
Ngày 6-4, cuộc họp khẩn của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc (HĐBA LHQ) thảo luận vụ phóng tên lửa của CHDCND Triều Tiên đã kết thúc sau 3 giờ đồng hồ mà không đạt được thỏa thuận về cách thức phản ứng đối với động thái này của Bình Nhưỡng.

Vụ phóng tên lửa của CHDCND Triều Tiên trở thành đề tài “nóng” trên báo chí.
Mặc dù hầu hết các nước trong HĐBA đều bày tỏ lo ngại về vụ phóng tên lửa và kêu gọi Bình Nhưỡng trở lại bàn đàm phán 6 bên nhưng sự bất đồng lộ rõ khi các bên bàn tới những phản ứng cần thiết đối với hành động trên của Triều Tiên, với một bên do Mỹ, Nhật Bản đứng đầu và bên còn lại gồm Nga và Trung Quốc.
Trong khi Washington và Tokyo muốn một nghị quyết siết chặt các biện pháp trừng phạt hiện nay đối với Bình Nhưỡng, thì Mátxcơva và Bắc Kinh đề nghị các bên kiềm chế. Cuộc họp khẩn cấp của HĐBA được triệu tập theo đề nghị của Mỹ và Nhật Bản sau vụ phóng tên lửa của Bình Nhưỡng, được cho là tên lửa 3 tầng Taepodong-2 có tầm bắn ước tính 6.700km.
Mỹ và Nhật Bản lên án vụ phóng và cho rằng, Bình Nhưỡng đã vi phạm Nghị quyết 1718 của HĐBA được thông qua tháng 10-2006 cấm nước này tiếp tục thực hiện các vụ thử hạt nhân hoặc phóng tên lửa đạn đạo.
Đại sứ Mỹ tại LHQ Susan Rice khẳng định, các nước sẽ tiếp tục tham vấn trong những ngày tới để nhất trí được về một phản ứng rõ ràng và mạnh mẽ của HĐBA. Trong khi đó, các nhà ngoại giao tại LHQ cho rằng, Trung Quốc và Nga có thể sẽ phủ quyết bất cứ nỗ lực nào của Mỹ cũng như các đồng minh phương Tây của Washington nhằm tìm kiếm lệnh trừng phạt mới đối với Bình Nhưỡng. HĐBA LHQ sẽ mở những phiên họp mới để thảo luận về vấn đề này, nhưng khả năng có một lệnh trừng phạt mới sẽ khó diễn ra nếu các nước không thu hẹp những bất đồng.
Trước sự phản ứng của dư luận thế giới, Bình Nhưỡng vẫn khẳng định, một vệ tinh truyền thông đã được phóng thành công lên quỹ đạo và đang truyền dữ liệu về cho nước này. Giới quan sát cho rằng, Bình Nhưỡng đang dựa vào Hiệp ước 1967 do LHQ ban hành: mọi quốc gia được tự do thám hiểm ở không gian mà không bị sự phân biệt đối xử nào. Và khác với những lần phóng tên lửa “âm thầm” khác, lần này CHDCND Triều Tiên đã công bố thời điểm trước khi thực hiện vụ thử một cách rộng rãi trên các phương tiện truyền thông.
Đây cũng là một trong những động thái có tính toán rất kỹ càng của nước này trước khi đối mặt với một lệnh trừng phạt mới. Theo giới phân tích, HĐBA LHQ sẽ phải mất nhiều ngày thảo luận mới đạt được một thỏa thuận nhưng sẽ chỉ là một nghị quyết hoặc một tuyên bố không có tính ràng buộc. Trong đó tái khẳng định các biện pháp trừng phạt Triều Tiên hiện nay.
Cùng ngày, Hãng thông tấn KCNA của CHDCND Triều Tiên đưa tin, lãnh đạo Kim Jong-Il đã tới thăm Trung tâm Chỉ huy và kiểm soát vệ tinh tại Musundan-ri để quan sát vụ phóng.
N.P. (Theo AFP, THX)
Thông tin liên quan
>> CHDCND Triều Tiên phóng tên lửa tầm xa
>> CHDCND Triều Tiên hoàn tất quá trình chuẩn bị phóng vệ tinh
>> Thủ tướng Nhật Bản: Hôm nay, CHDCND Triều Tiên có thể phóng vệ tinh
>> CHDCND Triều Tiên bắt đầu tiếp nhiên liệu cho tên lửa
>> CHDCND Triều Tiên cảnh cáo Mỹ, Nhật Bản
>> Nhật Bản kêu gọi CHDCND Triều Tiên không phóng tên lửa
>> Chuyên gia Iran giúp CHDCND Triều Tiên phóng tên lửa?
>> Nhật Bản triển khai tên lửa Patriot để bắn hạ tên lửa Triều Tiên
>> Mỹ - Hàn - Nhật: Rầm rộ triển khai lực lượng đối phó với tên lửa CHDCND Triều Tiên
>> Nhật Bản chuẩn bị đối phó tên lửa CHDCND Triều Tiên