hoạt động này được các bộ, ngành từ trung ương đến địa phương đánh giá cao bởi thiết thực và phù hợp với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” do Bộ Chính trị phát động.

Tin cùng chuyên mục