Một doanh nghiệp Việt có thị phần xuất khẩu 60 quốc gia và vùng lãnh thổ

Đó là Công ty Cổ phần sữa Việt Nam (Vinamilk). Định hướng phát triển bền vững với mô hình sản xuất xanh, thân thiện môi trường là yếu tố quan trọng giúp doanh nghiệp có “tấm vé thông hành” xuất khẩu, đồng thời tạo được thiện cảm với người tiêu dùng.

Tăng xuất khẩu nhưng phải bền vững

Thông tin từ Tổng cục Thống kê cho thấy, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa 10 tháng năm nay ước đạt 291,28 tỷ USD, giảm 7,1% so với cùng kỳ năm trước. Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 266,67 tỷ USD, giảm 12,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, có đến 93,8% trong tổng số kim ngạch nhập khẩu là nhóm hàng tư liệu sản xuất. Điều này cho thấy, cùng với việc mở rộng xuất khẩu thì nhu cầu sử dụng nguyên liệu cũng sẽ phải tăng lên, làm gia tăng áp lực hệ sinh thái và môi trường.

Xuất khẩu bền vững là yêu cầu cấp bách để đảm bảo tính hiệu quả, bền vững và lâu dài của nền kinh tế

Xuất khẩu bền vững là yêu cầu cấp bách để đảm bảo tính hiệu quả, bền vững và lâu dài của nền kinh tế

"Trên thực tế, việc mở rộng xuất khẩu nhưng chưa quan tâm đúng mức đến khai thác tài nguyên và môi trường, chưa thực hành đồng bộ chuyển đổi sản xuất xanh, tiêu dùng xanh tại Việt Nam đã và đang gia tăng nguy cơ cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, suy giảm đa dạng sinh học và ô nhiễm môi trường” ông Nguyễn Văn Hội, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, Chính sách Công thương nhấn mạnh.

Ở góc độ khác, Việt Nam nằm trong tốp 10 nước chịu ảnh hưởng nặng nề do biến đổi khí hậu cực đoan. Dễ nhận thấy nhất là tình trạng bão lũ ngày càng nghiêm trọng vào mùa mưa và tình trạng xâm nhập mặn, hạn hán thường xuyên xảy ra vào mùa khô. Thực trạng này đã đặt ra thách thức cho ngành xuất khẩu Việt Nam trong việc duy trì chất lượng, năng suất sản phẩm bởi đòi hỏi chi phí đầu tư lớn hơn nên sản phẩm Việt Nam khó cạnh tranh với sản phẩm của các quốc gia khác. Chính vì thế, định hướng xuất khẩu bền vững là vấn đề cấp bách đối với nước ta trong giai đoạn tăng trưởng kinh tế sắp tới, với mục tiêu hài hòa giữa tốc độ và chất lượng tăng trưởng nhanh, bảo vệ môi trường.

Xuất phát từ thực tế đó, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1393/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011- 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Chính phủ đã khẳng định “Tăng trưởng xanh là một nội dung quan trọng của phát triển bền vững, đảm bảo phát triển kinh tế nhanh, hiệu quả, bền vững và góp phần quan trọng thực hiện Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu”.

Xanh hóa đã trở thành “luật chơi” mới

Cùng chia sẻ về vấn đề này, ông Võ Trung Hiếu, Giám đốc Kinh doanh quốc tế Vinamilk cho biết thêm, hiện sản phẩm của Vinamilk có mặt tại 60 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, đặc biệt có những thị trường rất khó tính như Singapore, Nhật Bản, New Zealand… Việc nhận định và đánh giá khá sớm sự quan trọng của yếu tố phát triển bền vững giúp Vinamilk đạt được những kết quả bước đầu tương đối khả quan.

Cũng theo ông Hiếu, hiện nay hầu hết các đối tác của Vinamilk ở các nhóm thị trường phát triển đã đề cập về các yêu cầu liên quan đến phát triển bền vững. Vinamilk đã và đang tiếp tục chủ động chuyển đổi phương thức hoạt động, tăng cường đầu tư trang thiết bị, chú trọng đào tạo phát triển nhân lực, tích cực chuyển đổi số và chuyển đổi xanh nhằm thích ứng với điều kiện mới.

Mới đây, Vinamilk cũng ký kết hợp tác đưa sản phẩm sữa chua vào thị trường tỷ dân – Trung Quốc. Các sản phẩm sữa chua được sản xuất trên dây chuyền khép kín theo hệ thống quản lý chất lượng quốc tế ISO 9001:2015 và tiêu chuẩn FSSC 22000, áp dụng công nghệ lên men tự nhiên, không sử dụng chất bảo quản nhằm đảm bảo tính an toàn và vệ sinh. Với những giá trị và tiềm năng phát triển của xu hướng xuất khẩu bền vững, Vinamilk cũng sẽ phát triển ở các nhóm thị trường có thu nhập cao ở châu Á, châu Mỹ và nhóm thị trường truyền thống đã khai thác trong giai đoạn vừa qua.

Sản phẩm "xanh” được người tiêu dùng quốc tế ngày càng quan tâm, ưa chuộng

Sản phẩm "xanh” được người tiêu dùng quốc tế ngày càng quan tâm, ưa chuộng

Ông Nguyễn Anh Đức, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, Tổng Giám đốc Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TPHCM cho rằng, phát triển xanh là "Tấm hộ chiếu xanh" giúp doanh nghiệp vượt các rào cản xanh, vươn mình mở rộng thị phần xuất khẩu tại các thị trường trên thế giới cũng như nâng cao năng lực cạnh tranh và năng lực cung ứng sản phẩm, hàng hóa cho thị trường nội địa. Cao hơn, chuyển đổi xanh sẽ là cơ hội để doanh nghiệp “đi tắt, đón đầu”, vượt qua thách thức và bắt kịp được đà phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang phát triển như vũ bão trên toàn cầu.

“Có thể thấy, xanh hóa đã trở thành “luật chơi” mới trên thị trường trong nước và quốc tế. Doanh nghiệp bắt buộc phải chuyển đổi xanh nếu muốn tồn tại, phát triển và hòa nhập với thị trường toàn cầu. Điều này không ngoài mục tiêu giảm phát thải nhà kính, hướng tới mục tiêu trung hòa carbon và phát triển bền vững. Hiện các thị trường nhập khẩu quan trọng đã triển khai áp dụng thuế suất cao đối với các sản phẩm có “dấu chân carbon” lớn. Và với nền kinh tế định hướng về xuất khẩu như Việt Nam, việc đi theo con đường này của các doanh nghiệp là tất yếu” PGS.TS Nguyễn Hồng Quân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tuần hoàn TPHCM, thành viên Hội đồng thẩm định nhấn mạnh.

Tin cùng chuyên mục