TPHCM: Cần có nghiên cứu về đáp ứng miễn dịch cộng đồng

PGS-TS Nguyễn Thanh Hiệp cũng kiến nghị, TPHCM cần có nghiên cứu về đáp ứng miễn dịch cộng đồng, để đánh giá đáp ứng miễn dịch của người dân thành phố theo từng loại vaccine, từng nhóm tuổi, để có bằng chứng khoa học xác định thực tế đáp ứng miễn dịch của người dân thành phố.
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên và Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức tại cuộc họp ngày 15-12. Ảnh: VIỆT DŨNG
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên và Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức tại cuộc họp ngày 15-12. Ảnh: VIỆT DŨNG

Sáng 15-12, Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TPHCM họp giao ban trực tuyến với các sở - ngành, quận huyện và TP Thủ Đức về công tác phòng chống dịch ở thành phố. Dự cuộc họp có đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM.

Số ca mắc mới Covid-19 có xu hướng đi xuống

Báo cáo tại buổi làm việc, PGS-TS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TPHCM cho biết, hiện số ca mắc mới Covid-19 trên địa bàn có xu hướng đi xuống, đây là tín hiệu đáng mừng. Tuy nhiên, cũng không vì thế mà chủ quan, lơ là. Tính đến ngày 14-12, thành phố đang quản lý 76.428 F0 điều trị tại 3 tầng.

Trong đó, tại nhà có 61.369 người, cơ sở cách ly có 3.132 người (chiếm 84,3%); tại bệnh viện tầng 2 có 10.334 người (chiếm 13,5%); Bệnh viện tầng 3 có 1.647 người (chiếm 2,2%). Số ca tử vong trong 14 ngày qua dao động từ 60-70 ca/ngày, hiện còn 511 ca thở máy xâm lấn.

“Đây là con số chúng tôi lo lắng nhất”, Giám đốc Sở Y tế TPHCM nói và cho biết, qua phân tích số ca thở máy và số ca tử vong có nhiều đặc điểm giống nhau, như: có độ tuổi trên 50, người có bệnh nền và chưa tiêm vaccine.

Về tiến độ bảo vệ nhóm người nguy cơ trên địa bàn thành phố, tính đến ngày 14-12, hiện có 19/21 quận, huyện và TP Thủ Đức đã lập danh sách người thuộc nhóm nguy cơ trên địa bàn (trừ huyện Nhà Bè và huyện Củ Chi). Trong đó, 3 quận lập danh sách người thuộc nhóm nguy cơ nhiều nhất là các quận: Phú Nhuận, 4, Bình Tân.

Các quận huyện và TP Thủ Đức đã khảo sát được 109.350 người thuộc nhóm nguy cơ, nhưng chỉ mới lập danh sách 54.509 người. Trong số này có 4.545 người đã được tiêm 1 mũi (chiếm 8,3%), 46.932 người tiêm 2 mũi (chiếm 86,1%) và 3.032 người chưa tiêm (chiếm 5,6%).

10 quận, huyện đã triển khai xét nghiệm đợt 1 (quận 3, 5, 7, 8, 12, Phú Nhuận, Bình Thạnh, Tân Phú, huyện Bình Chánh, Hóc Môn) cho 7.310 người (chiếm 13,4%), phát hiện 97 người mắc Covid-19 (38 người cách ly tại nhà, 59 người đưa đến cơ sở thu dung, điều trị). Những người phát hiện mắc Covid-19 đã được ngành y tế thành phố cấp phát túi thuốc điều trị và và cho uống thuốc kháng virus Molnupiravir.

TPHCM: Cần có nghiên cứu về đáp ứng miễn dịch cộng đồng ảnh 1 Giám đốc Sở Y tế TPHCM Tăng Chí Thượng báo cáo tại cuộc họp. Ảnh: VIỆT DŨNG

Bên cạnh đó, ngành y tế cũng đã tổ chức truyền thông cho đối tượng nguy cơ với 10 hoạt động chính; tiêm vaccine liều nhắc lại cho người thuộc nhóm nguy cơ; chăm sóc F0 là người thuộc nhóm nguy cơ.

“Các địa phương cần sớm triển khai cập nhật danh sách người thuộc nhóm nguy cơ, đây là dữ liệu quan trọng cho thành phố trong việc chăm sóc sức khỏe cho họ. Chúng ta đã bỏ công sức đi từng ngõ, gõ từng nhà, gặp từng người để phát phiếu thì khi thu phiếu chịu khó nhìn kỹ, chỗ nào các bác, các chú chưa đánh dấu thì nhờ bổ sung cho đủ”, Giám đốc Sở Y tế TPHCM nhấn mạnh.

PGS-TS Tăng Chí Thượng cho biết, trong 2 ngày đầu thí điểm cho học sinh khối lớp 9 và 12 học trực tiếp trở lại. Tỷ lệ học sinh đến trường các khối lớp 9 đạt 90,69%, lớp 12 đạt 93,62%. Qua giám sát, Sở GD-ĐT và Sở Y tế phát hiện 8 F0, trong đó có 6 học sinh, 2 giáo viên. Tất cả đều không có triệu chứng, không cần nhập viện. Ngành y tế cũng đã tổ chức tiêm liều nhắc lại cho lực lượng tuyến đầu, hiện 21 quận, huyện và TP Thủ Đức đã tiêm được 5.747 mũi bổ sung và 11.243 mũi nhắc lại.

Để chủ động ứng phó với biến thể Omicron, ngoài việc tăng cường kiểm soát các cửa khẩu, cảng biển, ngành y tế đã dành riêng Bệnh viện dã chiến số 12 để cách ly người có kết quả dương tính và giải trình tự gene. Hiện có 2 tổ chức tham gia giải trình tự gene là Đơn vị nghiên cứu lâm sàng Đại học Oxford (OUCRU) và Viện Pasteur. Đến nay, OCRU nhận 19 mẫu nhập cảnh, Viện Pasteur nhận 15 mẫu (14 mẫu nhập cảnh, 4 mẫu cộng đồng), hiện có 14 mẫu mang biến chủng Delta, các mẫu còn lại đang chờ kết quả.

Theo PGS-TS Tăng Chí Thượng, hiện nay có 370 nhà thuốc Pharmacity và 320 nhà thuốc của các địa phương đăng ký tham gia phòng chống dịch với 3 hoạt động chính: cung ứng đầy đủ và đúng theo quy định các vật dụng và thuốc cần thiết chăm sóc sức khỏe tại nhà cho F0; truyền thông tư vấn chăm sóc sức khỏe tại nhà cho F0 và là cầu nối giữa F0 với các cơ sở chăm sóc F0 tại nhà. Trong chiều nay (15-12), Sở Y tế TPHCM bàn giao Trung tâm Hồi sức Covid-19 thuộc Bệnh viện Trung ương Huế cho Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM.

Sớm công bố danh sách nhà thuốc tham gia phòng chống dịch

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức yêu cầu các sở-ngành, quận huyện và TP Thủ Đức tiếp thu ý kiến chỉ đạo của đồng chí Bí thư Thành ủy TPHCM, sẵn sàng với tinh thần chủ động, sáng tạo, vượt lên chính mình; phấn đấu bảo vệ cho sự bình yên của người dân thành phố.

TPHCM: Cần có nghiên cứu về đáp ứng miễn dịch cộng đồng ảnh 2 Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức phát biểu tại buổi họp. Ảnh: VIỆT DŨNG
Đồng chí Dương Anh Đức hoan nghênh Khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao đã chủ động, vận dụng được nguồn xã hội hóa thành lập các khu thu dung, điều trị, đồng chí yêu cầu Sở Y tế phối hợp Sở Tài chính và các sở - ngành liên quan sớm có đề xuất ban hành, hướng dẫn cụ thể về vận hành, cơ chế tài chính, đảm bảo sự bền vững cần để các đơn vị yên tâm.

Phó Chủ tịch UBND TPHCM yêu cầu đảm bảo tốt việc tiếp nhận, bàn giao việc vận hành Trung tâm Hồi sức Covid-19 – Bệnh viện Trung ương Huế đảm bảo chất lượng, có nguồn lực tốt để chữa trị cho bệnh nhân. Sở Y tế triển khai và công khai sớm danh sách các nhà thuốc tham gia công tác phòng chống dịch để mọi người cần có thể tra cứu được.

Bên cạnh đó, phải thực hiện đẩy nhanh chiến lược về khoa học công nghệ, truyền thông, an sinh xã hội,... Sở TT-TT có trách nhiệm hỗ trợ cho các sở-ngành triển khai hạ tầng ứng dụng CNTT hiệu quả, thực tế đảm bảo hiệu quả đưa ứng dụng CNTT vào phòng chống dịch, giảm sự tiêu tốn lực lượng, tăng năng suất.

Các quận, huyện và TP Thủ Đức có tinh thần tích cực, chủ động trong việc ứng dụng CNTT và có các phản hồi kịp thời để chấn chỉnh. “Tất cả mọi người phải thực hiện chiến dịch bảo vệ người nguy cơ cao cũng như chiến lược phòng thủ y tế đúng tinh thần. Phải thấu đáo đặt lương tâm, trách nhiệm cao nhất cho công tác này”, đồng chí Dương Anh Đức mong muốn.

Theo PGS-TS Nguyễn Thanh Hiệp, Hiệu trưởng Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, giai đoạn tới, nhà trường có khoảng 1.191 sinh viên tốt nghiệp, trong đó có 805 bác sĩ đa khoa.

Tuy nhiên, theo quy định các em sinh viên có thời gian thực hành 8 tháng mới có chứng chỉ hành nghề, để có thể tận dụng nguồn nhân lực, nhà trường đề nghị Bộ Y tế thí điểm tăng cường về y tế cơ sở, đồng hành với thành phố trong công tác phòng chống dịch và mong muốn có chủ trương cho phép phân bổ các sinh viên của nhà trường theo lộ trình thực hành để cấp chứng chỉ hành nghề. Song song đó, có những chính sách tăng cường thu hút sinh viên mới ra trường về y tế cơ sở. 

PGS-TS Nguyễn Thanh Hiệp cũng kiến nghị, TPHCM cần có nghiên cứu về đáp ứng miễn dịch cộng đồng, để đánh giá đáp ứng miễn dịch của người dân thành phố theo từng loại vaccine, từng nhóm tuổi, để có bằng chứng khoa học xác định thực tế đáp ứng miễn dịch của người dân thành phố.

Tin cùng chuyên mục