Chiều tối 20-7, đồng chí Vũ Đức Đam, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 cùng các lãnh đạo Bộ Y tế, Bộ Công an, Bộ KH-CN, Bộ TT-TT… có buổi làm việc với Thành ủy TPHCM về công tác phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn TPHCM.
Về phía TPHCM có đồng chí: Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM cùng các đồng chí Thường trực Thành ủy TPHCM; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM được phân công phụ trách các công việc cụ thể trong công tác phòng chống dịch Covid-19.
Ưu tiên tiêm vaccine cho người nghèo
Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức thông tin về kế hoạch tiêm vaccine ngừa Covid-19 đợt 5. Theo đó, đợt này TPHCM được phân bổ hơn 930.000 liều, trong đó có 3 loại chính là AstraZeneca, Pfizer và Moderna. Ngày 20-7, TPHCM đã tổ chức tiêm ngừa thí điểm ở những bệnh viện chưa chuyển thành bệnh viện chuyên điều trị Covid-19 ở các quận và Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, Bệnh viện Nhân dân 115, Bệnh viện Nhân dân Gia Định, Bệnh viện Nhi đồng TPHCM. Các bệnh viện tập trung tiêm cho người trên 65 tuổi và cho người có các nhóm bệnh nền (bệnh thận mãn tính, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, cao huyết áp, đái tháo đường, béo phì…).
Theo kế hoạch, TPHCM tổ chức tiêm tại 20 bệnh viện và 624 điểm tiêm (mỗi điểm tiêm 120 liều/ngày), đảm bảo yêu cầu giãn cách theo Chỉ thị 16. Trong 624 điểm này, trước mắt sẽ vận hành 615 điểm, còn lại trong vùng phong tỏa thì sẽ tiêm ngay sau khi gỡ phong tỏa để đảm bảo an toàn. Phó Chủ tịch UBND TPHCM cho biết, việc tiêm vaccine sẽ triển khai từ ngày 22-7 và dự kiến tiêm trong vòng 2 tuần. Lãnh đạo TPHCM cũng kiến nghị Bộ Y tế sớm thông tin về số lượng vaccine, bởi nếu thuộc nhóm đối tượng ưu tiên nhưng lại chưa đủ vaccine để tiêm sẽ dẫn đến người dân bức xúc.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định quan điểm ưu tiên tối đa vaccine về cho TPHCM. Bởi TPHCM đã phát triển, chống dịch vì cả nước thì cả nước vì TPHCM. Dù số lượng vaccine về tới Việt Nam trong tháng 8 không nhiều, nhưng Trung ương sẽ cố gắng phân bổ cho TPHCM 5 triệu liều vaccine để đến hết tháng 9 có 50% dân số TPHCM được tiêm ít nhất một mũi.
Liên quan đến nội dung này, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh, số lượng vaccine TPHCM nhận theo tiến độ phân bổ, nhưng việc tiêm ngừa phải được thực hiện khẩn trương, an toàn và không để dẫn đến lây nhiễm trong quá trình tiêm. Theo đồng chí, bên cạnh việc tiêm vaccine theo đúng đối tượng ưu tiên như hướng dẫn của Bộ Y tế thì cần quan tâm thêm một số đối tượng. Đó là người thân của lực lượng tuyến đầu phòng chống dịch như y bác sĩ... Kế đến là ưu tiên đến những người dễ trở nặng khi mắc Covid-19, giúp TPHCM thực hiện được mục tiêu hạn chế tử vong vì bệnh Covid-19.
Mặt khác, ở TPHCM hiện có nhiều người nghèo, người lao động tạm trú trong các phòng trọ, khu nhà trọ chật hẹp và không thể thực hiện giãn cách theo đúng quy định, dẫn đến nguy cơ lây nhiễm rất cao. Vì vậy, đồng chí Nguyễn Văn Nên cho rằng, cần quan tâm tiêm ngừa cho những người này để hạn chế nguồn lây nhiễm có thể phát sinh trong thời gian tới. Ngoài ra, TPHCM còn đề nghị quan tâm hơn đến những người làm công tác từ thiện, những người xung kích trong thực hiện phòng chống dịch Covid-19.
Biện pháp mạnh ở địa bàn đặc thù
Về công tác phòng chống dịch Covid-19 tại TPHCM, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn nhận xét, tình dịch bệnh ở TPHCM vẫn phức tạp khó lường, dự báo chính xác rất khó khăn. Vì vậy, trong 10 ngày tới, TPHCM vẫn phải áp dụng quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch. “Chúng tôi hy vọng dịch sẽ giảm trong thời gian 7-10 ngày tới sau thời gian áp dụng Chỉ thị 16 ở 19 tỉnh thành”, Thứ trưởng Bộ Y tế bày tỏ.
Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, nếu đúng như dự báo của Thứ trưởng Bộ Y tế thì TPHCM vẫn phải tiếp tục nỗ lực cao độ trong một tuần nữa. Theo Phó Thủ tướng, qua trực tiếp theo dõi tình hình, nhận thấy chưa có nơi nào ở nước ta đứng trước thực tiễn như TPHCM vừa rồi. Theo đó, Việt Nam đã qua nhiều đợt dập dịch, có những lúc dịch vào khu công nghiệp ở Bắc Giang, Bắc Ninh. Tuy nhiên, những nơi ấy không thể so được với TPHCM, do các điều kiện kinh tế - xã hội, quy mô dân số khác nhau.
Phó Thủ tướng chia sẻ khó khăn với TPHCM, sự vất vả của nhân dân TPHCM khi phải giãn cách xã hội kéo dài với những mức độ khác nhau. Dù vậy, đến thời điểm này, dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp. Dự báo những ngày tới số ca mắc mới vẫn còn lớn. Đặc biệt, biến chủng lần này khi bệnh nhân trở nặng thì chuyển biến xấu rất nhanh, nên TPHCM vẫn phải tiếp tục cố gắng "bóc" sớm F0 ra khỏi cộng đồng, không để lây nhiễm tiếp và tổ chức theo dõi y tế, giảm nguy cơ tử vong cho bệnh nhân. “Chúng ta đứng trước thách thức rất lớn”, Phó Thủ tướng nhận xét và cho rằng TPHCM cần chuẩn bị cơ sở thu dung F0 lớn. Với những vùng xanh, vùng vàng, Phó Thủ tướng đề nghị TPHCM nỗ lực xét nghiệm ở tần suất cao hơn để củng cố từng khu vực an toàn từ nhỏ đến lớn.
Đồng tình với ý kiến của Bí thư Thành ủy TPHCM về việc tính toán một số địa bàn quá đặc thù, để tới đây có giải pháp mạnh mẽ hơn, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, lúc này, thực hiện cách ly nghiêm ngặt là biện pháp tốt nhất để giảm sự lây lan. Vì vậy, TPHCM cần thảo luận sớm, có biện pháp cần thiết đối với một số khu vực mà xét thấy nếu duy trì như hiện nay vẫn khó kiểm soát việc giãn cách nghiêm ngặt.
Gửi lời cảm ơn đoàn công tác đã lắng nghe, chia sẻ hỗ trợ cùng TPHCM trong thời gian khó khăn này, đồng chí Nguyễn Văn Nên thông tin, TPHCM đang lấy ý kiến các chuyên gia, các bộ ngành có liên quan để chuẩn bị cho tình huống siết chặt hơn Chỉ thị 16. Việc này nhằm thực hiện cho bằng được mục tiêu đề ra là ngăn chặn, kéo giảm sự lây lan trong cộng đồng hiện nay. Đây là mục tiêu mà những ngày qua, TPHCM đề ra nhưng chưa đạt được. “TPHCM mong muốn Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và tổ công tác đặc biệt gồm lãnh đạo các bộ cùng chia sẻ, bàn bạc kịp thời để thống nhất các giải pháp hiệu quả hơn, cùng thực hiện giải pháp giãn cách theo Chỉ thị 16 có siết chặt, nâng cao, tăng cường để đạt kết quả như kế hoạch đề ra”, đồng chí Nguyễn Văn Nên bày tỏ.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhận xét, thách thức lớn nhất của TPHCM hiện giờ là giảm tỷ lệ F0 có diễn biến nặng, rất nặng. Đồng chí đánh giá cao TPHCM đã rất nỗ lực xây dựng mở rộng các trung tâm thu dung, điều trị ban đầu và cần tiếp tục việc này. Trong các trung tâm này được trang bị hệ thống oxy tập trung, đảm bảo người bắt đầu có triệu chứng được thở oxy ngay, giảm được nguy cơ tử vong. |