TPHCM dự kiến chi hơn 8.000 tỷ đồng bồi thường giải phóng mặt bằng trong quý 2

Chiều 20-4, Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM làm việc với UBND TPHCM về tình hình kinh tế - xã hội và dự thảo nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM.

Đến dự buổi làm việc có các đồng chí: Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM; Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM khóa XV; Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM; Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch HĐND TPHCM.

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên dự buổi làm việc. Ảnh: VIỆT DŨNG

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên dự buổi làm việc. Ảnh: VIỆT DŨNG

Tại hội nghị, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) thảo luận, đóng góp ý kiến về các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, phát triển kinh tế thành phố.

ĐB Trần Hoàng Ngân nhận xét, trong quý 1, TPHCM đã rất nỗ lực nhưng kết quả tăng trưởng kinh tế chưa như mong muốn, do nhiều yếu tố tác động. ĐB Trần Hoàng Ngân cho rằng, thời gian tới, thành phố cần tập trung vào 3 đòn bẩy phát triển kinh tế là đầu tư công, xuất khẩu và tiêu dùng.

Phân tích về tốc độ giải ngân vốn đầu tư công, ĐB Trần Hoàng Ngân cho rằng cần phải lưu ý đến điểm rơi của giải ngân, nhất là khâu bồi thường giải phóng mặt bằng.

Bởi, trong một dự án, ngân sách dành cho bồi thường giải phóng mặt bằng là rất lớn, trong khi quá trình này trải qua rất nhiều công đoạn và kéo dài nhiều tháng. Dự kiến đến cuối tháng 4, đầu tháng 5-2023, TPHCM sẽ giải ngân hơn 8.800 tỷ đồng bồi thường giải phóng mặt cho các dự án đầu tư công.

Ông Võ Trung Trực, Phó Giám đốc Sở TN-MT TPHCM thông tin thêm, trong năm 2023, thành phố được bố trí hơn 25.000 tỷ đồng cho công tác giải phóng mặt bằng. Đây là công việc hết sức nặng nề mà trước đây chưa từng có.

Điểm rơi của công tác giải ngân bồi thường giải phóng mặt bằng dự kiến là vào tháng 7 và tháng 8. Sở đang tập trung giải quyết các vướng mắc phát sinh, cố gắng giải ngân tối thiểu 95% vốn được giao trong năm.

Chủ tịch UBND TPHCM phát biểu. Ảnh: VIỆT DŨNG

Chủ tịch UBND TPHCM phát biểu. Ảnh: VIỆT DŨNG

Trao đổi với các ĐB, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhắc lại nguyên nhân dẫn đến tăng trưởng GRDP của thành phố trong quý 1 thấp và đã được TPHCM phân tích rõ.

Chủ tịch UBND TPHCM nhận xét, có một bộ phận cán bộ sợ sai, dẫn đến chất lượng hiệu quả hoạt động công vụ không cao, giải quyết các vướng mắc của người dân và doanh nghiệp chưa kịp thời.

Song, nguyên nhân khách quan là nền kinh tế Việt Nam, nhất là thành phố có độ mở rất cao, độ nhạy gần như đồng thời với thế giới. Do đó, những biến động của kinh tế thế giới gần như tác động trực tiếp đến thành phố.

Để thúc đẩy phát triển kinh tế trong thời gian tới, đồng chí cho biết, thành phố đã triển khai nhiều chương trình kích cầu tiêu dùng, bình ổn thị trường, kích cầu du lịch. Thành phố cũng mở thị trường rộng ra các địa phương trong cả nước và hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận các thị trường mới.

ĐBQH Trần Hoàng Ngân phát biểu. Ảnh: VIỆT DŨNG

ĐBQH Trần Hoàng Ngân phát biểu. Ảnh: VIỆT DŨNG

Bên cạnh đó, thành phố tập trung các nguồn lực thúc đẩy phát triển kinh tế, nhất là đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư công. Thành phố dự kiến trong quý 2 sẽ hoàn thành ít nhất 70% tiến độ giải phóng mặt bằng dự án đường Vành đai 3 và các dự án khác. Đây là cơ sở để trong quý 2, thành phố giải ngân vốn đầu tư công đạt khoảng 35%-40%.

Để đạt mục tiêu này, Chủ tịch UBND TPHCM khẳng định, thành phố thực hiện nhiều giải pháp, trong đó có giao trách nhiệm cụ thể với chủ đầu tư và tiến hành xem xét trách nhiệm của người đứng đầu trong thực hiện nhiệm vụ. Trong trường hợp lỗi chủ quan chậm trễ kéo dài sẽ có hình thức xử lý phù hợp, thay vì chỉ xét chi trả thu nhập tăng thêm.

Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TPHCM Văn Thị Bạch Tuyết phát biểu. Ảnh: VIỆT DŨNG

Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TPHCM Văn Thị Bạch Tuyết phát biểu. Ảnh: VIỆT DŨNG

Đồng chí Phan Văn Mãi chia sẻ, Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM vừa có phân công các đoàn công tác kiểm tra, đôn đốc và tháo gỡ các vướng mắc, nhằm đẩy nhanh tiến độ các dự án. UBND TPHCM cũng thành lập các tổ công tác tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các dự án đầu tư, đặc biệt là vướng mắc của các dự án bất động sản lớn.

Theo đồng chí, trong số 151 dự án bất động sản gặp khó khăn, vướng mắc có 35 dự án đã cơ bản được giải quyết. Với những dự án còn lại mà thuộc thẩm quyền, thành phố sẽ tập trung phân nhóm giải quyết trong thời gian sớm nhất.

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: VIỆT DŨNG

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: VIỆT DŨNG

Trao đổi với các đại biểu liên quan đến Kết luận 14 của Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh lại nội dung cốt lõi, quan trọng của kết luận này.

Đồng chí cũng chia sẻ, hệ thống pháp luật của nước ta ngày càng hoàn thiện nhưng vẫn có những quy định chưa đồng bộ, còn chồng chéo hoặc không theo kịp sự phát triển của xã hội hiện nay.

Trước yêu cầu bức bách của cuộc sống đòi hỏi phải có những việc cần làm đáp ứng yêu cầu phát triển nhưng những việc này, luật đang có mà không còn phù hợp hoặc chưa có quy định điều chỉnh kịp thời. Điều này đòi hỏi phải có cơ chế khuyến khích và bảo vệ cán bộ, để họ mạnh dạn năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung.

Từ đó, Bộ Chính trị ban hành kết luận này và giao cho các cơ quan chức năng có trách nhiệm cụ thể hóa kết luận để khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung.

Đề cập đến dự thảo nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54 của Quốc hội, Bí thư Thành ủy TPHCM chia sẻ, dự thảo nghị quyết có vận dụng tinh thần của kết luận 14.

Tin cùng chuyên mục