* Đã tịch thu 2,5 tấn mắm tôm
Ngày 13-11, Sở Y tế TPHCM tiếp tục có báo cáo nhanh gửi Bộ Y tế, Thường trực Thành ủy và UBND TP về tình hình tiêu chảy cấp trên địa bàn TP. Theo đó, trong ngày 13-11, Sở Y tế đã ghi nhận 34 trường hợp mắc bệnh tiêu chảy. Trong đó có trường hợp bệnh nhân Đ.T.K.T. ở Cao Lỗ, phường 4, quận 8 có những biểu hiện của tiêu chảy cấp nhưng Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới chẩn đoán ngộ độc thức ăn. Hiện tại bệnh nhân T. không còn tiêu chảy - kết quả xét nghiệm soi phân không phát hiện phẩy trùng tả. Các bệnh nhân bị nghi ngờ tiêu chảy cấp trước đó cũng đã bình phục và cho xuất viện sau khi xét nghiệm âm tính với phẩy trùng tả.
Ngày 13-11, thanh tra Sở Y tế kiểm tra tiếp các cơ sở sản xuất mắm tôm trên địa bàn TP và tịch thu 826 kg mắm tôm không rõ nguồn gốc. Tính đến nay, các đoàn thanh tra (thanh tra Sở Y tế và các quận-huyện) đã tạm thu giữ trên 2,5 tấn mắm tôm, trong đó 2/3 không rõ nguồn gốc.
* Từ ngày 2 đến 13-11, Trung tâm Y tế dự phòng (TTYTDP) TP đã lấy 54 mẫu thực phẩm, trong đó có 33 mẫu mắm tôm không phát hiện phẩy trùng tả (2 mẫu chưa có kết quả), 14 mẫu rau không phát hiện phẩy trùng tả (2 mẫu chưa có kết quả) 5 mẫu nghêu, 1 mẫu thịt và 1 mẫu rượu cũng không phát hiện phẩy trùng tả. Cũng vào khoảng thời gian trên, TTYTDP TP đã lấy 37 mẫu nước trên địa bàn TP đem xét nghiệm, kết quả có 31 mẫu không phát hiện phẩy trùng tả, 6 mẫu còn lại chưa có kết quả.
Để phòng ngừa dịch tiêu chảy cấp lây lan, ngày 13-11, Sở Y tế cũng đã có công văn tăng cường công tác vệ sinh môi trường và diệt ruồi phòng chống tiêu chảy cấp. Sở Y tế chỉ đạo TTYTDP quận- huyện tiến hành khảo sát tình hình môi trường tại các khu vực ô nhiễm, đặc biệt những nơi có điều kiện thuận lợi cho ruồi phát triển như trại chăn nuôi, nơi có hầm phân, bãi rác công cộng… Đồng thời phải chủ động đánh giá mật độ ruồi và tiến hành phun thuốc diệt ruồi và ấu trùng ruồi, tuyên truyền hướng dẫn người dân vệ sinh môi trường quanh nhà, sử dụng hóa chất và các biện pháp dân gian diệt ruồi…
Tg.L.