Đồng Nai mong muốn Bộ NN- PTNT hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp GAP

Chiều 29-8, tại TP Biên Hòa, UBND tỉnh Đồng Nai tổ chức Hội nghị kết nối tiêu thụ sản phẩm đạt chứng nhận thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (GAP) trên địa bàn.

Tham dự hội nghị có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Văn Phi, lãnh đạo sở ngành địa phương, đại diện UBND các huyện, thành phố, Liên minh HTX, Hội nông dân tỉnh, các đơn vị, cá nhân sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

Clip: Hội nghị kết nối tiêu thụ sản phẩm đạt chứng nhận thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (GAP)

Theo báo cáo, Đồng Nai hiện có 2.770ha cây trồng đạt chứng nhận sản xuất an toàn (tăng 717 ha so năm 2022), trong đó 12,2ha đạt chứng nhận hữu cơ và đang xây dựng 80 mô hình sản xuất theo hướng hữu cơ với 1.454ha cây trồng. Tỉnh có 170 mã số vùng trồng, 86 nhà đóng gói xuất khẩu, 113 vùng trồng xuất khẩu thị trường Trung Quốc, 37 vùng trồng xuất khẩu thị trường Hoa Kỳ, EU, Australia, New Zealand.

Các đại biểu tham dự Hội nghị

Các đại biểu tham dự Hội nghị

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Văn Phi phát biểu tại hội nghị

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Văn Phi phát biểu tại hội nghị

Về lĩnh vực chăn nuôi, tỉnh có 125 trang trại, 7 tổ hợp tác được chứng nhận VietGAP với sản lượng thịt 124.607 tấn, trứng gà thương phẩm 283.166.000 quả, 14 vùng nuôi với 15.282 tấn thủy sản nhưng chứng nhận của các vùng nuôi đã hết hạn. Riêng chợ đầu mối nông sản thực phẩm Dầu Giây (huyện Thống Nhất) có 94 sạp rau củ quả, sản lượng vào chợ 140-170 tấn/ngày từ các địa phương trong tỉnh và các tỉnh Lâm Đồng, miền Tây, miền Đông Nam bộ, các tỉnh phía Bắc. Tổng sản lượng rau củ quả bán trong tỉnh 80 tấn/ngày và ngoài tỉnh 60 tấn/ngày và khách hàng chủ yếu là các tiểu thương ở các chợ lẻ trên địa bàn tỉnh, các tỉnh lân cận.

Quầy trưng bày sản phẩm của huyện Xuân Lộc tại hội nghị

Quầy trưng bày sản phẩm của huyện Xuân Lộc tại hội nghị

Tại hội nghị, Sở NN- PTNT tỉnh Đồng Nai đề nghị các địa phương trong tỉnh nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách, xem xét hỗ trợ chứng nhận GAP khi sản phẩm tham gia chuỗi liên kết sản xuất – tiêu thụ và thúc đẩy công tác kiểm tra giám sát sau chứng nhận, góp phần nâng cao giá trị, vị thế của nông sản địa phương, nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống của người nông dân.

Nhiều sản phẩm nông nghiệp đạt chứng nhận GAP của tỉnh Đồng Nai đang được đẩy mạnh quảng bá, bán ra thị trường

Nhiều sản phẩm nông nghiệp đạt chứng nhận GAP của tỉnh Đồng Nai đang được đẩy mạnh quảng bá, bán ra thị trường

Theo UBND huyện Xuân Lộc, khâu tiêu thụ mặt hàng nông sản phải qua trung gian, giá bấp bênh, ngành chế biến phát triển chậm, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất chưa đồng bộ... nên địa phương đang xây dựng và phát triển vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, đạt chứng nhận GAP tạo ra sản phẩm chất lượng, an toàn phục vụ nhu cầu thị trường. Nhiều năm qua, huyện Vĩnh Cửu áp dụng tiêu chuẩn an toàn trong sản xuất đang mang lại hiệu quả như nhận thức của người dân về chất lượng nông sản được nâng cao, hạn chế tối đa dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, các sản phẩm GAP được truy xuất nguồn gốc, chất lượng sản phẩm được nâng cao là động lực thúc đẩy sản xuất, cung ứng các sản phẩm tốt từ nông nghiệp cho xã hội.

Lãnh đạo UBND tỉnh Đồng Nai tham quan gian hàng nông sản tại hội nghị

Lãnh đạo UBND tỉnh Đồng Nai tham quan gian hàng nông sản tại hội nghị

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Văn Phi, hội nghị đã kết nối giữa người sản xuất với đơn vị, cá nhân tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp đạt GAP, từ đó hình thành các chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm bền vững, nâng cao thu nhập của người sản xuất và cho thấy, ngành nông nghiệp của Đồng Nai có khả năng tạo ra các sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng tốt, gia tăng niềm tin của người tiêu dùng. Đồng Nai mong muốn Bộ NN- PTNT tham mưu Chính phủ sửa đổi Quyết định số 01/2012/QĐ-TTg mở rộng phạm vi, đối tượng hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm đạt chứng nhận GAP mà không cần tham gia các chương trình, dự án. Đồng thời đề nghị các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông nghiệp đồng hành thực hiện đúng các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm đối với nông sản, thủy sản, kết nối và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn.

Tin cùng chuyên mục