Trọng tâm 30 ngày tới của TPHCM là chiến lược điều trị, giảm tử vong

Từ nay đến 30-8, TPHCM sẽ sàng lọc, đánh giá địa bàn để từ đó áp dụng biện pháp giãn cách phù hợp. “Chúng ta đã nỗ lực rất lớn, đạt những kết quả rất lớn, chúng ta chỉ cần có tinh thần, tâm lý trường kỳ kháng chiến, trước mắt đến 15-9, nhưng cũng có thể dài hơi ở những góc độ khác nhau. New York, Ấn Độ và nhiều nơi trên thế giới, có nơi 4-5 tháng rồi chưa có chuyển biến, chúng ta cũng nên hình dung việc này với TPHCM trong thời gian tới”, đồng chí Phan Văn Mãi phân tích.

Sáng 13-8, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TPHCM tổ chức họp báo cung cấp thông tin về tình hình dịch Covid-19 và các vấn đề dư luận quan tâm. Đồng chí Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy chủ trì tại điểm cầu Thành ủy. Đồng chí Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TPHCM chủ trì tại điểm cầu Trung tâm Báo chí TPHCM.

Trọng tâm 30 ngày tới của TPHCM là chiến lược điều trị, giảm tử vong ảnh 1 Theo dõi điều trị bệnh nhân tại Bệnh viện dã chiến điều trị bệnh nhân Covid-19 tại quận Phú Nhuận. Ảnh: VIỆT DŨNG

Đảm bảo đời sống, sinh kế của bà con

 Phát biểu tại buổi họp báo, đồng chí Phan Văn Mãi, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy cho rằng, 2 tuần vừa qua Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TPHCM và các cấp đã có sự tập trung rất lớn trong việc thực hiện Chỉ thị 16 một cách triệt để hơn, đồng bộ hơn, hiệu quả hơn. Ý thức của mỗi người dân, mỗi gia đình ở mỗi cộng đồng dân cư, chung cư, nhà máy… đã có sự chuyển biến rất tốt.

Bên cạnh đó, TPHCM đã có một bước tiến tốt hơn về hệ thống tổ chức, trực tiếp quản lý chăm sóc F0 tại nhà, tại cộng đồng. Từng địa bàn xã phường, thị trấn đã nắm được chặt chẽ hơn danh sách F0 và tổ chức ráp nối với các bác sĩ, tình nguyện viên tư vấn online để thăm hỏi, tư vấn cho một số lượng ca F0 nhất định, cùng với với đội ngũ y tế cơ sở tại hiện trường giúp cho việc quản lý, chăm sóc F0 tại nhà bài bản hơn, thông suốt hơn, dù cũng chưa hoàn chỉnh nhưng đây cũng là bước tiến.

“Nếu làm tốt việc này, cùng với điều chỉnh chiến lược trong thời gian tới, chắc chắn TPHCM sẽ đạt được những kết quả tốt hơn”, đồng chí Phan Văn Mãi nhấn mạnh.

Theo đồng chí Phan Văn Mãi, TPHCM đã tập trung nâng cao năng lực điều trị tại bệnh viện trong điều kiện số ca dương tính tăng lên, số người có nhu cầu điều trị nhiều hơn, số ca chuyển nặng nhiều hơn. TPHCM đã chỉ đạo các bệnh viện quận, huyện, bệnh viện dã chiến rà soát lại nhu cầu oxy, nếu cần thiết thì tiếp tục trang bị, mở rộng thêm để sẵn sàng cho chiến dịch điều trị trong thời gian tới.

Đồng chí Phan Văn Mãi cho biết, đến giờ này Trung tâm Hồi sức Covid-19 do Bệnh viện Chợ Rẫy phụ trách đã tiếp nhận 640 bệnh nhân. Trung tâm do Bệnh viện Bạch Mai phụ trách cũng đã đi vào hoạt động 2 ngày và nhận 30 ca trong công suất 500 giường. Trung tâm do Bệnh viện Việt - Đức phụ trách cũng đã tiếp nhận 40 ca trong công suất 500 giường. Trung tâm do Bệnh viện Đại học Y dược cũng đã tiếp nhận trên 50 ca trong công suất 250 giường. Trung tâm do Bệnh viện Trung ương Huế phụ trách đang khẩn trương chuẩn bị để cuối tuần này có thể nhận bệnh nhân.

“Như vậy, tập trung cho nhiệm vụ điều trị với mục tiêu giảm tử vong, tại các bệnh viện dã chiến, bệnh viện quận, huyện, bệnh viện của TPHCM, các trung tâm hồi sức quốc gia đã khẩn trương đi vào hoạt động”, đồng chí Phan Văn Mãi đúc kết.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM cho rằng, TPHCM đã tập trung chăm lo đời sống cho người dân, hỗ trợ lương thực thực phẩm cho các gia đình khó khăn do giãn cách. Quá trình thực hiện phát sinh thêm nhiều đối tượng, TPHCM đang rà soát bổ sung để có thể hỗ trợ được tất cả mọi người. Theo đồng chí, nhiệm vụ này cần tập trung nhiều hơn do nhu cầu hỗ trợ ngày càng lớn, không chỉ đến cuối tháng này mà có thể đến ngày 15-9 và sau ngày 15-9.

Một kết quả nữa, theo đồng chí Phan Văn Mãi là nỗ lực của TPHCM trong tiêm vaccine. Đến giờ này, TPHCM đã tiêm được hơn 4,3 triệu liều, nhưng tình hình nguồn cung rất khó khăn. "Tinh thần là tổ chức tiêm các loại vaccine hiện có, vận động bà con hiểu và tự nguyện tiếp cận sớm với vaccine, giảm hậu quả có thể xảy ra", đồng chí Phan Văn Mãi nhấn mạnh và khẳng định, "TPHCM sẽ kiên trì, nỗ lực hơn trong công tác phòng, chống dịch, đảm bảo đời sống, sinh kế của bà con".

Đồng chí cũng khẳng định, TPHCM ghi nhận sự nỗ lực của lực lượng tuyến đầu trong thời gian rất dài đã lăn xả hy sinh, đóng góp rất lớn trong công tác phòng, chống dịch và TPHCM trân trọng ghi nhận sự hy sinh này, có những chính sách thỏa đáng với sự đóng góp, hy sinh này.

Tính toán mở cửa lại kinh tế phù hợp ở những địa bàn an toàn

Đồng chí Phan Văn Mãi nhận định, tình hình dịch bệnh trên địa bàn TPHCM vẫn còn diễn biến phức tạp. Số ca dương tính vẫn còn cao, số trường hợp cần điều trị còn nhiều, đặc biệt là nhu cầu so với năng lực tiếp cận điều trị của hệ thống y tế vẫn còn quá tải, số tử vong vẫn còn cao. Do vậy, nhiệm vụ đặt ra sắp tới cần hết sức tập trung, ngăn chặn nguồn lây, giảm ca dương tính, từ đó số ca chuyển nặng cũng giảm, thực hiện tốt nhiệm vụ điều trị. Vùng đỏ trên bản đồ Covid-19 của TPHCM còn nhiều, cần nỗ lực hơn nữa để xanh hóa các vùng này.

“Từ đây cho đến cuối tháng 8, hoặc đến 15-9 là thời gian rất ngắn, TPHCM cố gắng chuyển biến tình hình từng bước, tiếp tục nỗ lực chứ không phải chỉ đến 30-8 hay 15-9”, đồng chí Phan Văn Mãi nhấn mạnh và cho rằng cần có nhận thức chung, sự chuẩn bị cho công việc thời gian tới.

Theo đồng chí, Chính phủ có Nghị quyết 86 đề ra mục tiêu cho TPHCM đến 15-9 cố gắng kiểm soát được tình hình. TPHCM đang khẩn trương xây dựng kế hoạch thực hiện mục tiêu này. Trong đó, TPHCM sẽ tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.

Cụ thể, từ nay đến 30-8, TPHCM sẽ sàng lọc, đánh giá địa bàn để từ đó áp dụng biện pháp giãn cách phù hợp. “Chúng ta đã nỗ lực rất lớn, đạt những kết quả rất lớn, chúng ta chỉ cần có tinh thần, tâm lý trường kỳ kháng chiến, trước mắt đến 15-9, nhưng cũng có thể dài hơi ở những góc độ khác nhau. New York, Ấn Độ và nhiều nơi trên thế giới, có nơi 4-5 tháng rồi chưa có chuyển biến, chúng ta cũng nên hình dung việc này với TPHCM trong thời gian tới”, đồng chí Phan Văn Mãi phân tích.

Về công việc thời gian tới, đồng chí Phan Văn Mãi nhấn mạnh: Trọng tâm của 30 ngày tới là chiến lược điều trị giảm tử vong, trong đó gồm 2 trụ cột.

* Trụ cột thứ nhất là chiến lược chăm sóc điều trị F0 tại nhà, tại cộng đồng.

Với chiến lược này, xã, phường, thị trấn cần nắm chặt danh sách. Đồng thời ráp nối được với tư vấn viên, tức mỗi F0 phải được bác sĩ, tư vấn viên thăm hỏi hàng ngày và theo dõi sức khỏe, tư vấn. Bên cạnh đó, F0 cũng cần có túi thuốc do Bộ Y tế chỉ định và triển khai. Một yếu tố cần thiết nữa là phản ứng nhanh của y tế cơ sở trong trường hợp có triệu chứng. Cuối cùng là việc kết nối tầng điều trị này với các tầng còn lại. 

Theo đồng chí Phan Văn Mãi, thời gian qua, TPHCM đã làm việc này, nhưng thời gian tới cần làm mạch lạc, bài bản hơn, để kiểm soát được 80-90% số F0.


* Trụ cột thứ hai là chiến lược điều trị tại bệnh viện ở các cấp, các tầng, từ tầng 2 - tầng 5, mấu chốt là oxy.

Đối với vấn đề an sinh xã hội, đồng chí Phan Văn Mãi nhìn nhận khi kéo dài thực hiện Chỉ thị 16 thì an sinh xã hội không chỉ là cung cấp lương thực, hàng hóa thiết yếu mà còn là vấn đề giúp người dân yên tâm, không căng thẳng về tâm lý, tinh thần.

Bên cạnh việc triển khai tốt gói an sinh xã hội thứ hai và cung cấp lương thực thực phẩm, TPHCM cũng sẵn sàng cho gói thứ 3, thứ 4, triển khai đến hết tháng 9 hoặc lâu hơn nữa, đảm bảo việc chăm lo cho người dân. Ngoài ra, TPHCM cũng sẽ lưu tâm đến nhu cầu của một số đối tượng đặc thù như người già, trẻ em, phụ nữ…

Một vấn đề đặt ra với TPHCM thời gian tới là lưu thông hàng hóa, sản xuất. Nhìn nhận có tình trạng tăng giá một số mặt hàng thời gian qua, đồng chí Phan Văn Mãi cho biết, bên cạnh việc vận động tinh thần sẻ chia, các cơ quan chức năng cũng đã đang và sẽ vào cuộc xử lý nghiêm. TPHCM cũng tính toán mở cửa lại kinh tế phù hợp ở những địa bàn có thể đảm bảo an toàn.

Từ thực tiễn phòng, chống dịch 2 năm qua và gần 3 tháng cao điểm vừa rồi, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM chia sẻ thêm: Càng khó khăn càng phải chung sức đồng lòng, quyết tâm rồi càng quyết tâm hơn nữa để đạt được kết quả. Dẫn ví dụ về tình trạng người dân mấy ngày qua đi ra đường nhiều hơn, đồng chí nhắn nhủ: Chúng ta đã chịu đựng, hy sinh rồi, thì cố gắng để sự hy sinh đó mang đến kết quả. Nếu lúc này chúng ta "buông súng", không duy trì nữa thì có thể kết quả thời gian qua sẽ đổ sông, đổ biển và chúng ta cũng phải gánh chịu.

Theo đồng chí Phan Văn Mãi, về mục tiêu đến 15-9 “kiểm soát được dịch”, TPHCM sẽ cùng Bộ Y tế nghiên cứu sớm đưa ra tiêu chí cụ thể.

Tin cùng chuyên mục