Tắt đèn hưởng ứng Chiến dịch Giờ Trái đất 2023

Cùng hơn 7.000 thành phố thuộc 192 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới, tối 25-3, tại Nhà Văn hóa Thanh niên TPHCM, hàng ngàn tình nguyện viên, thanh niên, người dân TPHCM hào hứng tham gia sự kiện tắt điện 1 giờ (từ 20 giờ 30 đến 21 giờ 30) để Hưởng ứng Chiến dịch Giờ Trái đất 2023.

Góp phần thay đổi nhận thức bảo vệ môi trường

Mặc dù sự kiện tắt đèn 1 giờ hưởng ứng Giờ Trái đất diễn ra lúc 20 giờ 30, thế nhưng ngay từ sáng sớm, không khí tại sân 4A Nhà Văn hóa Thanh niên thành phố đã sôi động và náo nhiệt với nhiều hoạt động được tổ chức như hoạt động “Bước chân xanh” - Giải chạy bộ cự ly 5km; gian hàng trưng bày sản phẩm tái chế; hoạt động đổi pin cũ lấy cây xanh… Càng gần đến giờ G, không khí ở sân 4A càng trở nên sôi động và náo nhiệt hơn thông qua những tiết mục văn nghệ, nhảy đồng diễn; giao lưu với các đại sứ môi trường. Sau khoảnh khắc đếm ngược của MC chương trình cùng với sự cổ vũ, reo hò của hàng ngàn tình nguyện viên dưới sân khấu, đúng 20 giờ 30, toàn bộ khu vực sân Nhà Văn hóa Thanh niên và các khu vực lân cận đồng loạt tắt đèn điện.

Đông đảo tình nguyện viên dùng đèn led điện thoại cổ vũ tại sự kiện tắt đèn 1 giờ ở TPHCM Ảnh: HOÀNG HÙNG

Đông đảo tình nguyện viên dùng đèn led điện thoại cổ vũ tại sự kiện tắt đèn 1 giờ ở TPHCM

Ảnh: HOÀNG HÙNG

Để hưởng ứng Giờ Trái đất năm 2023, UBND TPHCM đã vận động các tổ chức, cơ quan, người dân thực hiện tắt đèn và các thiết bị không cần thiết vào thời gian diễn ra sự kiện tắt đèn. Thành phố tổ chức các hoạt động hưởng ứng Giờ Trái đất với mục đích tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng trong việc sử dụng năng lượng hiệu quả, giảm ô nhiễm môi trường trước bối cảnh cả nước đang thực hiện kế hoạch ứng phó với biến đổi khí hậu. Thông qua các hoạt động tuyên truyền cụ thể, thành phố hy vọng sẽ góp phần thay đổi nhận thức của cộng đồng xã hội, mọi người xem việc thực hiện các giải pháp tiết kiệm điện, tài nguyên là hoạt động thường xuyên để đồng hành trách nhiệm cùng thành phố thực hiện tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường.

Triệu người như một

Chiến dịch Giờ Trái đất được tổ chức lần đầu vào năm 2007, do Quỹ quốc tế về Bảo vệ thiên nhiên (WWF) phát động. Theo WWF, đây là sự kiện duy nhất, lớn nhất và có nhiều người tham gia nhất trên Trái đất. Chiến dịch Giờ Trái đất đã nhận được sự hưởng ứng của hơn 7.000 thành phố thuộc hơn 192 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có Việt Nam.

Đặc biệt, năm 2023, chiến dịch đã nhận được sự ủng hộ tham gia của Tổng Thư ký Liên hiệp quốc Anotio Guterres và nhiều nhân vật nổi tiếng. Nhiều địa danh trên thế giới cũng được ghi nhận đã thực hiện tắt điện một giờ để hưởng ứng chương trình, như Nhà thi đấu Trượt băng tốc độ quốc gia Bắc Kinh của Trung Quốc và Chu Trang ở Côn Sơn, Nhà hát Opera Sydney ở Australia, Tượng Chúa cứu thế ở Rio de Janeiro, Trụ sở Liên hiệp quốc ở New York, Tượng đài Độc lập của Campuchia và Nhà thờ Đức Bà Paris ở Pháp…

Các bạn trẻ tham gia giải chạy bộ “Bước chân xanh”

Các bạn trẻ tham gia giải chạy bộ “Bước chân xanh”

Tiến sĩ Kirsten Schuijt, Tổng Giám đốc WWF, cho biết, năm nay WWF thiết lập Ngân hàng Giờ trực tuyến - một số liệu trực tuyến về tất cả hoạt động tích cực cho hành tinh mà mọi người cam kết cho Giờ Trái đất. Với mục tiêu đạt được giá trị 60.000 giờ hoặc 7 năm để phản ánh thời gian chúng ta còn lại để khôi phục thiên nhiên và điều chỉnh hướng đi vì lợi ích của con người và hành tinh, WWF đã nhận được tổng số giờ đáng kinh ngạc được cam kết trên ngân hàng giờ, vượt hơn số thời gian 7 năm như mục tiêu đặt ra. “Nếu tiếng nói của cộng đồng được lắng nghe, các nền tảng được sử dụng và những người có tầm ảnh hưởng cùng tham gia, chúng ta sẽ có thể ngăn chặn và đảo ngược tình trạng mất mát tự nhiên vào năm 2030”, Tiến sĩ Kirsten Schuijt nhấn mạnh.

Nghi thức tắt điện 1 giờ hưởng ứng Chiến dịch Giờ Trái đất tại TPHCM. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Nghi thức tắt điện 1 giờ hưởng ứng Chiến dịch Giờ Trái đất tại TPHCM. Ảnh: HOÀNG HÙNG

- Việt Nam được ghi nhận là một trong 10 quốc gia có nhiều hoạt động tích cực hưởng ứng chiến dịch Giờ Trái đất. Với thông điệp “Tiết kiệm điện - thành thói quen”, Bộ Công thương đã đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phối hợp tổ chức các hoạt động hưởng ứng chiến dịch. Nhiều hoạt động hưởng ứng chiến dịch được ghi nhận đã diễn ra trên khắp cả nước như cam kết sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả tại các doanh nghiệp, các hộ gia đình, giao lưu với các khối trường học, tổ chức các cuộc thi, trình diễn Flashmob, đi bộ cùng đại sứ và vẽ tranh hưởng ứng chiến dịch, các hoạt động đạp xe, thu gom rác thải điện tử, trồng cây xanh, chăm sóc và bảo vệ rừng…

- Tiến sĩ Kirsten Schuijt, Tổng Giám đốc WWF, cảnh báo rằng nhiệt độ toàn cầu đang vượt ngưỡng 1,50C đến năm 2030, chậm nhất là đầu những năm 2030, gây nguy cơ mất ổn định toàn cầu và suy thoái môi trường không thể đảo ngược. Điều này cũng đồng nghĩa với việc nhiều cá nhân và gia đình trong các cộng đồng trên khắp thế giới bị mất nhà cửa và mất khả năng tiếp cận các nhu yếu phẩm cơ bản như thực phẩm, nước sạch và tất cả các môi trường đáng sống. Do vậy, Chiến dịch Giờ Trái đất trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.

Tin cùng chuyên mục