

Phó Tổng Giám đốc VNPT Phan Hoàng Đức trả lời trước tòa
Sáng nay, 23-4, phiên tòa xét xử Nguyễn Lâm Thái và đồng phạm bước sang ngày làm việc thứ tám với phần hội đồng xét xử, công tố viên và các luật sư tập trung thẩm vấn đại diện của Tập đoàn Bưu chính viễn thông (VNPT), tham dự phiên tòa với tư cách là nguyên đơn dân sự.
“Ông xác định thiệt hại của tập đoàn trong vụ án này là bao nhiêu?”, tòa hỏi. Không đi thẳng vào việc trả lời câu hỏi này, Phó Tổng Giám đốc VNPT Phan Hoàng Đức “mở màn” bằng việc kể lể công trạng của 33 bị cáo nguyên là những giám đốc, cán bộ của 12 bưu điện các tỉnh bị xét xử về tội “Cố ý làm trái”.
Theo ông Đức, cả 33 bị cáo này đều là những người có kinh nghiệm trong công tác, có nhiều đóng góp cho đất nước, cho ngành bưu điện, có người từng tham gia đấu tranh giải phóng dân tộc.
Việc có đến 33 cán bộ bưu điện phải ra tòa hôm nay là tổn thất rất lớn của ngành và khó lòng bù đắp được… Tòa ngắt lời và đề nghị vị “Phó tổng VNPT” yêu cầu trả lời thẳng câu hỏi của tòa. “Thưa HĐXX, chúng tôi không xác định cụ thể thiệt hại là bao nhiêu, đó là tài sản của nhà nước nên tại phiên tòa này chúng tôi tin tưởng vào phán quyết của tòa là đúng đắn để thu hồi lại tài sản cho nhà nước”, ông Đức trả lời.
“Ông nói là thiệt hại tài sản của nhà nước, ở đây VNPT là nguyên đơn dân sự nên ông phải có những yêu cầu chính thức về những thiệt hại đã xảy ra”, tòa nhắc. Đại diện VNPT: “Chắc quý tòa hỏi về thiệt hại về vật chất. Chúng tôi có thông tin về thiệt hại trên cáo trạng và tin tưởng số liệu đó là đúng và tại tòa còn thiệt hại này cụ thể như thế nào chúng tôi không xác định được thiệt hại đó là bao nhiêu mà chỉ chờ đợi phán quyết của tòa”.
Tham gia xét hỏi, vị đại diện Viện Kiểm sát (VKS) hỏi đại diện VNPT: “Qua cáo trạng ông chưa rõ được thiệt hại?”. “Thưa tôi rất tôn trọng đánh giá của cơ quan điều tra về giá trị thiệt hại trong vụ án”, ông Đức trả lời.
Có lẽ do “chịu hết nổi” trước kiểu trả lời theo kiểu “mập mờ” của đại diện VNPT, đại diện VKS nhắc: “Sau khi có cáo trạng, VKSND Tối cao gửi cho VNPT, ngay sau đó VNPT có văn bản xác nhận con số thiệt hại là 47 tỷ đồng, trong đó có các bưu điện đã khắc phục trên 35 tỷ đồng, còn hơn 11 tỷ đồng hiện các bưu điện An Giang và Ninh Thuận chưa khắc phục xong. Tôi nhắc như vậy để ông nhớ rằng số tiền thiệt hại đã được chúng tôi xác định rõ trong cáo trạng”.
Xoáy vào sự “mập mờ” của vị đại diện VNPT, luật sư Phạm Hữu Tình hỏi: “VNPT đã có đơn gửi cho các cơ quan tố tụng yêu cầu bồi thường thiệt hại?”. “Chưa”, ông Đức trả lời. “Cáo trạng quy buộc Nguyễn Lâm Thái và đồng bọn gây thiệt hại trên 24 tỷ đồng, con số này có đúng không?”, luật sư Tình hỏi tiếp. Câu hỏi này vị đại diện VNPT trả lời lòng vòng và không xác định đúng hay sai.
Tuy nhiên khi luật sư Trương Thị Hòa hỏi dựa vào cơ sở nào VNPT tính được thiệt hại là 47 tỷ đồng thì vị đại diện VNPT lại cho rằng căn cứ vào kết quả thẩm định giá của cơ quan điều tra. Khi bị các luật sư hỏi dồn: “Vậy cuối cùng VNPT thiệt hại 47 tỷ hay 24 tỷ”, vị đại diện VNPT không trả lời cụ thể mà đẩy sang tòa theo kiểu: “Thiệt hại bao nhiêu, tùy tòa”!
Cuối buổi sáng nay, kết thúc phần thẩm vấn, tòa chuyển sang phần tranh luận với phần đại diện VKSND tỉnh Đồng Nai thừa ủy quyền của VKSND Tối cao giữ quyền công tố tại phiên tòa công bố bản luận tội. Dự kiến chiều nay, công tố viên sẽ công bố đề nghị mức án dành cho các bị cáo.
VĨNH NGUYÊN
Thông tin liên quan:
* Xét xử vụ án Nguyễn Lâm Thái và đồng bọn - Kêu oan tội danh, xin xem lại thiệt hại
* Ngày thứ 6 xét xử vụ án Nguyễn Lâm Thái và đồng bọn:“Điệp khúc” so bì và đổ lỗi
* Xét xử vụ án Nguyễn Lâm Thái và đồng bọn: Nguyên lãnh đạo bưu điện các tỉnh “đòi công bằng”!
* Ngày thứ 4 xét xử vụ án tham nhũng tại các bưu điện, “thầy đổ bóng, bóng đổ thầy”!