* TS. Bùi Thị Ngọc Trang, Phó giám đốc Học viện Cán bộ TPHCM: Đảm bảo sự lãnh đạo tuyệt đối của Đảng đối với chính quyền
Để mô hình chính quyền đô thị tại TPHCM vừa đáp ứng yêu cầu quản lý, vừa đáp ứng yêu cầu phát triển TP bền vững, theo tôi cần một số giải pháp cụ thể. Trong đó, đảm bảo sự lãnh đạo tuyệt đối của Đảng đối với chính quyền; tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của người dân đô thị; tạo điều kiện để người dân tham gia xây dựng chính quyền các cấp; phân định một cách khoa học, rõ ràng quyền hạn, trách nhiệm của từng cấp, từng ngành đi đôi với chế tài trách nhiệm của từng cá nhân, cơ quan, tổ chức. Bên cạnh đó, không ngừng gia tăng sự đồng thuận của người dân đối với việc xây dựng chính quyền TP cũng như các nguyên tắc trong xây dựng chính quyền các cấp của TP.
Cùng với đó, tiếp tục nghiên cứu mô hình chính quyền TP trong bối cảnh phát triển mới, gắn với lộ trình xây dựng TPHCM trở thành đô thị thông minh, lộ trình thực hiện chương trình chuyển đổi số của TP. Tiến trình này cần được nghiên cứu một cách khoa học, kịp thời trên cơ sở phối hợp của các cơ quan hữu quan của hệ thống chính trị của TP cùng với các cơ sở nghiên cứu, các đại học, học viện để thiết kế mô hình, lộ trình và các bước đi phù hợp trong xây dựng chính quyền TP. Việc nghiên cứu xây dựng mô hình chính quyền TP cần được thực hiện trên cơ sở tổng kết thực tiễn xây dựng chính quyền TP; học tập mô hình hiệu quả của các đô thị trên thế giới và điều kiện thực tế của TPHCM.
TPHCM cần đề xuất Trung ương hoàn thiện hệ thống pháp luật, các cơ chế đặc thù cho TP và mạnh dạn thí điểm các cơ chế, mô hình mới. Chính quyền TP nên quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thực sự có chất lượng để đảm bảo năng lực quản lý, điều hành của chính quyền. Phát huy vai trò của các thiết chế cộng đồng. Nghiên cứu xây dựng chính sách, quy định quản lý xã hội một cách hiệu quả, đồng thời tạo lập cơ chế pháp lý để nhân dân phát huy vai trò tự quản và cùng nhau thực thi pháp luật.
* PGS-TS LÊ VŨ NAM, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế - Luật (ĐH Quốc gia TPHCM): 4 lợi thế khi triển khai chính quyền đô thị tại TPHCM
Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại TPHCM và được chính thức áp dụng từ ngày 1-7-2021. Đây là một tin rất vui đối với người dân TP. Với mô hình mới sẽ tác động trực tiếp đến các mặt của đời sống kinh tế - xã hội của người dân TP, tạo động lực để TP phát triển kinh tế - xã hội nhanh hơn nữa trong thời gian tới. Theo đó, khi triển khai chủ trương này sẽ có 4 lợi ích như sau:
Thứ nhất, việc bỏ HĐND cấp quận và cấp phường sẽ giúp bộ máy của chính quyền được tinh gọn, vận hành hiệu quả, giải quyết công việc nhanh chóng. Qua đó, giúp TP tiết giảm được chi phí quản lý tập trung nguồn lực để đầu tư, giải quyết các vấn đề xã hội quan trọng như chính sách an sinh, xã hội chẳng hạn. Thứ hai, với mô hình chính quyền đô thị, người dân có điều kiện tốt hơn để tham gia vào hoạt động và giám sát hoạt động quản lý, điều hành của chính quyền thông qua tiếp tục trực tiếp hoặc trình bày ý kiến đóng góp trong các buổi tiếp xúc cử tri, đặc biệt đối với cấp chính quyền xã, phường. Đây là sự đảm bảo cần thiết và là yếu tố quan trọng để phát huy quyền làm chủ của người dân. Thứ ba, việc triển khai chính quyền đô thị tạo cơ hội rất tốt để cán bộ, công chức cấp xã, phường và quận, huyện nêu cao trách nhiệm cá nhân và trách nhiệm giải trình trước người dân về những vấn đề bức xúc xảy ra thông qua cơ chế chủ động và tự chịu trách nhiệm. Thứ tư, mô hình chính quyền đô thị giúp TP chủ động hơn trong việc đề ra và quyết định các chủ trương, quyết sách thuộc thẩm quyền trên cơ sở minh bạch, tự chịu trách nhiệm gắn với trách nhiệm giải trình cao như: công tác quy hoạch, thu hút đầu tư, triển khai dự án trên địa bàn… để phát triển TP theo hướng năng động, sáng tạo với tư cách một đầu tàu kinh tế của cả nước.
* Bà NGUYỄN THỊ MINH THẢO, chung cư 8x Plus, quận 12, TPHCM: Quyết tâm thoát khỏi cách quản lý lạc hậu
Đây là chủ trương rất quan trọng, có ý nghĩa quyết liệt cải cách quản lý hành chính, đổi mới quản lý theo phương pháp khoa học, hiện đại; quyết tâm thoát ra khỏi cách quản lý đã lạc hậu gây nhiều phiền hà và khiến cho bộ máy quản lý cồng kềnh. Rất hoan nghênh Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại TPHCM đáp ứng đúng yêu cầu của thực tiễn phát triển TPHCM. Mong rằng TPHCM sẽ khẩn trương triển khai thực hiện thật chu đáo, thận trọng, có bước đi hợp lý, có kiểm tra giám sát chặt chẽ. Đặc biệt là chọn lọc kỹ nhân sự cán bộ quản lý có đủ phẩm chất và năng lực đáp ứng được yêu cầu của tình hình và nhiệm vụ mới. Chú ý tránh gây ra những xáo trộn không cần thiết tác động đến đời sống của người dân hay phát sinh phiền hà về thủ tục hành chính.
Trong thời gian tới, cả guồng máy quản lý hành chính ở TPHCM sẽ phải chuyển động thật nỗ lực, thật mạnh mẽ, quyết liệt đổi mới để có thể nhanh chóng thích ứng với yêu cầu, nhiệm vụ mới. Chính quyền TP và từng sở ngành, địa phương cũng cần nhanh chóng rà soát hệ thống văn bản pháp quy để sửa đổi những quy định liên quan đến việc quản lý dân cư đã không còn phù hợp. Khi tổ chức mô hình chính quyền đô thị ở cấp cơ sở, để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi sai phạm của cán bộ lãnh đạo, quản lý và người đứng đầu, rất cần tăng cường công tác giám sát, quản lý cán bộ, làm tốt việc thanh tra, kiểm tra; chú trọng việc phân định thẩm quyền, trách nhiệm, mối quan hệ công tác của người đứng đầu với tập thể cấp ủy, lãnh đạo cơ quan, đơn vị.
* TS HUỲNH THANH ĐIỀN, Đại học Nguyễn Tất Thành: Chuẩn bị kỹ lưỡng cho vận hành mô hình chính quyền đô thị
Khát vọng sau nhiều năm của người dân TPHCM về mô hình chính quyền đô thị - một mô hình quản trị nhà nước gọn nhẹ, linh hoạt để các quyết sách sớm phát phát huy hiệu ứng vừa được Quốc hội thông qua.
Để mô hình chính quyền đô thị sớm phát huy hiệu quả, TPHCM cần sự chuẩn bị kỹ lưỡng về mọi mặt như sắp xếp kiện toàn bộ máy quản lý, mô tả công việc, xây dựng hệ thống đánh giá hiệu suất công việc, cơ chế trả lương, sắp xếp nhân sự, đến việc xây dựng lại hàng loạt các quy trình, quy định trong quản lý nhà nước thuộc các ngành khác nhau. Đồng thời, kiện toàn hoạt động giám sát của HĐND TPHCM đối với các quận, phường là việc làm cấp bách.
TPHCM cần nhanh chóng thành lập ban với chức năng sắp xếp lại bộ máy quản lý theo mô hình chính quyền đô thị. Ban có đại diện các ngành thuộc khối chính quyền, HĐND và cơ quan của Đảng để tham gia vào quá trình sắp xếp lại. Trước tiên là căn cứ vào chức năng và nhiệm vụ của UBND TPHCM, UBND quận, UBND phường, cũng như mức độ phân cấp quyết định được Quốc hội phê duyệt để xây dựng lại biểu biên chế, yêu cầu về tiêu chuẩn, năng lực, phẩm chất của từng vị trí công việc. Trên cơ sở đó, xác định nhân sự dôi dư và có biện pháp giải quyết thoả đáng. Cùng với đó, xây dựng cơ chế đánh giá và trả lương cho các nhân sự phù hợp.
Kế đến, TPHCM cần rà soát lại tất các các quy trình, quy định có liên quan đến quyết định của HĐND cấp quận, phường trước đây để xây dựng lại cơ chế phù hợp với mô hình mới. Đặc biệt là các quy trình, quy định quản lý nhà nước liên quan đến cộng động người dân và doanh nghiệp sửa đổi cần được ban hành lại và công khai.
Tổ chức HĐND cấp TP sẽ có nhiều thay đổi, nhất là các thay đổi liên quan đến chức năng giám sát. Do vậy, các ban chuyên môn của HĐND TPHCM sẽ tăng khối lượng công việc hơn. Điều đó đòi hỏi cần kiện toàn các tổ, nhóm giám sát chuyên trách đối với các địa bàn khác nhau ở TP.
Bên cạnh đó, kiện toàn các tổ chức Đảng, mặt trận thực hiện chức năng giám sát ở cấp quận, phường. Quá trình chuyển đổi giữa cái cũ sang cái mới luôn tồn tại không ít rủi ro, cần sự chuẩn bị đầy đủ, cân nhắc thấu đáo mọi vấn đề nhằm hạn chế tối đa các vướng mắc. Nhanh chóng tạo sự phấn khởi ngay từ những ngày đầu triển khai là rất quan trọng để củng cố niềm tin về một mô hình đúng đắn.
* Ông Huỳnh Minh Nhựt, Giám đốc Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TPHCM: Khuyến khích người tài tham gia công tác vận hành, quản lý bộ máy nhà nước
Việc thông qua chính quyền đô thị cho TPHCM sẽ tạo điều kiện thuận lợi để TP trở mình, tăng tốc phát triển. Có thể thấy, TPHCM là siêu đô thị đặc biệt với quy mô dân số hơn 11 triệu người. Chưa kể, trung bình mỗi năm, dân số TPHCM tăng khoảng 200.000 người. Sự gia tăng nhanh dân số đã kéo theo áp lực rất lớn đến hạ tầng giao thông, môi trường, y tế, giáo dục… cho TP. Điều này đòi hỏi TPHCM có cơ chế linh hoạt, chính sách phù hợp và con người quản lý có đủ năng lực, trình độ, “tâm và tầm” để vận hành bộ máy quản lý. Và có thể nói, mô hình chính quyền đô thị phù hợp trong bối cảnh như vậy.
Việc áp dụng mô hình chính quyền đô thị cho phép TP chủ động sử dụng nhân sự, từ đó, giúp bộ máy chính quyền của TP tinh gọn hơn, nâng cao năng lực của đội ngũ quản lý, đặc biệt khuyến khích người tài tham gia vào công tác điều hành quản lý, từng bước giảm rào cản thủ tục hành chính, khơi thông nội lực phát triển kinh tế cho TP bức phá, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đã ký kết 14 hiệp định thương mại tự do với nhiều nước trên thế giới.
Riêng ở lĩnh vực dịch vụ công ích, những bảng biểu chi phí, đơn giá dịch vụ công vốn đã lạc hậu và không phù hợp với siêu đô thị như TPHCM. Do vậy, cùng với sự chuyển đổi chính quyền đô thị kỳ vọng cho phép sẽ tạo ra những thay đổi phù hợp trong đơn giá, cách thức quản lý, góp phần cải thiện chất lượng môi trường sống của người dân TP ngày càng tích cực hơn.