TPHCM lý giải về việc bổ nhiệm nhân sự phụ trách Sở GD-ĐT

Chiều 11-6, Chánh Văn phòng, người phát ngôn UBND TPHCM Hà Phước Thắng chủ trì họp báo về tình hình kinh tế -  xã hội trên địa bàn TPHCM tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2021. Tại buổi họp báo, các cơ quan báo chí đặt nhiều vấn đề mà người dân TPHCM đang quan tâm.
Chánh văn phòng UBNDTPHCM Hà Phước Thắng chủ trì họp báo. Ảnh: VIỆT DŨNG
Chánh văn phòng UBNDTPHCM Hà Phước Thắng chủ trì họp báo. Ảnh: VIỆT DŨNG

Trả lời về việc bổ nhiệm nhân sự phụ trách Sở GD-ĐT TPHCM, Chánh Văn phòng UBND TPHCM Hà Phước Thắng thông tin, đầu tháng 6-2021, UBND TPHCM đã trao quyết định phân công phó giám đốc sở này là ông Nguyễn Văn Hiếu phụ trách, điều hành chung công việc của sở.

Chánh Văn phòng UBNDTPHCM Hà Phước Thắng điều hành họp báo. Ảnh: VIỆT DŨNG

Theo ông Hà Phước Thắng, quyết định bổ nhiệm Giám đốc Sở GD-ĐT của ông Lê Hồng Sơn đã hết hiệu lực vào ngày 2-6-2021. Theo quy tắc, Ban cán sự Đảng UBND TPHCM xem xét quy trình bổ nhiệm lại và xét thấy ông Sơn đã giữ chức vụ này trong 10 năm. Do liên quan đến các quy định về thời gian giữ chức vụ nên Ban Cán sự Đảng UBND TPHCM đang xin ý kiến Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM về việc bổ nhiệm chức vụ Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM. Trong thời gian đó, phân công một nhân sự điều hành chung Sở GD-ĐT TPHCM.

Liên quan đến công tác phòng, chống dịch Covid-19, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM Nguyễn Hữu Hưng cho biết, hiện nay, tổng số các khu cách ly ở TPHCM có thể phục vụ tối đa là hơn 10.000 người. Hiện, TPHCM đang mở rộng các khu cách ly. Bên cạnh đó, TPHCM đang xây dựng kịch bản điều trị 5.000 người mắc Covid-19 ở TPHCM. Hiện nay, TPHCM đáp ứng khoảng 2.000 giường và đang làm nhiều giải pháp để trong thời gian ngắn nhất có 5.000 giường. Trong đó, Nhà thi đấu Phú Thọ cũng là một phương án, Sở Y tế TPHCM đã khảo sát và sẵn sàng để khi cần sẽ chuyển thành bệnh viện dã chiến.

Về thời gian phong tỏa ở các khu cách ly, tòa nhà chung cư, khu dân cư, theo ông Nguyễn Hữu Hưng, thời gian phong tỏa phụ thuộc vào nhiều yếu tố, như thời điểm phát hiện ca mắc Covid-19, mức độ tiếp xúc, lây lan trong khu vực. Vì thế, không có thời hạn nhất định nào, mà cần căn cứ vào các yếu tố để đánh giá nguy cơ và để khi giải tỏa thì phải thực sự an toàn cho cư dân khu vực đó. Như vậy, có những khu chưa an toàn thì thời gian phong tỏa có thể dài hơn 14 ngày.

TPHCM lý giải về việc bổ nhiệm nhân sự phụ trách Sở GD-ĐT ảnh 2  Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM Nguyễn Hữu Hưng phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: VIỆT DŨNG

Ông Nguyễn Hữu Hưng cho biết, gần đây có những tòa nhà văn phòng bị phong tỏa. Tuy nhiên, khi đã đưa những người ở đây đi cách ly, tòa nhà đã được khử khuẩn và ngành y tế đánh giá không còn nguy cơ lây nhiễm, thì tòa nhà sẽ được bỏ phong tỏa, có thể trở lại làm việc. Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM lưu ý tất cả những người khi trở lại làm việc đều phải đảm bảo đã hết thời gian cách ly.

Về ý kiến nên cách ly F1 tại nhà, ông Nguyễn Hữu Hưng cho rằng, đây là ý kiến hay và Sở Y tế TPHCM cũng đã suy nghĩ việc này. Cách ly tại nhà có ưu điểm là khi người cách ly có tâm lý thoải mái, thì sự tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch cũng dễ dàng hơn.

Hiện nay, TPHCM chỉ cách ly tại nhà với F2 và điểm khó trong việc cách ly tại nhà chính là khâu giám sát sự tuân thủ của người cần cách ly. “Theo quy định, địa phương phải giám sát, nhưng việc tiếp xúc trong nhà rất khó để giám sát. Ngành y tế sẽ đánh giá nếu nhà đó đủ điều kiện cách ly tại nhà thì mới chấp thuận, nếu không thì sẽ cách ly tập trung. Mục đích là kiểm soát được lây nhiễm”, ông Nguyễn Hữu Hưng nói.

Cũng theo ông Nguyễn Hữu Hưng, Sở Y tế TPHCM cũng đang phối hợp với Sở KH-CN TPHCM để ứng dụng công nghệ thông tin nhằm kiểm soát được sự tuân thủ khi áp dụng cách ly tại nhà.

TPHCM có trách nhiệm hỗ trợ các địa phương tiêu thụ nông sản

Trả lời về việc chợ hoa Đầm Sen được mở cửa lại để tiêu thụ hoa từ tỉnh Lâm Đồng, trong khi đây không phải là mặt hàng thiết yếu, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM Nguyễn Nguyên Phương cho biết, hiện nay nông sản các địa phương đến mùa thu hoạch, có tình trạng ùn ứ, khó tiêu thụ. Trước tình hình đó và cũng là thực hiện “mục tiêu kép” xuyên suốt từ trung ương tới địa phương, việc hỗ trợ các địa phương tiêu thụ hàng hóa là rất quan trọng. Đối với mặt hàng hoa, do giãn cách xã hội nên các hoạt động như hội thảo, đám cưới… không thể diễn ra, dẫn tới nhu cầu giảm nhiều. Dịch bệnh khiến lượng hoa ùn ứ rất nhiều.

TPHCM là thị trường tiêu thụ hoa lớn nhất cả nước. Việc giữ ổn định chuỗi sản xuất - tiêu thụ để không bị đứt gãy là rất quan trọng. Theo ông Nguyễn Nguyên Phương, trong bất cứ hoàn cảnh nào, khi các địa phương là vùng nguyên liệu cung ứng hàng hóa cho TPHCM gặp khó khăn thì TPHCM cũng có trách nhiệm san sẻ khó khăn cho các địa phương này. Do vậy, TPHCM đã thống nhất với tỉnh Lâm Đồng trong việc hỗ trợ hàng hóa lưu thông - trong đó có mặt hàng hoa - và vẫn đảm bảo phòng, chống dịch Covid-19.

Tin cùng chuyên mục