Thu hút đầu tư vào Đà Nẵng - Bài 2: Mở “điểm nghẽn” thu hút đầu tư

Thu hút đầu tư là bước quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội nên các sở, ngành TP Đà Nẵng đã và đang triển khai các giải pháp nhằm cải thiện môi trường đầu tư, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Lực lượng lao động chất lượng cao là một trong những yếu tố thu hút đầu tư vào TP Đà Nẵng
Lực lượng lao động chất lượng cao là một trong những yếu tố thu hút đầu tư vào TP Đà Nẵng

“Nút thắt” thu hút đầu tư

Ông Ikeda Naoatsu, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản - Chi hội Đà Nẵng, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Daiwa Việt Nam cho biết, có hai vấn đề mà doanh nghiệp Nhật Bản quan tâm là quỹ đất tại các khu công nghiệp không còn nhiều và nguồn nhân lực không còn dồi dào như các năm trước.

Đơn cử như tại Daiwa Việt Nam, việc tuyển dụng lao động hiện rất khó khăn nên không đủ điều kiện để mở rộng sản xuất. Nguyên nhân có thể do sau thời gian ảnh hưởng bởi Covid-19, ngành dịch vụ đang dần khôi phục trở lại nên lực lượng lao động chuyển dịch về ngành dịch vụ. Bên cạnh đó, lực lượng lao động ngoại tỉnh, lân cận Đà Nẵng hiện có nhiều lựa chọn hơn khi các tỉnh như Quảng Nam, Thừa Thiên - Huế… có rất nhiều khu công nghiệp và đều đang mở rộng sản xuất, tuyển thêm công nhân.

Hiện việc tuyển dụng lao động có giao tiếp tiếng Anh trở thành yêu cầu cơ bản đối với công ty nước ngoài

Về giá đất, bà Huỳnh Liên Phương, Giám đốc Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư TP Đà Nẵng cho biết, giá đất ở đô thị loại 1 bao giờ cũng cao hơn so với các phương xung quanh. Hiện, giá đất trong các khu công nghiệp của Đà Nẵng cao hơn so với các tỉnh lân cận. Xét về giá thuê đất, nếu phải lựa chọn đầu tư vào khu công nghiệp ở Quảng Nam hay Đà Nẵng, nhà đầu tư sẽ nghiêng về Quảng Nam hơn. Bên cạnh đó, để hút được nhà đầu tư lớn, nhất là trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, Đà Nẵng cũng đang gặp khó về chuỗi cung ứng và các ngành công nghiệp phụ trợ.

Quỹ đất của TP Đà Nẵng so với địa phương khác khá hạn chế

"Các nhà đầu tư lớn luôn đòi hỏi về các vấn đề này nhưng Đà Nẵng nói riêng và cả nước nói chung vẫn vướng "điểm nghẽn" này khi chưa có nhiều doanh nghiệp phụ trợ đáp ứng đủ tiêu chuẩn để tham gia chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp FDI", bà Phương nói.

Đặc biệt, dịch Covid-19 cùng với hàng loạt những khó khăn, vướng mắc đặt ra trong quá trình phát triển của TP đã ít nhiều khiến cho kết quả đạt được vẫn chưa đạt được sự kỳ vọng và mục tiêu mong đợi. Đến nay, TP Đà Nẵng vẫn phải đối mặt với những thách thức mới trong bối cảnh tình hình quốc tế không ngừng biến động hậu Covid-19.

Linh hoạt giải pháp

Để chia sẻ với những khó khăn, thách thức mà các doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI đang gặp phải do tác động của dịch Covid-19, theo ông Phạm Trường Sơn, Trưởng Ban Quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng, thời gian qua, Ban Quản lý phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chuyên môn của TP rà soát, hỗ trợ và giải quyết những vướng mắc, khó khăn của các doanh nghiệp FDI; giải quyết các thủ tục hành chính về đầu tư (giãn tiến độ thực hiện dự án đầu tư, chậm nộp tiền ký quỹ) nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp yên tâm sản xuất.

Ban Quản lý tham mưu UBND TP đề xuất HĐND TP Đà Nẵng ban hành phương án thực hiện chính sách giảm tiền sử dụng hạ tầng cho các doanh nghiệp hoạt động trong các khu công nghiệp, khu công nghệ cao và khu công nghệ thông tin tập trung. Điển hình, giảm 50% tiền sử dụng hạ tầng phải nộp năm 2021 của các doanh nghiệp trong các khu này.

Một số doanh nghiệp được giảm 50% tiền sử dụng hạ tầng năm 2021

Theo bà Trần Thị Thanh Tâm, Giám đốc Sở KH-ĐT TP Đà Nẵng, Sở vẫn tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh để đẩy mạnh thu hút đầu tư; thực hiện tốt công tác đối ngoại và hợp tác quốc tế. Đồng thời, chủ động thực hiện các hoạt động thu hút đầu tư với hình thức phù hợp diễn biến của dịch bệnh; kịp thời gỡ vướng mắc, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đã và đang đầu tư trên địa bàn, nhất là các dự án quy mô, động lực như: dự án Không gian sáng tạo; khu du lịch Làng Vân; khu tổ hợp đô thị thông minh - khu phi thuế quan...

Theo ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, dù ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, "tâm và thế" của TP Đà Nẵng đã có sự chủ động và sẵn sàng hơn để chuẩn bị đón các làn sóng chuyển dịch đầu tư mới. Việc phủ rộng tiêm phòng vaccine phòng Covid-19 cho toàn thể người dân, trong đó có các nhà đầu tư, các chuyên gia nước ngoài; việc thành lập các tổ công tác xúc tiến, tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp, nhà đầu tư do các đồng chí lãnh đạo của thành phố chủ trì để triển khai các dự án… đã khẳng định sự cam kết đồng hành của thành phố trong nỗ lực tạo lập niềm tin trong cộng đồng doanh nghiệp và nhà đầu tư đối với môi trường đầu tư của TP Đà Nẵng.

Trong bối cảnh đầy khó khăn về lạm phát và đứt gãy chuỗi cung ứng, nền kinh tế TP Đà Nẵng vẫn có sự phục hồi từng bước, thoát khỏi mức tăng trưởng âm năm 2020 với quy mô mở rộng gần 1.826 tỷ đồng năm 2021, dẫn đầu Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, chiếm gần 23% tổng GRDP toàn khu vực. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đăng ký mới tăng 16,3%, với 49 lượt nhà đầu tư góp vốn, mua cổ phần với tổng giá trị vốn góp cao gấp 2,24 lần so với năm 2020.

Cải cách hành chính ngày càng hoàn thiện

Đối với thu hút đầu tư trong nước, TP đã cấp Quyết định chủ trương đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 27 dự án với tổng vốn đầu tư là 7.748 tỷ đồng, tăng 35% về số dự án. Đà Nẵng tiếp tục nằm trong tốp các tỉnh thành phố dẫn đầu về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), đứng thứ nhất cả nước về Chỉ số sẵn sàng ứng dụng công nghệ thông tin, đứng thứ 3 cả nước về Chỉ số cải cách hành chính.

Năm 2022, TP xác định chủ đề là “Năm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội”. Với những cơ chế, định hướng lớn đối với sự phát triển TP từ Nghị quyết số 43 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 119 của Quốc hội và Nghị định số 34 của Chính phủ; cũng như sự kiểm soát tốt dịch bệnh Covid-19, có thể nói đây là thời điểm thích hợp để Đà Nẵng hiện thực hóa, đẩy nhanh tốc độ triển khai các dự án và thu hút đầu tư mạnh mẽ.

“Chúng tôi ý thức rằng, không thể có được những kết quả mới cao hơn, hiệu quả hơn từ những cách làm cũ, theo tư duy cũ. Điều đó đòi hỏi từ lãnh đạo đến từng công chức của thành phố phải đổi mới tư duy, xác định những cách làm mới một cách cụ thể, phù hợp với quy định pháp lý và thực tiễn đặt ra; cũng như đặt người dân và doanh nghiệp ở vị trí trung tâm của mỗi chính sách. Cũng cần ý thức rằng, không phải cái mới nào cũng có thể dễ dàng tạo ra và được chấp nhận, triển khai có hiệu quả trong thời gian ngắn. Do đó, rất cần sự bền bỉ, sáng tạo trong toàn bộ hệ thống chính trị của thành phố; sự thấu hiểu, đồng thuận từ phía người dân, cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư; cũng như sự định hướng, chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ cùng các bộ ngành Trung ương”, ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng nhìn nhận.

Chiều 25-6, UBND TP Đà Nẵng tổ chức Diễn đàn Đầu tư Đà Nẵng 2022 với sự tham dự của hơn 600 đại biểu. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự.

Theo đó, diễn đàn nhằm quảng bá tiềm năng, lợi thế, cơ hội đầu tư của TP Đà Nẵng để các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước, các tổ chức quốc tế quan tâm lựa chọn, quyết định đầu tư; tranh thủ thu hút các nguồn lực đầu tư trong và ngoài nước, nhất là nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), đặc biệt trong bối cảnh khi mở cửa nền kinh tế sau thời gian dài ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Tại diễn đàn, TP Đà Nẵng sẽ công bố thông tin về tiến độ lập quy hoạch phân khu theo Điều chỉnh quy hoạch chung Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; định hướng cơ bản của Quy hoạch TP Đà Nẵng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; các dự án đang kêu gọi đầu tư trên địa bàn; danh mục quỹ đất phục vụ kêu gọi thu hút đầu tư của TP Đà Nẵng; các giải pháp nhằm cải thiện môi trường đầu tư và thu hút đầu tư trong thời gian đến.

Đồng thời, diễn đàn sẽ có các hoạt động trao trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, chủ trương nghiên cứu đầu tư, thông báo cho phép nghiên cứu đầu tư dự án, thỏa thuận hợp tác đầu tư cho 27 dự án trong nước và nước ngoài; khen thưởng cho 11 doanh nghiệp, tổ chức có đóng góp tích cực cho hoạt động xúc tiến đầu tư của địa phương.

Tin cùng chuyên mục