Bàn về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng chống thiên tai (PCTT) và Luật Đê điều tại phiên họp thứ 43 vào chiều 24-3, các ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) hầu hết tán thành việc bổ sung 2 loại hình thiên tai mới và 3 loại công trình PCTT như Tờ trình của Chính phủ.
Trước đó, đại diện cho cơ quan thẩm tra, ông Phan Xuân Dũng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội nêu nhận định, đối với cháy rừng thì có cả nguyên nhân do thiên tai và nhân tai; việc phòng chống cháy rừng đã được quy định trong pháp luật chuyên ngành về lâm nghiệp, về phòng cháy và chữa cháy.
Tuy nhiên, do tác động bất lợi của thời tiết nắng nóng, hạn hán kéo dài nên nguy cơ cháy rừng ở nhiều tỉnh/thành phố của nước ta luôn ở mức độ cao (cấp IV - nguy hiểm, cấp V - đặc biệt nguy hiểm), xảy ra trên diện rộng, đồng thời.
Thực tế, các vụ cháy rừng lớn đầu năm 2019 ở các tỉnh Điện Biên, Sơn La và Hà Tĩnh đều có nguyên nhân từ nắng nóng kéo dài và có tính chất nghiêm trọng. Việc khống chế các vụ cháy này đã vượt quá khả năng của lực lượng chức năng kiểm lâm, cảnh sát Phòng cháy chữa cháy (PCCC) trên địa bàn; phải sử dụng bộ máy của Ban chỉ huy PCTT và tìm kiếm cứu nạn để ứng phó.
Trong điều kiện thời tiết cực đoan như hiện nay, nắng nóng kéo dài, hạn hán có chiều hướng gia tăng thì nguy cơ cháy rừng càng cao; đe dọa đến tính mạng, tài sản hơn 9 -10 triệu người dân sinh sống ở trong rừng, ven rừng và gây ra nhiều hệ lụy khác.
Do vậy, cháy rừng ở cấp độ nghiêm trọng cần được xác định là một dạng thiên tai đặc thù để chủ động phòng chống, kiểm soát, huy động nguồn lực, tăng cường chỉ đạo, chỉ huy.
Quy định như vậy cũng sẽ khắc phục được hạn chế của Luật Lâm nghiệp, Luật Phòng cháy và chữa cháy khi cháy rừng ở quy mô lớn, do tác động bất lợi của tự nhiên, vượt quá khả năng khống chế của lực lượng chuyên ngành, phải huy động hỗ trợ của Ban chỉ huy PCTT. Hiện nay, việc hỗ trợ của Ban chỉ đạo, chỉ huy PCTT mới chỉ dừng ở mức tham gia ứng phó khi có sự cố nên việc bố trí nguồn lực, chỉ đạo, chỉ huy còn bị động.
Vẫn theo Chủ nhiệm Phan Xuân Dũng, nhiều quốc gia trên thế giới như Mỹ, Úc, Nhật, Brazil... đều xác định cháy rừng là một dạng thảm họa thiên nhiên.
Từ các phân tích trên, cả cơ quan soạn thảo và thẩm tra đều đề nghị UBTVQH cho phép bổ sung cháy rừng do tự nhiên là một loại hình thiên tai đặc thù. Trong văn bản dưới luật, ở nội dung về cấp độ rủi ro thiên tai, Chính phủ sẽ quy định rõ cháy rừng ở cấp độ nào sẽ thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật PCTT.