Thủ tướng Chính phủ họp khẩn cấp với 7 tỉnh Nam sông Hậu

Quyết liệt dập tắt ngay các ổ dịch cúm gia cầm, không để bùng phát trên diện rộng và lây sang người

* Vùng dịch có chiều hướng lan rộng ở Cà Mau, Bạc Liêu* Kết quả âm tính với 6 trường hợp nghi nhiễm cúm gia cầm

* Vùng dịch có chiều hướng lan rộng ở Cà Mau, Bạc Liêu
* Kết quả âm tính với 6 trường hợp nghi nhiễm cúm gia cầm

Sáng 31-12-2006, tại Cà Mau, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì cuộc họp với 7 tỉnh Nam sông Hậu về việc khẩn cấp thực hiện các biện pháp phòng chống dịch cúm gia cầm (CGC) và cúm A (H5N1) ở người. Tham dự có đại diện lãnh đạo Bộ Y tế, Bộ NN-PTNT, Cục Thú y, Sở NN-PTNT và lãnh đạo 7 tỉnh vùng Nam sông Hậu.

Báo cáo mới nhất của Ban chỉ đạo phòng chống dịch CGC các địa phương ở ĐBSCL: Đến ngày 31-12-2006, dịch CGC đã tái phát tại 3 tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu và Hậu Giang ở 27 ấp của 18 xã, 12 huyện, thành phố (trực thuộc tỉnh) làm chết hơn 8.000 con gia cầm. Các tỉnh này đã tiêu hủy 14.000 con gia cầm trong vùng dịch.

Tình hình vẫn đang diễn biến phức tạp. Ông Phạm Thành Tươi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban chỉ đạo phòng chống dịch CGC tỉnh Cà Mau cho biết: Đến ngày 31-12-2006, dịch CGC đã xuất hiện trên địa bàn 13 xã, 1 phường, 3 thị trấn thuộc các huyện: U Minh, Trần Văn Thời, Đầm Dơi, Ngọc Hiển, Phú Tân, Thới Bình và TP Cà Mau. Toàn tỉnh đã tiêu hủy hơn 12.200 con. T

ỉnh Bạc Liêu có 4 xã thuộc 3 huyện Hòa Bình, Hồng Dân và Phước Long tái phát dịch cúm gia cầm. Ngoài ra, tại một số địa phương thuộc huyện Giá Rai, Vĩnh Lợi cũng đang xảy ra hiện tượng gia cầm chết.

Tại buổi làm việc, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng chính thức phê phán biểu hiện chủ quan, lơ là ở một số địa phương; nhất là việc chậm phát hiện dịch, biện pháp xử lý chưa phù hợp. Thủ tướng nhấn mạnh: Có nhiều nguy cơ bùng phát dịch CGC trên diện rộng trong thời gian tới. Chủ yếu là do thời tiết đang vào mùa đông, việc tái đàn thủy cầm chưa được kiểm soát triệt để, mầm bệnh lưu tồn trong đàn thủy cầm còn rất phổ biến, chim di trú về nước ta nhiều...

Thủ tướng đặc biệt lưu ý: Mục tiêu cao nhất đặt ra lúc này, nhất là 3 tỉnh đang có dịch là phải khoanh vùng, bao vây, dập tắt ổ dịch ngay khi mới phát hiện, không để lây lan; tuyệt đối không để dịch lây sang người.

Về các biện pháp chỉ đạo phòng chống dịch CGC và cúm A (H5N1) ở người, Thủ tướng nhấn mạnh: Phải tập trung quyết liệt cho việc tuyên truyền để nhân dân nhận thức đúng tác hại của dịch bệnh và chủ động thực hiện các biện pháp phòng tránh. Tuy nhiên việc tuyên truyền phải đảm bảo không gây hoang mang cho nhân dân.

Mạng lưới giám sát dịch bệnh từ tỉnh đến các thôn ấp phải được củng cố để kịp thời phát hiện và xử lý các ổ dịch ngay khi mới phát hiện. Đồng thời hướng dẫn nhân dân áp dụng các biện pháp vệ sinh tiêu độc, khử trùng chuồng trại, nơi ở và môi trường. Các địa phương phải thực hiện thật tốt việc tiêm vaccine phòng dịch CGC vì thực tế cho thấy, hầu hết các ổ dịch tái phát lần này đều xuất hiện trên đàn gia cầm chưa tiêm phòng hoặc tiêm không đủ liều… Ngành y tế phải tăng cường giám sát, phát hiện những trường hợp nghi nhiễm cúm A (H5N1) ở người để cách ly theo dõi, điều trị kịp thời…

* Ngày 31-12-2006, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Chí Liêm cho biết: 6 trường hợp nghi nhiễm cúm A (H5N1) đã gởi mẫu xét nghiệm tại Viện Pasteur (TPHCM) đều có kết quả âm tính. Trong đó bao gồm: 4 người trong một gia đình ở xã Lâm Hải, huyện Năm Căn (Cà Mau), 1 người ở Tây Ninh và 1 người ở Bình Dương. Riêng 1 trường hợp ở tỉnh Kiên Giang (người Campuchia) đã chết do nghi nhiễm cúm A, nhưng chưa có kết quả xét nghiệm.

B.Đ. - Đ. M.

Thông tin liên quan

- Thời tiết lạnh, dịch cúm gia cầm có nguy cơ bùng phát mạnh

- Các cơ quan chức năng vẫn chưa vào cuộc

- Các bộ trưởng đi kiểm tra trực tiếp tại địa phương

- Cúm gia cầm tái phát tại ĐBSCL : Vùng dịch lan rộng!

- Dịch cúm gia cầm đã xuất hiện ở Hậu Giang

- Tiêu thụ gia cầm vẫn tăng 

- Chống dịch cấp bách như chống bão 

- Đã khống chế các ổ dịch cúm gia cầm

- Chủ tịch UBND phường, xã phải chịu trách nhiệm

- Nhiệm vụ trọng tâm là tổ chức phòng, chống dịch cúm gia cầm và cúm A (H5N1)

Tin cùng chuyên mục