Học sinh tại Củ Chi vui mừng vì được tiêm vaccine

“Hơn 5 tháng ở nhà buồn ơi là buồn, được UBND huyện mời đi tiêm vaccine Covid-19 em mừng quá. Vậy là chúng em sắp được gặp lại thầy cô và mái trường thân yêu rồi” – em Nguyễn Thị Bích Huyền, học sinh lớp 12A1 Trường THPT Củ Chi vui mừng chia sẻ khi được tiêm chủng tại Trường Tiểu học Thị trấn Củ Chi (huyện Củ Chi, TPHCM) sáng 27-10. Đây là những học sinh đầu tiên của TPHCM, cũng như của cả nước được tiêm vaccine phòng Covid-19.
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức thăm hỏi và động viên các em học sinh. Ảnh: CAO THĂNG 

Tới thăm hỏi và động viên các em học sinh có Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức; Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Nguyễn Văn Hiếu; Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Dương Chí Dũng; Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM Nguyễn Hữu Hưng; Chủ tịch UBND huyện Củ Chi Phạm Thị Thanh Hiền.

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức kiểm tra điểm tiêm vaccine tại Củ Chi. Ảnh: CAO THĂNG

Em Nguyễn Thị Băng Tâm, học sinh lớp 12A12 Trường THPT Củ Chi hào hứng nói: “Em thấy rất may mắn và hạnh phúc khi là một trong những học sinh đầu tiên của thành phố được tiêm chủng.”

Ông Nguyễn Duy Phương, phụ huynh của học sinh Băng Tâm kể, thấy con cả đêm nhắn tin hỏi bạn bè ai được tiêm chủng, ai phải đợi ngày tới… tôi phải nhắc con ngủ sớm để có sức khoẻ sáng đi tiêm. Từ sáng sớm, ba con đã thức dậy chuẩn bị rồi. Không chỉ mấy đứa nhỏ mừng không đâu, người lớn cũng vui lây và yên tâm vì sẽ bớt lo con bị nhiễm bệnh. Con thứ 2 của tôi đang học lớp 10A3, Trường THPT Trung Lập cũng nôn nóng không kém, hỏi khi nào con mới được tiêm giống chị? Tôi mong con thứ 2 cũng sẽ được tiêm trong những ngày tới.

Các em học sinh được khám sàn lọc trước tiêm. Ảnh: CAO THĂNG

Không riêng gì ông Phương, bà Phạm Thị Hồng Nữ (49 tuổi) bày tỏ, mừng quá, không biết nói sao nữa. Tối qua con tôi vui như tết. Chị Nữ chia sẻ thêm: “Nói thật, tôi lúc nào cũng canh cánh trong lòng vì nhà có 3 sắp nhỏ đều là học sinh phổ thông chưa được tiêm chủng. Nay con gái đầu (học sinh Lại Thị Thanh Trúc, lớp 12A11, Trường THPT Củ Chi) được tiêm vaccine, tôi rất mừng. Việc này sẽ giúp con tôi sớm được tới trường, do đây là năm cuối cấp, kiến thức rất rộng, được trao đổi bài vở trực tiếp với thầy cô, bạn bè sẽ thuận lợi hơn rất nhiều”.

Những học sinh đầu tiên của TPHCM, cũng như của cả nước được tiêm vaccine phòng Covid-19. Ảnh: CAO THĂNG

Trong sáng 27-10, huyện Củ Chi tổ chức tiêm cho 1.500 học sinh của 3 Trường THPT Củ Chi; THPT Tân Thông Hội và Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Củ Chi. Tất cả các em đều là học sinh cuối cấp.

Cô Trương Thị Thu Thủy, giáo viên chủ nhiệm lớp 12A4, Trường THPT Củ Chi chia sẻ, lớp có 40 học sinh, trong buổi sáng nay có 38 em tới tiêm chủng. “Lớp tôi hôm nay vắng 2 học sinh do 1 em là F0 và 1 em bị sốt tối qua. Tất cả phụ huynh trong lớp đều đồng thuận và rất an tâm khi cho con đi tiêm chủng” – cô Thu Thủy cho hay.

Theo ông Dương Chí Dũng, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM, qua sự phối hợp nhịp nhàng giữa hai sở giáo dục và y tế, được sự chấp thuận của UBND TPHCM nên các công đoạn chuẩn bị từ cơ sở vật chất đến nhân lực được triển khai chu đáo, đảm bảo an toàn. 

Huyện Củ Chi cho học sinh phân luồng, khai báo y tế, đăng ký tiêm tại trường học của các em rồi mới được thầy cô giáo chủ nhiệm đưa đến điểm tiêm chủng rất khoa học, tránh tập trung đông người. “Sáng nay công việc tổ chức của huyện Củ Chi tại điểm tiêm chủng rất tốt. Qua buổi tiêm hôm nay, liên sở giáo dục và y tế sẽ có buổi sơ kết, đánh giá, rút kinh nghiệm, sau đó báo cáo UBND TPHCM để quyết định tiêm đại trà ra các quận, huyện và TP Thủ Đức” – ông Dương Chí Dũng nói.
Các em học sinh được theo dõi sau tiêm chủng ít nhất 30 phút. Ảnh: CAO THĂNG

Cũng theo ông Dương Chí Dũng, sáng nay, toàn TPHCM chỉ tổ chức 1 điểm tiêm vaccine Covid-19 cho học sinh tại huyện Củ Chi. Buổi chiều mới tiêm chủng cho hơn 300 học sinh của quận 1 tại Trường THCS - THPT Lương Thế Vinh. Giải thích về việc này, ông Dương Chí Dũng cho hay, quận 1 là quận trung tâm, tập trung đông dân cư và lưu lượng phương tiện, người tham gia giao thông đông, phức tạp… do đó, kế hoạch trong sáng nay quận 1 sẽ tổ chức 3 điểm tiêm chủng cho khoảng 2.000 học sinh được hoãn lại để cơ quan y tế, giáo dục và địa phương tập dượt các phương án phân luồng, đón tiếp phụ huynh học sinh cho an toàn, chu đáo.

Chủ tịch UBND huyện Củ Chi Phạm Thị Thanh Hiền cho biết, toàn huyện Củ Chi có 51.095 trẻ từ 12-17 tuổi. Trong đó, số trẻ từ 12-17 tuổi là 16.118 em; 14.903 trẻ trong độ tuổi 14-16 và 20.074 trẻ 12-14 tuổi. Huyện tổ chức 6 điểm tiêm chủng cố định tại các trường học. Tại mỗi địa điểm có nhiều bàn tiêm, mỗi bàn có 4 nhân sự. Đội tiêm chủng chủ yếu là y bác sĩ, điều dưỡng của Trung tâm y tế huyện và trạm y tế trên địa bàn; phòng y tế huyện sẽ điều động các đội tiêm từ các bệnh viện công lập, ngoài công lập và phòng khám đa khoa để hỗ trợ y tế địa phương.

Để đảm bảo an toàn cho học sinh khi đến tiêm chủng, bà Phạm Thị Thanh Hiền khẳng định, các đội tiêm đảm bảo các yêu cầu chuyên môn về tiêm chủng; đảm bảo khoảng cách giữa các khâu trong 1 dây chuyền tiêm và giữa các dây chuyền tiêm tại 1 địa điểm; chia nhiều buổi tiêm, mỗi buổi với số lượng phù hợp. Đồng thời, kiểm soát chặt chẽ, đảm bảo phân luồng 1 chiều đối với trẻ đến tiêm từ bước tiếp đón đến bước cấp giấy xác nhận, kể cả đối với trẻ hoãn tiêm hoặc chống chỉ định; đảm bảo nhập liệu đầy đủ thông tin và kết quả của trẻ đến tiêm trên Hệ thống tiêm chủng vaccine phòng Covid-19. Cha mẹ, người giám hộ thực hiện ký phiếu đồng ý tiêm chủng (nếu đồng ý tiêm chủng cho trẻ).

Sau khi trẻ được tiêm chủng sẽ được cấp giấy xác nhận đã tiêm vaccine Covid-19. Ảnh: CAO THĂNG

Mặt khác, công tác khám sàng lọc cho trẻ được triển khai cẩn trọng, đầy đủ trước khi tiêm, nhằm kịp thời phát hiện những trường hợp chống chỉ định hoặc tạm hoãn. Cùng với đó, theo dõi người được tiêm chủng ít nhất 30 phút sau tiêm và hướng dẫn gia đình hoặc đối tượng tiêm tiếp tục theo dõi ít nhất 7 ngày sau tiêm, cung cấp số điện thoại của trung tâm y tế hoặc trạm y tế để người được tiêm chủng liên hệ khi cần. Sau khi trẻ được tiêm chủng sẽ được cấp giấy xác nhận đã tiêm vaccine Covid-19.

Bên cạnh đó, địa phương còn bố trí các đội cấp cứu lưu động hoặc có đội cấp cứu sẵn sàng hỗ trợ khi có thông báo sự cố tại các điểm tiêm chủng để xử lý kịp thời các trường hợp tai biến sau tiêm chủng nếu có. 

Tại tất cả các điểm tiêm chủng chuẩn bị đầy đủ hộp thuốc cấp cứu phản vệ và trang thiết bị cấp cứu; xây dựng phương án, quy trình phối hợp giữa điểm tiêm và cơ sở khám chữa bệnh gần nhất nhằm đảm bảo xử trí cấp cứu cho các trường hợp sự cố sau tiêm trong buổi tiêm chủng.

Tin cùng chuyên mục