Bình Định tổ chức chương trình nghệ thuật đặc biệt:

Tái hiện thời khắc chuyển 10.700 người tập kết ra Bắc tại cảng Quy Nhơn

Nhân kỷ niệm 70 năm ngày hoàn thành cuộc chuyển quân tập kết ra Bắc tại Cảng Quy Nhơn (16-5-1955 – 16-5-2025), tỉnh Bình Định tổ chức chuỗi hoạt động nghệ thuật, trưng bày tư liệu đặc biệt nhằm tái hiện một thời khắc thiêng liêng trong lịch sử cách mạng.

Tái hiện thời khắc chuyển 10.700 người tập kết ra Bắc tại cảng Quy Nhơn

Quy tụ nhiều nghệ sĩ, ca sĩ nổi tiếng

Theo Sở VH-TT-DL tỉnh Bình Định, trọng tâm của đợt kỷ niệm vào ngày 16-5 với nhiều hoạt động ý nghĩa diễn ra tại TP Quy Nhơn (tỉnh Bình Định). Theo đó, tỉnh sẽ tổ chức lễ dâng hoa kỷ niệm lúc 13 giờ 30 phút ngày 16-5, tại Di tích Cảng Quy Nhơn - địa điểm 300 ngày chuyển quân tập kết ra Bắc (đường Xuân Diệu, TP Quy Nhơn).

20250514_181655.jpg
Cán bộ, đồng bào 3 tỉnh Bình Định, Quảng Nam, Quảng Ngãi trên đường di chuyển về Quy Nhơn để tập kết ra Bắc

Lễ kỷ niệm chính thức diễn ra vào 20 giờ ngày 16-5 tại Quảng trường Nguyễn Tất Thành (TP Quy Nhơn) với chương trình nghệ thuật đặc biệt, chủ đề: “Ra đi giữ trọn lời thề thống nhất”, quy tụ 250 nghệ sĩ, ca sĩ, diễn viên. Trong đó, có các nghệ sĩ, ca sĩ nổi tiếng, như: NSND Thu Hiền, ca sĩ Trọng Tấn, Lan Anh cùng Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh Bình Định.

Nội dung cụ thể chương trình nghệ thuật gồm 11 tiết mục, phim tư liệu dẫn dắt khán giả đi qua một hành trình lịch sử từ chiến thắng Điện Biên Phủ, Lễ ký Hiệp định Geneve, cho đến thời khắc chia ly thiêng liêng khi Trung đoàn 803 – đơn vị cuối cùng rời bến cảng Quy Nhơn lên đường tập kết ra Bắc.

20250514_181242.jpg
Hiện vật lưu giữ từ thời khắc lịch sử đợt tập kết ra Bắc trước kia

Lồng ghép vào chương trình là hoạt cảnh bài chòi và các hình ảnh sống động về quê hương Bình Định trong thời khắc lịch sử cách mạng. Ngoài ra, chương trình sẽ quy tụ những ca khúc, tiết mục nổi bật như: Câu hò bên bờ Hiền Lương, Bóng cây Kơ Nia, Tình ca, Lời ca dâng Bác, Bài ca thống nhất; Viết tiếp câu chuyện hòa bình...

300 ngày chuyển hơn 10.700 người tập kết ra Bắc

Sau Chiến thắng Điện Biên Phủ (ngày 7-5-1954), tại bàn đàm phán, ký Hiệp định Geneve (21-7-1954), thực dân Pháp buộc phải chấp nhận đình chiến, lập lại hòa bình ở Việt Nam, Lào và Campuchia. Lúc này, đất nước ta vẫn tạm thời chia 2 miền, lấy vĩ tuyến 17 làm ranh giới, hai bên thống nhất thời gian 300 ngày (từ ngày 22-7-1954 - 17-5-1955) để chuyển quân tập kết 2 miền Bắc và Nam.

20250514_175827.jpg
Di tích Địa điểm chuyển quân tập kết ra miền Bắc tại đường biển Xuân Diệu, TP Quy Nhơn

Tại khu vực Bình Định có 300 ngày để tập kết quân của Liên khu V ra Bắc. Từ năm 1954 – 1955, Đảng bộ và Nhân dân Bình Định đã hoàn thành kỹ lưỡng mọi công tác hậu cần, chuẩn bị và chuyển thành công hơn 10.700 cán bộ, bộ đội và các lực lượng đi tập kết cùng đồng bào hồi hương ra Bắc, trên những chuyến tàu rời cảng Quy Nhơn…

Sống dậy ký ức thanh xuân

Ông Lâm Trường Định, Giám đốc Trung tâm Lưu trữ lịch sử tỉnh Bình Định cho biết, đơn vị được giao nhiệm vụ tổ chức hệ thống các tài liệu lưu trữ để tổ chức cuộc trưng bày diễn ra trong 4 ngày (từ ngày 14 - 17-5), chủ đề: Ký ức thanh xuân tập kết ra Bắc.

“Thông qua hoạt động trưng bày, sẽ góp phần tái hiện một giai đoạn lịch sử đặc biệt trong cuộc kháng chiến chống Mỹ - Khi hàng vạn người con miền Nam phải rời quê hương, mang theo khát vọng thống nhất đất nước, lên đường ra Bắc tiếp tục học tập, rèn luyện và cống hiến”, ông Lâm Trường Định chia sẻ.

Theo đó, Trung tâm Lưu trữ lịch sử Bình Định sẽ trưng bày, giới thiệu hơn 1.500 tài liệu, tư liệu, hình ảnh tại khu vực Trung tâm Hội nghị tỉnh Bình Định (đường Nguyễn Tất Thành, TP Quy Nhơn).

20250514_180722.jpg
Hình ảnh, tư liệu kể chuyện về lịch sử đợt tập kết, chuyển quân ra Bắc

Nội dung cuộc trưng bày chia làm 3 phần, gồm: phần 1, trưng bày, giới thiệu tài liệu, hình ảnh về thi hành Hiệp định Geneve; tư liệu về chủ trương, đường lối của Đảng thực hiện chuyển quân tập kết ra Bắc, phân công cán bộ ở lại tham gia hoạt động kháng chiến tại Bình Định và các chuyến tàu tập kết ra Bắc tại Cảng Quy Nhơn…

20250514_181014.jpg
Hình ảnh, các cựu học sinh miền Nam tại Bình Định tìm lại lịch sử
20250514_181618.jpg
Những hiện vật lưu giữ về thời kỳ tập kết 2 miền Nam, Bắc sau Hiệp định Giơnevơ

Phần 2 trưng bày, giới thiệu các tư liệu, hình ảnh về sự đón tiếp, chăm lo của đồng bào miền Bắc đối với cán bộ miền Nam tập kết; các hoạt động của cán bộ miền Nam tập kết và hoạt động của các trường học sinh miền Nam tại miền Bắc.

Phần cuối cùng sẽ trưng bày, giới thiệu các tư liệu, hồ sơ, kỷ vật của một số cán bộ tập kết đã mất tại miền Bắc và của cán bộ tỉnh Bình Định liệt sỹ tham gia đi B trong kháng chiến chống Mỹ.

z6600912118598_9e741a3a7deb57502f0988fa7645d010.jpg
Các nhân chứng đợt tập kết ra Bắc kể lại lịch sử qua hình ảnh trưng bày

Truyền tải thông điệp về giá trị hòa bình

Ông Phạm Ngọc Thái, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Định, nhấn mạnh, thông qua các hoạt động kỷ niệm, tỉnh mong muốn gửi gắm đến các thế hệ hôm nay và mai sau thông điệp về giá trị của hòa bình. Để có được hòa bình và phát triển như hiện nay, đất nước ta đã trải qua những giai đoạn đầy gian khó, chịu đựng những đau thương và mất mát to lớn. Trong đó, thời khắc lịch sử chuyển quân tập kết ra Bắc là một lát cắt đáng nhớ, khơi dậy khát vọng thống nhất, hòa bình của toàn thể dân tộc.

20250514_180931.jpg
Hình ảnh, tư liệu lịch sử trưng bày tại Trung tâm Hội nghị tỉnh Bình Định

"Dịp này, tỉnh Bình Định cũng muốn khơi dậy trong lòng mỗi người dân tình yêu quê hương, đất nước, ý thức trách nhiệm trong việc bảo vệ và phát huy những thành quả cách mạng, viết tiếp câu chuyện của hòa bình, phát triển. Hơn hết, tỉnh cũng hy vọng sẽ truyền tải cảm hứng về tinh thần đoàn kết, niềm tin và khát vọng mà tỉnh đang phấn đấu, đặt quyết tâm sẽ vươn lên phát triển, hội nhập mạnh mẽ”, ông Phạm Ngọc Thái chia sẻ.

Tin cùng chuyên mục