Thực hiện giám sát bán thuốc kháng sinh theo đơn tại các cơ sở bán lẻ thuốc

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký quyết định số 1121/QĐ-TTg phê duyệt chiến lược quốc gia về phòng, chống kháng thuốc tại Việt Nam giai đoạn 2023 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược quốc gia về phòng, chống kháng thuốc tại Việt Nam
Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược quốc gia về phòng, chống kháng thuốc tại Việt Nam

Mục tiêu chung là làm chậm sự tiến triển kháng thuốc và ngăn chặn, kiểm soát sự lây lan của các vi sinh vật kháng thuốc, bệnh truyền nhiễm; đồng thời đảm bảo sự sẵn có, liên tục các thuốc kháng vi sinh vật và sử dụng thuốc kháng vi sinh vật hợp lý để điều trị hiệu quả các bệnh truyền nhiễm ở người và động vật, góp phần bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe con người và động vật, bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Từ nay đến năm 2030, chiến lược đề ra 4 mục tiêu: nâng cao nhận thức của các cấp chính quyền địa phương và hiểu biết của nhân viên y tế, thú y và người dân về phòng, chống kháng thuốc; củng cố hệ thống giám sát kháng thuốc để cảnh báo kịp thời về sự xuất hiện, lan truyền, mức độ và xu hướng kháng thuốc của các vi sinh vật; giảm sự lan truyền của vi sinh vật và bệnh truyền nhiễm; sử dụng thuốc kháng vi sinh vật ở người và động vật hợp lý, an toàn và có trách nhiệm.

Chiến lược phấn đấu đến năm 2045 kiểm soát cơ bản tình trạng kháng thuốc, có hệ thống giám sát kháng thuốc, sử dụng, tiêu thụ kháng sinh hiệu quả tương đương với các nước phát triển.

Để đạt được những mục tiêu trên, chiến lược đưa ra một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, trong đó có việc xây dựng và triển khai kế hoạch hành động cho từng lĩnh vực y tế, nông nghiệp, môi trường, công thương để giải quyết các nguyên nhân dẫn đến tình trạng kháng thuốc trong các lĩnh vực tương ứng.

Chiến lược nhấn mạnh đến công tác truyền thông, giáo dục, nâng cao nhận thức của nhân dân về các nguyên nhân gây kháng thuốc, hậu quả của kháng thuốc và các biện pháp phòng, chống kháng thuốc; duy trì cam kết của cá nhân và xã hội đối với thay đổi hành vi để sử dụng thuốc kháng vi sinh vật có trách nhiệm, ngừng lạm dụng và sử dụng thuốc kháng vi sinh vật sai mục đích.

Phát triển công tác dược lâm sàng, triển khai chương trình quản lý sử dụng kháng sinh, quản lý kê đơn thuốc và bán thuốc theo đơn; thực hiện giám sát bán thuốc kháng sinh theo đơn tại các cơ sở bán lẻ thuốc.

Chiến lược thực hiện 3 đề án trọng điểm: Đề án về nâng cao nhận thức của cộng đồng, tăng cường hệ thống giám sát quốc gia về kháng thuốc, sử dụng và tiêu thụ thuốc kháng vi sinh vật, tăng cường quản lý sử dụng kháng sinh trong y tế giai đoạn 2024 - 2030 do Bộ Y tế xây dựng và triển khai; Đề án về nâng cao nhận thức của cộng đồng, tăng cường hệ thống giám sát quốc gia về sự kháng thuốc, sử dụng và tiêu thụ thuốc kháng vi sinh vật, tăng cường quản lý sử dụng kháng sinh trong thú y giai đoạn 2024 - 2030 (Bộ NN-PTNT); Đề án giám sát kháng thuốc trong môi trường giai đoạn 2024 - 2030 (Bộ TN-MT).

Tin cùng chuyên mục