Lãnh đạo TPHCM đồng hành để báo chí phát triển

Nhà báo Tăng Hữu Phong, Tổng Biên tập Báo SGGP, bày tỏ mong muốn làm thế nào để cơ quan quản lý và cơ quan báo chí cũng như những người làm báo ngày càng gần hơn, sự chia sẻ thông tin nhanh hơn, đầy đủ hơn, nhất là trong bối cảnh thông tin trên mạng xã hội diễn biến quá phức tạp, hầu như các cơ quan báo chí phải chạy theo.

Sáng 6-10, UBND TPHCM tổ chức Hội nghị Sơ kết giai đoạn 1 Đề án sắp xếp, phát triển và quản lý báo chí TPHCM đến năm 2025. Đồng chí Nguyễn Thanh Lâm, Thứ trưởng Bộ TT-TT dự. Đồng chí Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TPHCM dự và phát biểu kết luận tại hội nghị.

Tạo điều kiện để báo chí làm tốt vai trò định hướng thông tin

Tại Hội nghị, đại diện các cơ quan báo chí đã nêu nhiều ý kiến liên quan đến việc sắp xếp lại và tình hình hoạt động tại đơn vị mình, đồng thời đưa ra những kiến nghị cụ thể. 

Tổng Biên tập Báo SGGP Tăng Hữu Phong cho biết, theo đề án, Báo Thể thao TPHCM sẽ sáp nhập vào Báo SGGP, tuy nhiên, sau đó đơn vị này có sắp xếp lại. Các chức năng nhiệm vụ của Báo Thể thao TPHCM cũng đã được Báo SGGP thực hiện đầy đủ. Cụ thể, Báo SGGP đã tổ chức lại trang thể thao, các quan điểm chỉ đạo của Thành ủy, UBND TPHCM về lĩnh vực thể thao được truyền tải đầy đủ. Báo SGGP cũng đã tiếp nhận nhân sự của Báo Thể thao TPHCM có nhu cầu chuyển về và đã sắp xếp vào các vị trí công việc phù hợp. 

Lãnh đạo TPHCM đồng hành để báo chí phát triển ảnh 1 Quang cảnh hội nghị

Về hoạt động chuyên môn, nhà báo Tăng Hữu Phong cho rằng Bộ TT-TT và TPHCM đã có hỗ trợ rất lớn để các cơ quan báo chí trên địa bàn Thành phố hoạt động hiệu quả. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn nặng về công tác quản lý hơn là sự đồng hành, chia sẻ về mặt nội dung. Nhà báo Tăng Hữu Phong bày tỏ mong muốn làm thế nào để cơ quan quản lý và cơ quan báo chí cũng như những người làm báo ngày càng gần hơn, chia sẻ thông tin nhanh hơn, đầy đủ hơn, nhất là trong bối cảnh thông tin trên mạng xã hội diễn biến quá phức tạp, hầu như các cơ quan báo chí phải chạy theo.

“Có những vấn đề mạng xã hội đặt ra và cơ quan báo chí phải đi lý giải. Lẽ ra chúng ta phải là người dẫn dắt dư luận, định hướng thông tin nhưng vì khó tiếp cận thông tin chính thống kịp thời, dẫn đến mạng xã hội trở thành phương tiện dẫn dắt thông tin”, nhà báo Tăng Hữu Phong đặt vấn đề và kiến nghị các cơ quan liên quan chia sẻ thông tin kịp thời hơn để các cơ quan báo chí thông tin đến bạn đọc. Đây cũng là giải pháp để vai trò của cơ quan báo chí được đặt đúng vị trí trong truyền tải thông tin của Thành phố và Trung ương, định hướng được dư luận.

Tương tự, Tổng Biên tập Báo Pháp luật TPHCM Mai Ngọc Phước kiến nghị TPHCM tạo điều kiện hơn nữa cho đội ngũ phóng viên tác nghiệp, vì đây sẽ là lực lượng đưa thông tin chính thống, có tính định hướng đến người dân, phản bác các luận điệu sai trái từ bên ngoài.

“Hiện nay mạng xã hội đang cạnh tranh gay gắt và lan truyền rất nhanh, trong đó có nhiều thông tin rất xấu độc. Để phản bác lại các thông tin đó theo chỉ đạo của Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ TT-TT hay theo yêu cầu từ Thành phố thì cần phải có thông tin chính thống từ các cơ quan chức năng nhưng yêu cầu phải có văn bản. Như vậy thì việc phản bác các quan điểm sai trái sẽ bị chậm, gặp nhiều khó khăn”, nhà báo Mai Ngọc Phước nêu thực tế.

Chủ động thích ứng với chuyển đổi số

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Thanh Lâm thông tin, đến nay, cơ bản đã hoàn tất việc sắp xếp cơ học các cơ quan báo chí thuộc diện phải sắp xếp. Theo đồng chí, trước mắt cần phải tính đến phương án để các cơ quan báo chí hoạt động ổn định, nhất là phải đảm bảo đời sống của người lao động tại các cơ quan này. 

Hiện Bộ TT-TT cũng đang xây dựng cơ chế để các cơ quan báo chí phát triển kinh tế báo chí; nghiên cứu dự án sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí 2016 để công tác quản lý báo chí phù hợp với giai đoạn phát triển mới. Đồng thời, có giải pháp để ngăn chặn tình trạng quảng cáo tràn lan, nhất là quảng cáo trên mạng xã hội.

Lãnh đạo TPHCM đồng hành để báo chí phát triển ảnh 2 Phó Chủ tịch UBND TPHCM phát biểu kết luận hội nghị

Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch UBND Dương Anh Đức ghi nhận đầy đủ ý kiến của đại diện các cơ quan báo chí TPHCM. Đồng chí Dương Anh Đức khẳng định, việc sắp xếp lại các cơ quan báo chí là để phát triển chứ không phải làm hệ thống yếu đi.

“Chắc chắn lãnh đạo Trung ương cũng như TPHCM luôn mong muốn báo chí ngày càng phát triển mạnh mẽ hơn nữa, để tiếp tục làm tốt vai trò dẫn dắt, làm cầu nối giữa hệ thống chính quyền với nhân dân cũng như thể hiện hình ảnh của TPHCM, của Việt Nam ra quốc tế”, đồng chí Dương Anh Đức nhấn mạnh. 

Đồng chí cũng kiến nghị Bộ TT-TT nghiên cứu, xem xét để tạo cơ chế linh hoạt hơn để các cơ quan báo chí phát huy tối đa năng lực của mình. Về phía các cơ quan báo chí, đồng chí yêu cầu các cơ quan tăng cường sự chủ động, sáng tạo trong xu thế phát triển hiện nay. Theo đồng chí, các cơ quan báo chí phải xác định, nếu không thay đổi có nghĩa là báo chí sẽ “chết”, sẽ bị "đào thải". Vì vậy, đồng chí lưu ý mỗi cơ quan báo chí phải thích ứng với công cuộc chuyển đổi số cũng như thích ứng với thị hiếu, thói quen của bạn đọc.

“Chuyện này chúng ta phải làm và chắc chắn lãnh đạo Thành phố sẽ đồng hành cùng các cơ quan báo chí truyền thông của TPHCM để tìm hướng phát triển”, đồng chí Dương Anh Đức khẳng định. 

Báo cáo tại hội nghị, Sở TT-TT TPHCM cho biết, sau 2 năm triển khai đề án, với sự lãnh đạo chỉ đạo kịp thời cùng sự tham gia nghiêm túc, Đề án sắp xếp, phát triển và quản lý báo chí TPHCM đến năm 2025 đã hoàn tất giai đoạn 1.

Trong giai đoạn 1 triển khai Đề án, TPHCM thực hiện sắp xếp hệ thống cơ quan báo chí theo hướng tinh gọn dưới hình thức chuyển đổi cơ quan chủ quản, mô hình hoạt động, sáp nhập từ 27 cơ quan báo chí sắp xếp còn 19 cơ quan báo chí. Hiện nay, về cơ bản việc sắp xếp trong giai đoạn 1 đã hoàn thành. Cụ thể, có 25/27 cơ quan báo chí đã hoàn thành việc sắp xếp (đạt tỷ lệ 92,59%), còn 2/27 cơ quan báo chí đang sắp xếp (Báo Tuổi trẻ, Báo Cựu chiến binh Thành phố), tỷ lệ 7,4%...

Các cơ quan báo chí sau khi sắp xếp đã nhanh chóng đi vào ổn định, hoạt động bình thường, tuân thủ các quy định pháp luật; đảm bảo công tác tổ chức, nhân sự, tài chính không xảy ra vướng mắc. Các đơn vị cũng xây dựng kế hoạch hoạt động hướng đến mục tiêu nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động theo yêu cầu mới. Sắp tới, TPHCM tiếp tục triển khai đoạn 2 của Đề án, các cơ quan báo chí đối mới hình thức, nội dung các ấn phẩm đáp ứng yêu cầu thông tin chung và thông tin chuyên biệt của từng nhóm độc giả. 

Đặc biệt, TPHCM tập trung xây dựng quản lý cơ sở dữ liệu truyền thông số của Thành phố; triển khai thực hiện chiến lược chuyển đổi số báo chí TPHCM năm 2025 gắn với chương trình chuyển đổi số của Thành phố.

Tin cùng chuyên mục