Tuổi trẻ Đà Nẵng hành động vì khí hậu

Chiều 27-9, trong khuôn khổ Tuần lễ Ngoại giao Khí hậu châu Âu 2019, Phái đoàn Liên minh châu Âu phối hợp với Nhóm công tác về Biến đổi Khí hậu (CCWG) và Đại học Đà Nẵng tổ chức Hội thảo “Tuổi trẻ Hành động vì Khí hậu”.
Mọi người đồng thanh khẩu hiệu "Tuổi trẻ hành động vì khí hậu"
Mọi người đồng thanh khẩu hiệu "Tuổi trẻ hành động vì khí hậu"

Hội thảo thu hút 250 đại biểu từ các tổ chức trong lĩnh vực biến đổi khí hậu ở Việt Nam và 200 sinh viên từ các Trường Đại học, Trung học phổ thông và Trường quốc tế tại Đà Nẵng. Hội thảo thúc đẩy giới trẻ chủ động và cam kết xây dựng hành động vì biến đổi khí hậu.

Gần 500 người tham gia hội thảo "Tuổi trẻ hành động vì khí hậu"

Tại hội thảo, ông Koen Duchateau, Trưởng ban Hợp tác Phát triển của Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam cho biết, "Phong trào Thanh niên vì khí hậu nhanh chóng phát triển khắp thế giới. Đây là minh chứng cho nhận thức xã hội về biến đổi khí hậu ngày càng được nâng cao. EU đi đầu trong việc hành động vì khí hậu, giúp Việt Nam trở thành quốc gia có phát thải thấp và ứng phó được với biến đổi khí hậu”.

Hội thảo trình bày về hoạt động chuyển dịch sang năng lượng bền vững ở Việt Nam, giới thiệu hỗ trợ của EU đối với Việt Nam, các dự án ứng phó với biến đổi khí hậu ở Huế với sự tài trợ của Lux-Development; những câu chuyện cụ thể của thành phố Đà Nẵng và 5 thành phố khác của Việt Nam trong hành trình tham gia ‘sân chơi’ Thành phố Xanh quốc tế; thành công từ việc chuyển đổi sang mô hình canh tác bền vững của Hòa Vang (Đà Nẵng).

Đoàn Xuân Nhật trình bày mô hình canh tác xanh huyện Hòa Vang

Hội thảo đưa đến những ví dụ thực tế gần gũi, giúp các bạn trẻ hiểu được lối sống có ảnh hưởng thế nào đến biến đổi khí hậu. Các bạn trẻ được cung cấp minh chứng thực tiễn về cuộc sống ít carbon, thay đổi qua việc tiêu dùng hằng ngày như lựa chọn thức ăn, giảm rác thải - tái chế và tái sử dụng, lựa chọn nguồn năng lượng, tiết kiệm điện và nước…

Các bạn trẻ viết cam kết để ứng phó biến đổi khí hậu

Việt Nam là quốc gia chịu ảnh hưởng trầm trọng nhất của biến đổi khí hậu và các thảm họa do biến đổi gây ra. EU tích cực giúp Việt Nam giảm nhẹ thiệt hại nhờ đổi mới lĩnh vực năng lượng và ứng phó biến đổi khí hậu nhờ việc tài trợ cho các nghiên cứu về tác động của biến đổi khí hậu và các biện pháp thích nghi phù hợp.

Từ 2014- 2020, EU dành ngân sách 320 triệu Euro cho các chương trình liên quan tới môi trường, tài nguyên thiên nhiên và biến đổi khí hậu tại Việt Nam, cũng như 30 triệu Euro nữa cho các dự án đầu tư bền vững.

Tin cùng chuyên mục