Kế thừa truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, vượt qua khó khăn để học tốt - sống tốt với lý tưởng cách mạng của học sinh, sinh viên Sài Gòn - Chợ Lớn những năm 1950, thế hệ sinh viên TPHCM hôm nay không ngừng viết tiếp những trang sử vẻ vang mới. Hàng ngàn công trình dân sinh in dấu bước chân tình nguyện được đưa vào sử dụng mỗi năm, hàng trăm “kỹ sư trẻ” làm chủ khoa học công nghệ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, hàng vạn sinh viên được nhà đầu tư nước ngoài “đặt hàng” khi chưa tốt nghiệp... là những minh chứng điển hình nhất cho thấy lớp sinh viên TP ngày nay đã và đang tỏa sáng.
Tỏa sáng trong nước
Những ngày này, không khí kỷ niệm 65 năm ngày truyền thống học sinh, sinh viên (9-1-1950 - 9-1-2015) không chỉ sôi nổi trên những giảng đường đại học, cao đẳng, những căn tin trường học, những nhà văn hóa quận huyện, mà còn len lỏi về những vùng quê - nơi bước chân những “sinh viên tình nguyện” từng in dấu.
Về 2 xã Phước Kiểng và Hiệp Phước (huyện Nhà Bè), đi vào những con hẻm ngoằn ngoèo láng nhựa phẳng phiu, chúng tôi nghe được những câu chuyện của người dân nơi đây kể về những cô cậu sinh viên với tinh thần xung kích, không ngại khó khăn, đem sức trẻ “thay áo” những “con đường đau khổ”, những “con hẻm nắng bụi mưa lầy” ở địa phương. Mọi người bảo: “Những năm trước, dạo cuối năm, nước triều dâng cao, con hẻm thường xuyên bị ngập lội, bùn lầy. Vậy mà năm nay, sau một “mùa hè xanh”, nó đã phẳng phiu thế này đây. Bà con địa phương biết ơn những sinh viên tình nguyện lắm. Mấy hôm nay xem ti vi chiếu các hoạt động tình nguyện của sinh viên, lại càng thương các em...”.
Sinh viên Trường Đại học Nguyễn Tất Thành chế tạo robot.
“Nhớ lại cảnh các em ban đêm chong đèn xây đường, nghĩ lại cảnh sinh viên nhường nhau từng chén mì gói sau giờ làm, những em lễ phép biết đi thưa về trình chủ nhà mà cảm động hơn”, bà Bùi Thị Tính, ở ấp Phú Đức 2, xã Bình Phú chia sẻ.
Thật khó có thể kể hết những công trình, sản phẩm, tiện ích, việc làm có ích mà sinh viên tình nguyện TPHCM đã mang đến, dành tặng cho người dân TPHCM và nhiều địa phương khác. Đó là những hình ảnh đẹp mà lớp lớp sinh viên TPHCM đã, đang và sẽ mãi mãi tỏa sáng trong lòng người dân.
Hình ảnh đẹp của học sinh, sinh viên TPHCM không chỉ thể hiện ở những việc làm tình nguyện, mà còn hiện rõ ở sự bản lĩnh, kiên trì, cần cù và sáng tạo trong học tập, nghiên cứu. Theo Trung tâm Phát triển khoa học công nghệ trẻ TPHCM, từ năm 2010 đến nay, tại TPHCM, có hơn 100 sinh viên nhận được giải thưởng sinh viên nghiên cứu khoa học Euréka. Những công trình nghiên cứu, những sản phẩm đoạt giải đều mang lại hiệu quả kinh tế cao khi ứng dụng vào thực tiễn.
Điển hình như các công trình: Đánh giá tác động của liệu pháp nghệ thuật trên người bị stress của sinh viên Phan Tường Yên (Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn TPHCM); Xây dựng hệ thống tóm tắt video dựa vào các phương pháp phân tích ảnh hai chiều của hai sinh viên Nguyễn Duy Cường và Nguyễn Thành Gô (Trường Đại học Khoa học tự nhiên TPHCM)...
Hội nhập quốc tế
Không chỉ tỏa sáng trong nước, cùng với sinh viên cả nước, sinh viên TPHCM đã và đang trên hành trình tham gia Cộng đồng ASEAN vào năm 2015. Hội Sinh viên TPHCM cho biết, đến nay việc thảo luận, đưa ra những góc nhìn, suy nghĩ và đề xuất các giải pháp thiết thực đối với giới trẻ Việt Nam trước thềm hội nhập Cộng đồng ASEAN 2015 đã xong. Thời gian tới, ngoài việc kiến nghị các trường nâng cao, đẩy mạnh tăng cường đào tạo tiếng Anh, Hội Sinh viên TP cũng phối hợp các trung tâm ngoại ngữ, mở rộng các loại hình đào tạo các ngoại ngữ khu vực như Thái Lan, Indonesia... Hiện nay, sinh viên các trường Đại học Sài Gòn; các trường đại học thuộc Đại học Quốc gia TPHCM, Đại học Kinh tế TPHCM... đã sẵn sàng cho việc gia nhập Cộng đồng ASEAN và đã vạch rõ những công việc cụ thể sau khi trở thành thành viên.
Sinh viên Huỳnh Thiệu Phong (Khoa Văn hóa - Du lịch, Trường ĐH Sài Gòn) cho biết khi gia nhập Cộng đồng ASEAN, mỗi sinh viên của trường này sẽ trở thành đại sứ truyền thông. “Bằng phương thức giao tiếp, nói chuyện bằng tiếng Anh và cả tiếng những nước trong khu vực, chúng tôi sẽ giới thiệu, quảng bá những hình ảnh đẹp, đặc sắc của Việt Nam để các công ty du lịch nước ngoài mạnh dạn đầu tư, hợp tác, đẩy mạnh ngành du lịch nước nhà phát triển”, Phong cho biết.
Nguyễn Nam Hải, sinh viên Trường Đại học Kinh tế TPHCM, khẳng định: “Với sự năng động, nhiệt huyết, kiến thức đa dạng, khi gia nhập Cộng đồng ASEAN, điều trước tiên chúng tôi sẽ làm cho những người bạn quốc tế thấy rằng người Việt Nam luôn cởi mở, thân thiện và là những đối tác dễ gần, dễ làm việc, hợp tác”.
TRẦN HÙNG
Để sinh viên học và làm việc tốt
PV Báo SGGP đã ghi nhận ý kiến của một số sinh viên xung quanh việc nâng chất hoạt động của Hội Sinh viên Việt Nam cũng như những vấn đề được sinh viên quan tâm như giáo dục, đào tạo, sân chơi...
NGUYỄN TRƯỜNG GIANG (Trường Cao đẳng Phát thanh - Truyền hình II): Tự tin hơn nhờ tham gia phong trào tình nguyện
Ngoài việc cố gắng học tập tốt để bồi dưỡng, nâng cao kiến thức, rèn luyện đạo đức, mục tiêu đặt ra của tôi khi còn ngồi trên ghế nhà trường là phải có thể lực tốt, kỹ năng tốt và đặc biệt là hội nhập tốt. Nhờ tham gia các hoạt động tình nguyện sôi nổi, bổ ích của Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên TP, tôi trở nên mạnh dạn, hoạt bát hơn hẳn.
Tham gia các hoạt động, tôi thấy mình sống có trách nhiệm với bản thân và gia đình hơn, yêu thương con người hơn, biết chia sẻ, đồng cảm với những hoàn cảnh không may. Đến với tổ chức Đoàn, Hội, tôi được học những bài học nhân văn về con người, những bài học sâu sắc về lý tưởng cách mạng. Được Thành đoàn TP tuyên dương là “Sinh viên 5 tốt” năm 2014, tôi coi đây là động lực để tiếp tục phấn đấu, sớm tìm được việc làm sau khi ra trường và trở thành công dân có ích cho đất nước, xã hội. Mong muốn của tôi là tổ chức Đoàn, Hội cần mở rộng quy mô và nâng chất hơn nữa các hoạt động, phong trào để thu hút nhiều sinh viên tham gia,
NGUYỄN THẾ ĐỨC TÂM (Đại học Luật TPHCM): Đầu tư thiết bị, phương cách học hiện đại
Việc chăm chỉ, cần cù trong học tập chưa đủ, nên chúng tôi mong muốn được nhà trường cần đầu tư, tạo điều kiện hơn nữa để sinh viên được tiếp cận với tri thức mới, cách làm mới, cách học mới, cách nghiên cứu mới.
Cụ thể hơn là đầu tư phương tiện hỗ trợ học tập hiện đại như sách điện tử, thư viện trực tuyến.... Để khoảng cách giữa học tập, nghiên cứu của sinh viên gần hơn với môi trường làm việc chuyên nghiệp hay tạo điều kiện để sinh viên ra trường sớm có việc làm, các cơ quan quản lý, Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên cần tăng cường các giải pháp hỗ trợ sinh viên nghiên cứu khoa học, kêu gọi các đơn vị, doanh nghiệp “đặt hàng” sinh viên.
PHẠM LÊ BÍCH NGỌC (Cao đẳng Sư phạm Trung ương): Thêm sân chơi cho sinh viên
Sân chơi là một nhu cầu không thể thiếu của sinh viên, tuy nhiên nhiều trường, nhất là những trường tư thục, dân lập, việc xây dựng và thiết kế các sân chơi còn rất hạn chế. Chưa nói là đáp ứng đủ nhu cầu sinh viên, có trường còn không có sân chơi. Điều này tác động tiêu cực đến việc học tập, sinh hoạt ngoài giờ của sinh viên.
Không ít câu chuyện buồn, sinh viên bị lôi kéo, sa ngã vào các hoạt động giải trí không lành mạnh, ảnh hưởng đến việc học, có trường hợp phải bỏ học giữa chừng có một phần nguyên nhân xuất phát từ việc thiếu sân chơi lành mạnh cho sinh viên.
ĐỖ THỊ THU TRANG (Trường Đại học Tài chính Marketing TPHCM): Đưa môn kỹ năng vào chương trình giảng dạy
Trong 5 tiêu chí để trở thành “Sinh viên 5 tốt”, tôi nghĩ “kỹ năng tốt” là tiêu chí có ít bạn trẻ thực hiện được, nhưng nó lại rất quan trọng trong quá trình học tập và làm việc của sinh viên sau ra trường. Khó thực hiện được vì còn phụ thuộc vào bẩm sinh, tố chất riêng của mỗi người và quan trọng ở chỗ là vì nếu sinh viên đó giỏi về chuyên môn, nhưng khả năng giao tiếp, xử lý tình huống kém thì cũng khó làm việc ổn định, lâu dài được.
Hiện nay, các trường ít đưa môn học kỹ năng vào dạy. Các tổ chức Đoàn, Hội, các sân chơi kỹ năng còn hạn chế, chưa rộng rãi.
VŨ TUẤN ghi
Các tin, bài viết khác
- Cần sự chung tay của toàn xã hội
- Tỉnh ủy Hà Tĩnh biểu dương việc sáp nhập trường ở Hương Bình
- Bia Sài Gòn: 65 tỷ đồng đóng góp từ thiện xã hội
- 11 hộ dân ở lô 4,6 cư xá Thanh Đa phải di dời trước ngày 15-1-2015
- Thưởng tết Nguyên đán cao nhất 457 triệu đồng/người
- Lấy sức dân lo cho dân
- Hàng tết đã ra đến Trường Sa
- Ông Nguyễn Bá Thanh mắc hội chứng rối loạn sinh tủy
- Chưa có tin tức 2 thuyền viên Việt Nam mất tích ở Hàn Quốc
- Kênh truyền hình Quốc hội chính thức lên sóng