Vụ 13 ngư dân Quảng Nam mất tích trên biển: Nỗi đau của người thân ở quê nhà

Dù đã hơn một ngày trôi qua, nhưng người nhà của những ngư dân mất tích trong vụ chìm tàu câu mực trên vùng biển Trường Sa vẫn không thôi hy vọng, họ vẫn mong chờ phép màu nào đó sẽ đưa người thân an toàn trở về.

Đợi chờ trong nước mắt

Sáng ngày 18-10, ngôi nhà nhỏ của anh Nguyễn Ngọc Pháp (một trong 13 ngư dân mất tích, trú xã Tam Quang, huyện Núi Thành) vẫn tấp nập người ra vào thăm hỏi, động viên.

Ngồi trong phòng, vợ anh Pháp là chị Phạm Thị Liên, đang mang bầu 7 tháng, cứ khóc nấc không ngừng khiến người nhà phải liên tục trấn an. Khóc xong, chị lại nhờ người dìu ra ngoài, tay cầm mấy nén nhang cầu nguyện cho chồng được bình an trở về.

Chị Phạm Thị Liên thắp nhang cầu nguyện cho chồng. Ảnh: PHẠM NGA

Chị Phạm Thị Liên thắp nhang cầu nguyện cho chồng. Ảnh: PHẠM NGA

Bà Nguyễn Thị Lự (mẹ ruột anh Pháp) cho biết, anh Pháp theo nghề biển đến nay đã gần 20 năm nhưng đây là lần đầu tiên gặp phải sự cố đau lòng như vậy.

“Từ khi nghe tin con mất tích, cả gia đình như ngồi trên đống lửa nhưng không ai dám khóc vì sợ vợ nó thấy vậy mà ngã quỵ, ảnh hưởng đến em bé trong bụng. Chỉ mong sao ơn trên phù hộ cho nó được bình an, trở về mà chăm lo cho vợ với mấy đứa con”, bà Lự vừa nói vừa gạt nước mắt.

Không chỉ có chồng mà cha của chị Liên là ông Phạm Văn Nga cũng là thuyền viên trong chuyến biển định mệnh này. Tuy nhiên, ông Nga đã được các lực lượng chức năng cứu sống trước đó và đang được đưa vào bờ.

Bà Lự đau đớn khi hay tin con trai mất tích trên biển. Ảnh: PHẠM NGA
Bà Lự đau đớn khi hay tin con trai mất tích trên biển. Ảnh: PHẠM NGA

Mẹ ruột chị Liên, bà Huỳnh Thị Lập cho biết, ông Nga năm nay 63 tuổi. Tuy tuổi đã cao nhưng vì hoàn cảnh khó khăn nên phải đi biển để lo cho kinh tế gia đình. Hay tin tàu bị chìm, chồng được cứu sống, bà Lập mừng thầm. Tuy nhiên, đến trưa ngày 17-10, nhận tin con rể là anh Nguyễn Ngọc Pháp vẫn còn mất tích, bà Lập tức tốc bắt xe từ Quảng Ngãi ra Núi Thành để phụ lo cho các cháu, đồng thời an ủi con gái trong lúc khó khăn.

“Con Liên thì may vá ngoài chợ, thu nhập chỉ đủ nội trợ trong nhà nên kinh tế chính vẫn phụ thuộc vào thằng Pháp, ba mấy đứa nhỏ. Nhỡ may có chuyện gì con nó ai lo, vợ nó bầu bí thế kia phải làm sao…”, bà Lập nghẹn ngào.

Lời hứa khi vào bờ sẽ cưới vợ cho con

Nằm trên cùng một trục đường, nhà của ngư dân Huỳnh Thanh Hải (đang mất tích) cũng đông nghẹt người, tiếng khóc như xé lòng của chị Nguyễn Thị Nhung (vợ anh Hải) vang lên từ đầu ngõ.

Ngồi thẫn thờ trên chiếc võng với đôi mắt đỏ hoe, mỗi khi có người vào thăm hỏi chị Nhung lại càng nức nở.

Chị Nhung bật khóc khi có người hỏi thăm về chồng mình. Ảnh: PHẠM NGA

Chị Nhung bật khóc khi có người hỏi thăm về chồng mình. Ảnh: PHẠM NGA

Theo chị Nhung, chuyến biển lần này anh Hải đi cùng 5 người bạn thân, tuy nhiên tất cả đều bặt vô âm tín kể từ khi nhận tin tàu chìm.

Được biết, con trai ngư dân Huỳnh Thanh Hải là anh Huỳnh Ngọc Nam vừa làm lễ dạm hỏi, cả gia đình dự kiến, sau chuyến biển này sẽ tổ chức lễ cưới cho con.

Tuy nhiên, tai họa ập tới khi tất cả vẫn chưa kịp chuẩn bị tâm lý, lời hứa của người cha khi vào bờ sẽ tổ chức lễ cưới cho con có lẽ sẽ không còn cơ hội để thực hiện.

“Dù là tia hy vọng nhỏ nhất, vẫn mong ảnh trở về để cùng gia đình lo chuyện cưới xin cho con”, chị Nguyệt đau đớn nói.

Ngồi cạnh mẹ, anh Huỳnh Ngọc Nam (con trai anh Huỳnh Thanh Hải) cho biết, chuyến biển lần này ba anh xuất phát từ ngày 5-10, tức đánh bắt được 12 ngày thì tàu gặp nạn.

“Đến bây giờ gia đình vẫn chưa tin đây là sự thật, chỉ mong cơ quan chức năng ra sức tìm kiếm, hỗ trợ hết mức để ba tôi sớm được trở về nhà”, anh Nam hy vọng.

Cơ quan chức năng thăm hỏi tại nhà của các ngư dân mất tích. Ảnh: PHẠM NGA

Cơ quan chức năng thăm hỏi tại nhà của các ngư dân mất tích. Ảnh: PHẠM NGA

Ngoài gia đình chị Phạm Thị Liên và chị Nguyễn Thị Nhung, hơn 10 gia đình khác vẫn đang ngày đêm mong ngóng tin từ khơi xa. Với họ lúc này, từng giây phút trôi qua như đang kéo đứt dần sợi dây hy vọng, niềm tin mà họ trông chờ.

Sáng cùng ngày, được sự chỉ đạo của Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh và UBND tỉnh Quảng Nam thì Đồn biên phòng cửa khẩu Cảng Kỳ Hà đã cử cán bộ, chỉ huy đến từng nhà các ngư dân để thăm hỏi, động viên tinh thần để ổn định tư tưởng cho bà con, đặc biệt là các gia đình có người thân chết và mất tích.

Chiều 18-10, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Nam đã có báo cáo nhanh về việc tàu cá QNa 90129TS và QNa 90927TS bị chìm trong khi hành nghề trên biển.

Vào lúc 15 giờ cùng ngày, Trực ban Tác chiến nhận được thông tin từ hiện trường tìm kiếm cứu nạn tàu cá QNa 90129TS báo về. Theo đó, vẫn chưa phát hiện thêm ngư dân mất tích. Tuy nhiên lực lượng tìm kiếm phát hiện nhiều ngư cụ, vật dụng trôi nổi trên mặt biển xung quanh khu vực tàu chìm (phao, ngư lưới cụ, thùng phuy, áo quần, chăn màn cá nhân…).

Theo nhận định của ông Lương Văn Viên, Thuyền trưởng tàu QNa 90129TS bị chìm cho biết, nhiều khả năng 12 thuyền viên bị mất tích đã chìm theo tàu. Nguyên nhân sau khi bị lốc xoáy làm tàu nghiêng rồi chìm rất nhanh, số ngư dân này có thể do không thoát ra kịp nên bị mắc kẹt trong khoang tàu rồi bị chìm theo tàu. Thuyền trưởng Lương Văn Viên còn cho biết thêm, khu vực tàu bị chìm có độ sâu trên vài ngàn mét nên lực lượng tìm kiếm không có khả năng trục vớt tàu bị chìm.

Còn thuyền trưởng tàu QNa 90039TS (tàu cứu vớt ngư dân của tàu QNa 90129TS) đề nghị tàu CSB 8002 tiếp nhận 40 ngư dân bị nạn và 2 thi thể để giảm tải cho tàu và đưa ngư dân vào bờ để tàu tiếp tục đi đánh bắt.

Vụ 13 ngư dân Quảng Nam mất tích trên biển: Nỗi đau của người thân ở quê nhà ảnh 5

Hải đồ các tàu của Bộ Quốc phòng và ngư dân tham gia tìm kiếm các ngư dân bị mất tích

Tin cùng chuyên mục