Cú huých từ khu vực Tây Bắc TP Đà Nẵng - Bài 3: Giữ hồn di sản giữa dòng đô thị hóa

Làng chài ven biển Nam Ô, di tích Hải Vân Quan và hàng loạt dự án lớn đang vẽ nên một diện mạo mới cho quận Liên Chiểu – nơi di sản và đô thị cùng song hành. Khi giá trị văn hóa bản địa được trân trọng đúng mức và kết nối khéo léo với hạ tầng hiện đại, hành trình phát triển của một địa phương sẽ mang theo cả chiều sâu lẫn bản sắc. Điều mà bất cứ đô thị nào cũng cần trong kỷ nguyên bền vững.

Khu du lịch sinh thái Nam Ô và các khu công nghiệp tạo nên diện mạo mới cho Liên Chiểu. Ảnh: XUÂN QUỲNH
Khu du lịch sinh thái Nam Ô và các khu công nghiệp tạo nên diện mạo mới cho Liên Chiểu. Ảnh: XUÂN QUỲNH

Di sản đang hồi sinh cùng du lịch trải nghiệm

Giữa nhịp sống sôi động của đô thị hóa tại quận Liên Chiểu (TP Đà Nẵng), làng chài Nam Ô vẫn giữ được nét riêng biệt của mình – một “hồn cốt” ven biển với nghề làm nước mắm thủ công có tuổi đời hơn 400 năm. Trải qua giai đoạn mai một, nghề truyền thống nay đang từng bước hồi sinh nhờ sự gắn kết với các hoạt động du lịch trải nghiệm và nỗ lực khôi phục thương hiệu địa phương.

Theo ông Trần Ngọc Vinh, Chủ tịch Hội Làng nghề truyền thống nước mắm Nam Ô, số hộ trở lại với nghề đã tăng đáng kể trong những năm gần đây. “Nếu như năm 2005 chỉ còn khoảng 20 hộ bám nghề thì nay con số này đã lên tới hàng trăm hộ sản xuất trở lại. Nam Ô gần đây còn đón được nhiều đoàn khách du lịch tham quan, trải nghiệm quá trình làm nước mắm với người dân, giúp nhiều gia đình có thêm thu nhập,” ông Vinh chia sẻ.

z6601176829976_be66c3b33755a901e6233c2aa4ed5572.jpg
Việc quảng bá, giới thiệu sản phẩm nước mắm Nam Ô đến người dân, du khách trở thành hoạt động thường xuyên trong năm. Ảnh: XUÂN QUỲNH

Không chỉ là hoạt động kinh tế, việc phục hồi làng nghề nước mắm Nam Ô còn là cách gìn giữ ký ức cộng đồng, bảo vệ bản sắc vùng miền trong quá trình phát triển đô thị. Từ chỗ từng là vùng nghèo khó, giao thông cách trở, nay Nam Ô đã “lột xác” với diện mạo khang trang, thu hút ngày càng nhiều du khách.

Ông Trần Ngọc Vinh vẫn nhớ như in thời điểm con đường ven biển Nguyễn Tất Thành chưa hình thành, khi Nam Ô chỉ là bãi cát trắng mênh mông. Muốn đi vào trung tâm phải vòng ra quốc lộ, đi bộ, đạp xe rất vất vả. Sự thay đổi hạ tầng không chỉ mở ra cơ hội du lịch, mà còn giúp các sản phẩm đặc trưng như nước mắm Nam Ô dễ dàng tiếp cận thị trường hơn. Đường đến làng Nam Ô giờ quá đỗi đơn giản với du khách. Hạ tầng giao thông phát triển không chỉ giúp kết nối khu vực mà còn giúp nước mắm Nam Ô đến tay nhiều khách hàng.

480964741_10225718467140988_9108557961084183746_n.jpg
Học sinh tham quan cụm di tích Nam Ô. Ảnh: XUÂN QUỲNH

Ông Nguyễn Ngọc Anh, Giám đốc Công ty Omega Tours nhìn nhận, việc xen kẽ làng nghề, làng chài như Đà Nẵng (làng đá Non Nước, làng nghề nước mắm…) Quảng Nam (làng nghề nước mắm cửa khe, làng nghề cẩm thanh…); nhiều nơi có cánh đồng, nuôi trồng hải sản,…tạo điều kiện thuận lợi hình thành hệ sinh thái về du lịch.

“Các khu vui chơi, giải trí, ăn uống dường như nằm ở ven biển bởi “tránh” những khu đông dân cư, không ảnh hưởng đến sinh hoạt người dân địa phương. Quan trọng, đây là những con đường giảm mật độ đông đúc cho những trục đường quốc lộ, du khách có thể vừa di chuyển vừa ngắm cảnh”, ông Ngọc Anh nhìn nhận.

Mở đường cho làng nghề vươn xa

Trong khi nghề truyền thống đang dần hồi sinh, quận Liên Chiểu cũng đang chuyển mình mạnh mẽ với hàng loạt dự án lớn như Cảng Liên Chiểu, khu phức hợp Mikazuki, khu đô thị Golden Hills, khu du lịch sinh thái Nam Ô... Việc vừa phát triển hạ tầng, vừa giữ gìn giá trị bản địa là một bài toán khó nhưng được lãnh đạo quận xác định là hướng đi không thể khác.

cây cầu hữu nghị.jpg
Tập đoàn khách sạn Mikazuki (Nhật Bản) đã đưa vào hoạt động cầu đi bộ ngắm cảnh trên đường Nguyễn Tất Thành (quận Liên Chiểu). Ảnh: XUÂN QUỲNH

Ông Huỳnh Anh Vũ, Phó Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu nhấn mạnh, giữ gìn làng Nam Ô không đơn thuần là bảo vệ một di tích, mà là gìn giữ ký ức cộng đồng, văn hóa vùng miền và một phần hồn cốt của Đà Nẵng – thành phố đáng sống không chỉ vì hạ tầng mà còn vì chiều sâu văn hóa.

Theo ông Vũ, các mô hình kết hợp bảo tồn nghề truyền thống như nước mắm, cá khô với du lịch trải nghiệm đang được xúc tiến nhằm tạo sinh kế bền vững cho người dân. Cùng với đó, quận đang đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, thực hiện nhiều dự án trọng điểm như khu du lịch Làng Vân, cụm công nghiệp Hòa Khánh Nam, tuyến đường Lê Trọng Tấn và hoàn thiện hồ sơ pháp lý, chuẩn bị triển khai thực hiện dự án mới thuộc Nghị quyết 136.

Việc thành lập phường Hải Vân trên cơ sở nhập Hòa Hiệp Bắc, Hòa Hiệp Nam và xã Hòa Bắc thuộc huyện Hòa Vang cũng đang được đặt kỳ vọng lớn trong việc kết nối đồng bộ vùng ven đô với đô thị trung tâm. Đây sẽ là bước đệm để hình thành chuỗi sản phẩm du lịch – văn hóa mang tính liên kết cao, bởi từ lâu xã Hòa Bắc là nơi sinh sống của đồng bào Cơ Tu và cũng là điểm đến về du lịch cộng đồng, trải nghiệm.

Một điểm nhấn đáng kể là di tích quốc gia đặc biệt Hải Vân Quan – tọa lạc tại “đệ nhất hùng quan” giữa mây trời lồng lộng – đã được trùng tu và mở cửa đón khách từ tháng 8-2024. Công trình không chỉ tái hiện vẻ đẹp uy nghi xưa mà còn góp phần định hình tuyến du lịch văn hóa – sinh thái đặc trưng phía Tây Bắc TP Đà Nẵng.

z5695063100493_f390ac4a920fcd49ba879dcd17b46f2f.jpg
Di tích Hải Vân Quan - nơi giáp ranh giữa địa phận thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc (TP Huế) và phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu (TP Đà Nẵng). Ảnh: XUÂN QUỲNH

Ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng nhận định, làng nghề nước mắm Nam Ô có thể kết nối với tuyến tham quan Hải Vân Quan để tạo thành cụm sản phẩm du lịch hoàn chỉnh.

“Khi các di sản được tích hợp vào hệ sinh thái du lịch hiện đại, chúng sẽ trở thành tài sản thực sự – không chỉ mang giá trị tinh thần mà còn góp phần tăng trưởng kinh tế địa phương”, ông Dũng chia sẻ.

Tin cùng chuyên mục