Đại biểu Quốc hội tranh luận "số phận" chung cư cũ

Đại biểu Quốc hội Đồng Ngọc Ba cho rằng, việc bổ sung thu hồi đất để cải tạo chung cư cũ vào diện thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội, vì lợi ích quốc gia công cộng có thể trở thành động thái “đổ thêm dầu vào lửa” trong nỗ lực cải tạo chung cư cũ, trái với các quy định của pháp luật hiện hành. Vì vậy, đại biểu đề nghị cần nghiên cứu, xem xét kỹ nội dung này.
Đại biểu Quốc hội tranh luận "số phận" chung cư cũ

Chiều 21-6, Quốc hội tiếp tục họp phiên toàn thể tại hội trường thảo luận về dự án Luật Đất đai (sửa đổi).

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cùng các đại biểu dự phiên họp ngày 21-6 của Quốc hội. Ảnh: QUANG PHÚC

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cùng các đại biểu dự phiên họp ngày 21-6 của Quốc hội. Ảnh: QUANG PHÚC

Đề nghị bổ sung thu hồi đất vì lợi ích quốc gia, công cộng

Đóng góp ý kiến đối với quy định về thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng, đại biểu (ĐB) Nguyễn Trúc Anh (Hà Nội) đề nghị bổ sung các trường hợp thu hồi đất đối với các dự án phát triển khu đô thị, cải tạo chung cư cũ, khu dân cư nông thôn, dự án chỉnh trang đô thị, dự án chỉnh trang khu dân cư nông thôn. Theo ĐB, đây là mảng trọng yếu, Nhà nước phải làm nhưng rất cần xã hội hóa việc giải phóng mặt bằng, thường tư nhân không làm hoặc khó làm.

ĐB Nguyễn Trúc Anh (Hà Nội). Ảnh: QUANG PHÚC

ĐB Nguyễn Trúc Anh (Hà Nội). Ảnh: QUANG PHÚC

Tranh luận lại ý kiến trên, ĐB Đồng Ngọc Ba (Bình Định) cho rằng, việc thu hồi đất để cải tạo chung cư cũ là không hợp lý. ĐB cho rằng việc bổ sung thu hồi đất để cải tạo chung cư cũ vào diện thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội, vì lợi ích quốc gia công cộng có thể trở thành động thái “đổ thêm dầu vào lửa” trong nỗ lực cải tạo chung cư cũ, trái với các quy định của pháp luật hiện hành. Vì vậy, ĐB đề nghị cần nghiên cứu, xem xét kỹ nội dung này.

ĐB Đồng Ngọc Ba (Bình Định). Ảnh: QUANG PHÚC

ĐB Đồng Ngọc Ba (Bình Định). Ảnh: QUANG PHÚC

Cũng liên quan đến thu hồi đất, ĐB Dương Khắc Mai (Đắk Nông) nhìn nhận, việc xác định lợi ích công cộng trong thu hồi đất là một bài toán rất khó và khó xác định lợi ích công cộng trong thu hồi đất, nếu chỉ áp dụng phương pháp loại trừ hoặc phương pháp xác định cụ thể.

Chính vì thế, khái niệm lợi ích công cộng như dự thảo luật chưa bao quát thực sự rõ ràng. ĐB đề nghị kết hợp hai phương pháp xác định lợi ích công cộng, cần xác định ai là người sử dụng đất tiếp theo.

Quy định đất xây dựng công trình trên không

Góp ý quy định về đất xây dựng công trình trên không, ĐB Nguyễn Tuấn Anh (Long An) cho rằng, pháp luật về đất đai hiện hành mới chỉ quy định về đất xây dựng công trình ngầm, công trình trên mặt đất, mà chưa có quy định về đất xây dựng công trình trên không, trong khi đây cũng là tài nguyên quan trọng có thể khai thác.

Bên cạnh đó, việc chưa quy định đất xây dựng công trình trên không còn có thể làm ngân sách Nhà nước mất đi nguồn thu. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, việc khai thác, quản lý tốt không gian trên không đã góp phần xây dựng nhiều thành phố hiện đại có cảnh quan đẹp và tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội.

ĐB Nguyễn Tuấn Anh (Long An). Ảnh: QUANG PHÚC

ĐB Nguyễn Tuấn Anh (Long An). Ảnh: QUANG PHÚC

Như vậy việc quy định về đất xây dựng công trình trên không là đáp ứng đòi hỏi thực tiễn và lấp đầy khoảng trống pháp luật về đất đai, tạo điều kiện thu hút đầu tư của doanh nghiệp nước ngoài có công nghệ tiên tiến, hiện đại.

Từ phân tích nêu trên, ĐB kiến nghị cơ quan soạn thảo báo cáo rõ về định hướng luật hóa chủ trương của Nghị quyết 18, về đất xây dựng công trình trên không, gắn với cụ thể hóa quy định quyền về mặt trong bộ Luật Dân sự đối với khoảng không gian trên mặt đất.

Ngoài ra, ĐB đề nghị, Chính phủ chỉ đạo việc tiếp tục nghiên cứu tham khảo kinh nghiệm quốc tế, bổ sung trong dự thảo Luật Đất đai về đất xây dựng công trình trên không. Đồng thời trình Quốc hội bổ sung các quy định trong Luật Xây dựng và một số luật khác để tạo hành lang pháp lý đầy đủ hơn cho vấn đề này.

Trước đó thảo luận tại tổ ngày 9-6, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cũng đề cập đến nội dung trên và kỳ vọng sớm thể chế hóa những vấn đề này vào trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Qua đó, sẽ làm khuôn khổ pháp lý cho Hà Nội, TPHCM… trong việc khai thác không gian 3 tầng (gồm tầng ngầm, mặt đất và trên không) hiệu quả nhất.

Nguyễn Duy Thanh (Cà Mau) nhìn nhận, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) có tác động lớn đến hàng triệu người dân, hàng triệu doanh nghiệp và rất nhiều lĩnh vực khác… Thực trạng là thời gian qua có những nội dung của luật có cách diễn giải áp dụng theo nhiều cách khác nhau ở từng luật khác nhau, gây khó khăn, lãng phí cho người dân và doanh nghiệp, cơ quan quản lý.

Vì vậy, ĐB đề nghị Chính phủ cần phải có kế hoạch rà soát, sửa đổi, bổ sung quy định các luật khác như Luật Quản lý tài sản công, Luật Đấu giá tài sản, Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư, các Luật về thuế… để đảm bảo đồng bộ với Luật Đất đai (sửa đổi) nói riêng và đảm bảo tính đồng bộ nhất quán của hệ thống vi phạm pháp luật liên quan đến đất đai nói chung khi dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) được Quốc hội thông qua.

Tin cùng chuyên mục