Chiều 4-3, tại Hà Nội, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức phiên họp thứ hai Ban Chỉ đạo công tác bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Đồng chí Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Trưởng Ban Chỉ đạo bầu cử Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam chủ trì phiên họp.
Hội nghị tập trung thảo luận về kế hoạch kiểm tra, giám sát công tác bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Theo đó, dự kiến từ ngày 15-3 đến ngày 13-4 sẽ bắt đầu đợt 1 kiểm tra, giám sát công tác bầu cử. Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam sẽ tổ chức 5 đoàn kiểm tra, giám sát công tác bầu cử. Mỗi đoàn kiểm tra giám sát tổ chức đi kiểm tra, giám sát tại 3 địa phương cấp tỉnh và 1 địa phương cấp huyện ở mỗi tỉnh.
Giám sát của MTTQ Việt Nam sẽ kiểm tra tập trung vào 8 nội dung: việc quán triệt các văn bản chỉ đạo triển khai công tác bầu cử; việc hướng dẫn triển khai, tổ chức tập huấn các nội dung về chức năng, nhiệm vụ của MTTQ Việt Nam tham gia công tác bầu cử; hướng dẫn thực hiện các quy trình giới thiệu người ứng cử; công tác tuyên truyền về bầu cử; kết quả thực hiện các quy trình giới thiệu người ứng cử; việc hiệp thương, giới thiệu người ứng cử ĐBQH, đại biểu HĐND; việc nộp hồ sơ ứng cử của người ứng cử, người được giới thiệu ứng cử; việc tổ chức lấy ý kiến cử tri nơi cư trú đối với người ứng cử.
Đồng chí Trần Thanh Mẫn đề nghị, việc tổ chức các đoàn giám sát phải thiết thực, tránh trùng lặp. Qua công tác kiểm tra, giám sát, phát hiện những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn triển khai công tác bầu cử ở địa phương, cũng như những vi phạm pháp luật về bầu cử để có biện pháp hướng dẫn, chỉ đạo, hoặc kiến nghị cơ quan, tổ chức, đơn vị có trách nhiệm khắc phục kịp thời. Mục tiêu là bảo đảm cho cuộc bầu cử thực sự dân chủ, đúng luật, an toàn, tiết kiệm, thực sự là ngày hội của nhân dân.
Cùng với việc triển khai hoạt động kiểm tra, giám sát, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam sẽ tập trung chuẩn bị và tổ chức Hội nghị hiệp thương lần thứ hai ở Trung ương. Thực hiện quy trình lấy ý kiến nhận xét và tín nhiệm của cử tri nơi cư trú; theo dõi, đôn đốc việc xác minh các vụ việc do cử tri nêu đối với người ứng cử ĐBQH.
Ban Chỉ đạo công tác bầu cử Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cũng cần chú trọng tới việc lưu giữ, tiếp nhận hồ sơ, rà soát tiêu chuẩn, điều kiện để đảm bảo đúng thời gian hoàn thành hồ sơ của người ứng cử ĐBQH.
Cũng trong ngày 4-3, Hội đồng bầu cử quốc gia đã ban hành Nghị quyết về số đơn vị bầu cử, danh sách các đơn vị bầu cử và số lượng ĐBQH được bầu ở mỗi đơn vị bầu cử của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Theo đó, tổng số đơn vị bầu cử ĐBQH khóa XV trong cả nước là 184. TPHCM có số đơn vị bầu cử là 10; số ĐBQH được bầu là 30. Cụ thể: - Đơn vị số 1: thành phố Thủ Đức Số đại biểu Quốc hội được bầu là 3 - Đơn vị số 2: gồm quận 1, quận 3 và quận Bình Thạnh Số đại biểu Quốc hội được bầu là 3 - Đơn vị số 3: gồm quận 5, quận 8 và quận 11 Số đại biểu Quốc hội được bầu là 3 - Đơn vị số 4: gồm quận 10 và quận 12 Số đại biểu Quốc hội được bầu là 3 - Đơn vị số 5: gồm quận Tân Bình và quận Tân Phú Số đại biểu Quốc hội được bầu là 3 - Đơn vị số 6: quận Bình Tân Số đại biểu Quốc hội được bầu là 3 - Đơn vị số 7: gồm quận Phú Nhuận và quận Gò Vấp Số đại biểu Quốc hội được bầu là 3 - Đơn vị số 8: gồm quận 6 và huyện Bình Chánh Số đại biểu Quốc hội được bầu là 3 - Đơn vị số 9: gồm quận 4, quận 7 và các huyện: Nhà Bè, Cần Giờ Số đại biểu Quốc hội được bầu là 3 - Đơn vị số 10: gồm huyện Củ Chi và huyện Hóc Môn Số đại biểu Quốc hội được bầu là 3 |