Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án trên địa bàn TPHCM

Chiều 23-2, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch và phục hồi kinh tế TPHCM tổ chức họp báo thông tin về các vấn đề kinh tế - xã hội, công tác phòng chống dịch trên địa bàn thành phố.
Đồng chí Lâm Đình Thắng và đồng chí Phạm Đức Hải chủ trì họp báo.
Đồng chí Lâm Đình Thắng và đồng chí Phạm Đức Hải chủ trì họp báo.

Các đồng chí: Lâm Đình Thắng, Giám đốc Sở TT-TT TPHCM; Phạm Đức Hải, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy, kiêm Phó Trưởng ban chuyên trách Ban Chỉ đạo phòng chống dịch và phục hồi kinh tế TPHCM, chủ trì.

Đối với công tác xử lý người điều khiển phương tiện tham gia giao thông có sử dụng rượu, bia, Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó trưởng phòng Tham mưu, Công an TPHCM nhận định dù cơ quan chức năng thường xuyên xử lý nhưng các hành vi vi phạm vẫn còn nhiều.

Cụ thể, trong năm 2022, Công an TPHCM đã xử lý hơn 55.000 vụ vi phạm nồng độ cồn, xử phạt hành chính với số tiền trên 400 tỷ đồng. Riêng đợt cao điểm 15-11-2022 đến 15-2-2023, Công an TPHCM đã xử lý hơn 17.400 vụ, tạm giữ giữ hơn 16.000 phương tiện, tước hơn 11.000 giấy phép lái xe và xử lý 3 hành vi chống người thi hành công vụ.

Để kéo giảm tình trạng vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông của người dân, Công an TPHCM đã xây dựng kế hoạch, tổ chức các đợt cao điểm kiểm tra, xử lý. Việc kiểm tra, xử lý sẽ được thực hiện theo nhiều khung giờ; tăng cường kết hợp kiểm soát vừa lưu động, vừa tại các điểm cố định, cũng như tổ chức kiểm tra xử lý các vi phạm liên hoàn. Đồng thời, đẩy mạnh, đa dạng các hình thức tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân.

Ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Giám đốc Sở LĐTB-XH TPHCM cho biết, đến thời điểm hiện tại, tình hình quan hệ lao động và sản xuất kinh doanh trên địa bàn TPHCM cơ bản đi vào ổn định. Tuy nhiên, một số ngành gia công gặp khó khăn về đơn hàng phải cắt giảm người lao động. Sở đã phối hợp với các đơn vị liên quan kết nối giới thiệu việc làm, tư vấn tạo việc làm mới, tổ chức cho người lao động học nghề mới để chuyển đổi ngành nghề.

Các đại biểu dự họp báo.

Các đại biểu dự họp báo.

Liên quan đến việc Công ty TNHH PouYuen Việt Nam (quận Bình Tân) cắt giảm lao động, ông Nguyễn Văn Lâm cho biết, trong tháng 3 công ty này sẽ không tái ký khoảng 2.500 người. Số còn lại sẽ tiếp tục xử lý theo quan hệ lao động và quy định về hợp đồng lao động từ nay đến cuối năm. Sở đang phối hợp với các cơ quan chức năng theo dõi chặt chẽ để có hướng xử lý kịp thời.

Bên cạnh đó, Sở LĐTB-XH đã chỉ đạo Trung tâm dịch vụ việc làm thành phố tổ chức tổ công tác trực tiếp ứng trực để tư vấn cho người lao động khi công ty thực hiện giảm lao động. Đến thời điểm hiện tại, Sở đã tìm được khoảng 15 doanh nghiệp có ngành nghề tương đồng với Công ty PouYuen để tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động có việc làm mới ngay sau khi bị cắt giảm.

Đồng thời, Sở LĐTB-XH TPHCM phối hợp với các tỉnh Long An, Tiền Giang chuẩn bị giới thiệu việc làm cho người lao động, tư vấn chính sách về bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động tại hai địa phương này.

Về việc kết nối cung - cầu lao động, trong năm 2023, Trung tâm dịch vụ việc làm thành phố sẽ tổ chức hơn 120 sàn giao dịch việc làm trực tiếp và trực tuyến để giới thiệu việc làm cho người lao động. Trong thời gian sắp tới, Sở LĐTB-XH phối hợp với các đơn vị liên quan sẽ tổ chức các sàn giao dịch việc làm cho Công an, Bộ đội xuất ngũ và sàn giao dịch việc làm chuyên đề cho ngành du lịch.

Ông Bùi Văn Hiếu, Chánh Văn phòng Sở Xây dựng cho biết, ngày 20-2 vừa qua, UBND TPHCM đã chủ trì cuộc họp với các Sở, ngành, chủ đầu tư nhằm giải quyết khó khăn, vướng mắc cho 7 dự án trên địa bàn thành phố.

Do 7 dự án này có nhiều vướng mắc và thuộc thẩm quyền giải quyết của nhiều sở, ngành nên thành phố sẽ làm rõ những vướng mắc khó khăn, thống nhất từng nội dung để tập trung xử lý trong thời gian tới. Chánh Văn phòng Sở Xây dựng khẳng định, thành phố đang hết sức tập trung để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp.

Tin cùng chuyên mục