Doanh nghiệp cam kết bình ổn giá thịt heo

Trước tình hình giá thịt heo tiếp tục leo thang, hiện đã lên mức 90.000 đồng/kg heo hơi (giá thời điểm bình thường chỉ có 50.000-53.000 đồng/kg); trong khi lượng thịt heo nhập khẩu về vẫn chưa đủ bù lượng thiếu hụt, ngày 17-12, Bộ Công thương đã lên tiếng về vấn đề này.
Pha lóc thịt heo cung ứng bình ổn thị trường. Ảnh: THÀNH TRÍ
Pha lóc thịt heo cung ứng bình ổn thị trường. Ảnh: THÀNH TRÍ

Bộ Công thương thống kê, trong 10 tháng năm 2019, lượng thịt heo nhập khẩu vào Việt Nam 96.000 tấn, tăng 101,7% so với cùng kỳ năm trước. Lượng nhập khẩu này chưa bù đắp được lượng thiếu hụt và chủng loại thịt mà người dân thường có nhu cầu tiêu dùng trong dịp tết. 

Theo Luật Thú y và Luật An toàn thực phẩm, việc kiểm soát nhập khẩu mặt hàng thịt heo do Bộ NN-PTNT chủ trì thực hiện. Đơn vị được giao kiểm soát, cấp phép nhập khẩu thịt heo là Cục Thú y của Bộ NN-PTNT. Tại Kết luận số 399/TB-VPCP ngày 19-11 vừa qua, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã giao Bộ NN-PTNT có trách nhiệm lo phần thiếu hụt còn lại, “phối hợp với Bộ Công thương để tính toán, đề xuất cụ thể số lượng cần nhập khẩu từ các đối tác thương mại có quan hệ hai chiều với nước ta”.

Bộ Công thương đã phối hợp chặt chẽ với Bộ NN-PTNT hướng dẫn và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp chế biến, doanh nghiệp phân phối thực phẩm, nhất là các doanh nghiệp đăng ký tham gia chương trình bình ổn thị trường tại các địa phương nhập khẩu lượng thịt heo thiếu hụt để bình ổn thị trường dịp cuối năm và dịp tết sắp tới. 

* Ngày 17-12, Sở Công thương TPHCM làm việc với các sở ngành chức năng để tìm giải pháp ổn định thị trường mặt hàng thịt heo từ nay đến Tết Canh Tý 2020. Theo bà Nguyễn Huỳnh Trang, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM, hiện tại, mặt hàng thịt heo vẫn đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng hàng ngày. Tuy nhiên, do giá cả tăng khá cao, tâm lý ngại dịch bệnh và ngại mua chợ truyền thống của người tiêu dùng, nên sản lượng tiêu thụ thịt heo tại chợ và một số siêu thị giảm. Riêng sản lượng thịt heo tiêu thụ tại hệ thống điểm bán hàng bình ổn thị trường như Saigon Co.op, Satra, Vissan… tăng khoảng 30% do giá ổn định, đảm bảo chất lượng, có truy xuất nguồn gốc. Bên cạnh đó, sản lượng tiêu thụ các mặt hàng như thịt gia cầm, rau củ quả đều tăng 10%-15% nhờ giá ổn định.

Các sở ngành đã cơ bản thống nhất một số giải pháp về giá và nguồn cung thịt. Một số doanh nghiệp chủ động được nguồn heo hơi do tự chăn nuôi như Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn, CP Việt Nam đều cam kết cung ứng tăng sản lượng bình ổn thị trường với giá bán đã được Sở Tài chính công bố. Kiến nghị UBND TP duy trì mức giá do Sở Tài chính đã công bố ngày 13-11-2019; đề xuất UBND TP có văn bản chỉ đạo Sở TT-TT, Ban Quản lý an toàn thực phẩm thông tin rộng rãi đến người dân TP về tăng cường sử dụng nguồn thịt heo đông lạnh nhập khẩu thay thế thịt heo nóng hoặc sử dụng các mặt hàng thay thế như thịt gà, thịt gia cầm, trứng gia cầm và các loại thủy hải sản như tôm, cua, cá. 

Theo bà Nguyễn Huỳnh Trang, người tiêu dùng có thể yên tâm về chất lượng thịt đông lạnh, trong khi giá thấp hơn khá nhiều so với thịt heo nóng. Việc tăng cường sử dụng thịt đông lạnh cũng nhằm giảm bớt sự căng kéo về nguồn thịt nóng trong dịp giáp tết. Nếu người tiêu dùng chuyển hướng sang sử dụng thịt heo đông lạnh và các loại thực phẩm tươi sống khác, chắc chắn nguồn thịt sẽ không bị thiếu hụt và giá bán cũng không quá cao.

Tin cùng chuyên mục