Dự kiến học sinh THPT đi học, Đà Nẵng lên kịch bản ứng phó tại trường học

Những ngày gần đây, các giáo viên, học sinh ở những vùng không có dịch lần lượt trở về TP Đà Nẵng. Hầu hết các trường học tổng dọn vệ sinh, sẵn sàng đón học sinh trở lại trường. Với các phương án đề xuất, TP Đà Nẵng dự kiến cho học sinh THPT đi học lại.

Phụ huynh ghi danh sách đồ dùng học tập cần mua cho học sinh gửi vào trong quầy bán hàng để tránh tiếp tục trực tiếp
Phụ huynh ghi danh sách đồ dùng học tập cần mua cho học sinh gửi vào trong quầy bán hàng để tránh tiếp tục trực tiếp

Tại trường tiểu học Lê Văn Tám (quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng), mới đây, các giáo viên có mặt sớm để lau chùi bàn ghế, quét dọn các phòng học, đồng thời cắt tỉa, thu dọn cây xanh bị đổ, gãy do ảnh hưởng mưa bão vừa qua.

Cô Trần Thị Minh Hà, hiệu trưởng nhà trường cho biết, để bảo đảm vệ sinh, an toàn phòng, chống dịch, 2 ngày qua trường đã huy động giáo viên tổng dọn vệ sinh sẵn sàng đón học sinh trở lại khi có thông báo. Tất cả bàn, ghế, hệ thống quạt điện…được kiểm tra, sửa chữa. Khác với mọi năm, trường tiến hành phun khử khuẩn toàn bộ phòng học.

Trường học ở Đà Nẵng tiến hành dọn dẹp chờ học sinh quay lại lớp

Là địa bàn “quận xanh”, tại quận Sơn Trà, các trường từng được trưng dụng làm cơ sở cách ly tập trung từ tháng 5 đến nay sớm hoàn thiện khâu làm sạch từng khu vực. Riêng trường mầm non, tiểu học, giáo viên, nhân viên tiến hành trang trí phòng sinh hoạt của bé, khu sảnh chào đón học sinh lớp 1.

Trong khi đó, nhiều giáo viên, phụ huynh và học sinh tiếp tục “tay xách, nách mang” đồ đạc mang theo đủ thứ, vào các chốt kiểm dịch để làm thủ tục xét nghiệm trước khi vào TP Đà Nẵng. Tại chốt kiểm dịch xã Hòa Khương (huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng), chị Hạ Oanh (quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng) và 5 đứa trẻ cầm trên tay những tờ phiếu xét nghiệm âm tính, quên hết mệt mỏi khi hoàn tất các thủ tục.
Lực lượng chức năng vận chuyển vật dụng y tế ra khỏi trường học 

Kỳ nghỉ lễ 30-4 và 1-5 vừa qua, đưa 2 con, 3 cháu về huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam thăm ông bà ngoại. Dịch bệnh diễn biến phức tạp khiến chị Oanh và những đứa trẻ phải ở đây tới 4 tháng. Cháu lớn nhất lên lớp 6, cháu nhỏ nhất chỉ vừa tuổi mẫu giáo. Năm học mới, mỗi giờ học với chị là “cuộc chiến” thật sự. Tuy nhiên, điều khiến chị Oanh và ông bà ngoại đau đầu là các phương tiện cho tụi trẻ học online. Trước mỗi giờ học, chị phải đi mượn điện thoại của hàng xóm. Ông bà cũng được "phân công" kèm cặp các cháu học bài.

Ông Mai Tấn Linh, PGĐ Sở GD-ĐT TP Đà Nẵng cho biết, với 4 phương án, phương án 1, ưu tiên học sinh lớp 9 và 12 đi học trực tiếp; phương án 2, học sinh các khối lớp 12, 9, 6 và 1 được đi học. Phương án 3, học sinh khối THPT và lớp 9, 6, 1 quay trở lại trường. Phương án 4, toàn bộ học sinh đi học trở lại. Khi trở lại học trực tiếp, để bảo đảm giãn cách cũng như giảm số người tham gia giao thông, đơn vị tính toán việc giảm số học sinh có mặt tại trường trong cùng thời điểm. Vì thế, phương án cho phép một số khối lớp đi học trước vài tuần, sau đó tăng dần những khối lớp khác được cân nhắc.
5 đứa trẻ là con và cháu của chị Hạ Oanh vui vẻ tại điểm lấy xét nghiệm

“Về lựa chọn khối lớp đi học trước, lớp cuối cấp được quan tâm hàng đầu. Tiếp theo, lớp thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới. Sau đó, đến lứa học sinh lớn tuổi, có thể tự chăm sóc sức khỏe, phòng chống dịch”, ông Linh nói.

Theo ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, ngành GD-ĐT xây dựng kế hoạch dạy học trực tiếp trên tinh thần sớm nhất từ ngày 15-10 mới tiến hành. Việc đi học tạm thời phân theo giai đoạn, trong đó giai đoạn đầu tối đa 50% học sinh, ưu tiên cho học sinh THPT đi học trước.

“Các cháu mầm non chưa đủ khả năng tự bảo vệ mình không bằng người lớn tuổi hơn. Vì thế, trước hết thống nhất là ưu tiên trước là bậc THPT, triển khai tầm 10 ngày rút kinh nghiệm rồi triển khai tiếp đối với số học sinh còn lại”, ông Chinh nhìn nhận.

Xét nghiệm đối với học sinh Đà Nẵng khi quay về địa phương

Đề cập đến phương án phòng dịch, theo bà Ngô Thị Kim Yến, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, dịch bệnh được kiểm soát nhưng nguy cơ vẫn luôn tiềm ẩn, nhất là khi các hoạt động mở cửa. Ngành GD-ĐT tiếp tục hoàn thiện kế hoạch dạy, học trực tiếp theo chỉ đạo của UBND TP Đà Nẵng. Điển hành, lên kế hoạch tiêm vaccine cho những giáo viên Quảng Nam đi dạy ở Đà Nẵng, chuẩn bị cơ sở vật chất, phương án giáo viên, học sinh “mắc kẹt” ở ngoại tỉnh...

“Khi xây dựng phương án, ngành GD-ĐT phối hợp với ngành Y tế tham khảo những dữ liệu thông tin về dịch bệnh các địa phương, đặc biệt trường hợp có bệnh mãn tính. Đây là dữ liệu quý giá để khi xảy ra tình huống, chúng ta có cách ứng phó để TP Đà Nẵng không bị động, lúng túng”, bà Yến chia sẻ.

Tin cùng chuyên mục