Điện ảnh Việt Nam nên tránh vết xe đổ "hài nhảm" mà Thái Lan từng mắc phải

“Thái Lan từng đi vào vết xe đổ đó nên Việt Nam cần thận trọng tránh, bằng cách tìm ra hướng đi mới, tận dụng nguồn nhân tài tốt thay vì chỉ tập trung phim hài nhảm, mua nước mắt người xem”, ông Raymond Phathanavirangoon, cựu lãnh đạo Chương trình đào tạo dành cho các nhà làm phim Đông Nam Á (SEAFIC) chia sẻ.

Trong khuôn khổ LHP quốc tế TPHCM (HIFF) 2024, sáng 8-4, tại TPHCM diễn ra buổi hội thảo thứ hai với chủ đề “Tương lai của điện ảnh Đông Nam Á”.

Trong phần trao đổi của mình tại hội nghị, ông Raymond Phathanavirangoon nhận định, Việt Nam là nơi có nhiều nhà làm phim trẻ tài năng. Tuy nhiên, ông cũng đặt ra quan ngại khán giả Việt đang già đi. Theo ông, nếu phim thương mại chỉ chiếu lại cùng một chủ đề về các câu chuyện buồn thảm để lấy nước mắt người xem, điều này không có gì mới và có thể khiến khán giả cảm thấy chán phim bản địa.

“Thái Lan từng đi vào vết xe đổ đó nên Việt Nam cần thận trọng tránh đi, bằng cách tìm ra hướng đi mới, tận dụng nguồn nhân tài tốt thay vì chỉ tập trung phim hài nhảm, mua nước mắt người xem”, ông Raymond Phathanavirangoon chia sẻ.

z5327479743168_9572bf12b29d37be000f9a8361a97d1e.jpg
Ông Raymond Phathanavirangoon thẳng thắn bày tỏ quan điểm về điện ảnh Việt

Hội thảo gồm 3 phiên thảo luận.

Phiên 1 có chủ đề “Xây dựng hệ sinh thái điện ảnh bền vững tại Đông Nam Á”. Từ góc nhìn của mình, các diễn giả đã cùng nhau chia sẻ về kinh nghiệm của các quốc gia như Hoa Kỳ, Malaysia, Indonesia,… trong công tác xây dựng chiến lược cho một ngành công nghiệp điện ảnh bền vững và mô hình hợp tác giữa các bên liên quan để phát triển.

Theo các chuyên gia, một hệ sinh thái điện ảnh bền vững cần quan tâm đến các yếu tố, bao gồm: thị hiếu của khán giả, giá trị mang đến cho xã hội, tính kết nối trong cộng đồng, nguồn vốn đầu tư vào sản xuất các tác phẩm và tìm kiếm, đào tạo nguồn nhân lực trẻ cho sự phát triển lâu dài, mới mẻ trong ngành điện ảnh.

Theo ông Ed Lejano, Giám đốc nghệ thuật QCINEMA IFF: “Sự bền vững trong hệ sinh thái phim là do sự tài trợ của chính phủ và giá trị mà phim ảnh mang đến cho người xem, cộng đồng nói chung. Nó bao gồm tính tương hỗ, tính làm giàu và tính mở rộng”.

z5327473427749_6f708d2dc334d34d5854a6cd5aa11c70.jpg
Các phiên thảo luận có sự tham gia của nhiều chuyên gia trong và ngoài nước

Bà Manijeh Fata, Giám đốc điều hành Ủy ban phim San Francisco cũng chia sẻ: “Tôi nghĩ nên có cơ chế thu hút thế hệ trẻ trong lĩnh vực này, có thể bắt đầu từ khuyến khích họ thực hiện các bộ phim ngắn và phát triển thành các phim dài”.

Phiên 2 với chủ đề “Bồi dưỡng tài năng mới: Chương trình cố vấn và liên hoan phim”. Tại phần thảo luận này, các diễn giả đề cập đến các chương trình đào tạo và ươm mầm các tài năng trẻ. Trong đó, nhấn mạnh đến vai trò của các LHP quốc tế trong việc hỗ trợ các nhà làm phim mới. Những yếu tố đó sẽ góp phần tạo nên bệ phóng vững chắc cho các nhà làm phim trẻ.

Ông Anderson Le, Giám đốc nghệ thuật - LHP Hawaii, Giám đốc giám tuyển HIFF, cho rằng, LHP như một cánh cửa cho các tài năng trẻ, là nơi các nhà sản xuất và đầu tư có thể tìm tài năng mới và tiếng nói mới trong lĩnh vực này.

“Có nhiều chương trình, hạng mục hỗ trợ ở khu vực Đông Nam Á và quan trọng nhất là nhà làm phim cần nghiên cứu, tìm hiểu và cân nhắc thật kỹ các yếu tố để lựa chọn nơi phù hợp với định hướng phát triển của mình”, ông Anderson Le nói thêm.

z5327473422005_c7465f28352654fb2eefcfb48370824a.jpg
Không khí hội thảo thu hút khá đông khách mời tham dự

Phiên 3 có chủ đề “Tương lai của nguồn tài trợ phim ở Đông Nam Á”. Tài chính luôn là yếu tố quan trọng trong phát triển ngành công nghiệp điện ảnh. Từ góc độ là nhà đầu tư, các chuyên gia chia sẻ về những nhân tố của dự án phim mà họ chú trọng để đầu tư vào các bộ phim.

“Tôi cần hiểu xem tầm nhìn bộ phim là gì và vai trò của tôi trong bộ phim đó là gì. Ngoài ra, việc đồng sản xuất cũng giúp chúng ta kết hợp và chia sẻ với nhau về nguồn vốn, nguồn nhân lực và quản trị rủi ro tốt hơn”, ông Si En Tan, Giám đốc quản lý Momo Film chia sẻ.

Tin cùng chuyên mục